Cần tinh giản bộ máy công vụ một cách hợp lý, thực chất

10/07/2020 - 08:14

PNO - Tinh giản bộ máy công vụ một cách hợp lý, thực chất; một mặt là tiết kiệm nguồn kinh phí chi trả, mặt khác sàng lọc nhân sự, phát huy nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề, đặt để người đúng việc, việc trúng người…

Sáng 17/5, khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó bí thư Thường trực Trần Lưu Quang và Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đều đã có mặt ở hội trường UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, trước khi xuống thị sát hiện trường xây dựng nhà trái phép, tôi loay hoay tìm chỗ ngồi. Cạnh tôi, một áo xanh công chức huyện, anh làm bên khối Mặt trận. Tôi hỏi, vậy với vụ việc này, Mặt trận có giám sát nổi không? Tiếng trả lời nghe như trách cứ, giám sát được thì đã không để báo chí lọt vô, viết này nọ bữa giờ…

Một trong những lý do để tiến tới xem xét việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) quận huyện, phường xã chính là đã có sự tham gia hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở các cấp cơ sở. Trong trường hợp cụ thể này, hẳn nhiên không hề là cá biệt, việc thực hiện quyền giám sát của đại diện nhân dân, từ Mặt trận và các tổ chức thành viên cho đến cơ quan dân cử - HĐND - vẫn luôn tồn tại một khoảng trống đáng kể. 

Vậy trong khi chờ đợi, trông ngóng, kỳ vọng một cuộc cải tổ, nâng cao về chất - bao gồm năng lực, trách nhiệm và hiệu quả giám sát trong toàn hệ thống - thì việc thúc đẩy và thực hiện việc bãi bỏ HĐND cấp quận huyện, phường xã, xét về tinh giản số lượng là điều rất nên làm, cần phải làm.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra một căn nhà không phép vừa bị cưỡng chế tháo dỡ tại xã Vĩnh Lộc A
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra một căn nhà không phép vừa bị cưỡng chế tháo dỡ tại xã Vĩnh Lộc A ngày 17/5/2020

Thực tế tại TPHCM: là 1 trong 10 địa phương từng thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường từ năm 2009-2016. Kết quả đạt được rất tốt. Kết thúc cuộc thí điểm, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, thành phố buộc phải tổ chức lại HĐND quận, huyện, phường, theo ước tính của Sở Nội vụ, biên chế toàn thành phố phải tăng hơn 8.300 người, phát sinh kinh phí khoảng 47 tỷ đồng/năm. 

Vấn đề là hiệu quả thực tế và tính tác động thực chất của bộ máy này không cao, nếu không nói là rất hình thức. Trên cả hai chức năng chính, từ việc quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng của địa phương cho đến thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, công dân ở địa phương đều có vẻ hữu danh mà vô thực. 

Thực tế mang tính phổ quát: chức năng quyết định của HĐND, nhất là ở những vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội, thu chi ngân sách địa phương thực chất đa phần dựa trên các báo cáo, tờ trình của UBND cùng cấp, vốn đã được cấp ủy cùng cấp xem xét, cho ý kiến. Đến khâu giám sát, ngoài báo cáo giám sát của Thường trực HĐND vốn không nhiều, không sâu, không thực chất cho lắm các báo cáo chuyên đề, giám sát, chất vấn của từng đại biểu đại diện. 

Rõ là một bộ máy cồng kềnh; và một khi bị xem là cồng kềnh chính là hiệu quả hoạt động không tương xứng, tốn kém, thậm chí là tổn hại đến tính chính danh của cái gọi là đại diện nhân dân. 

Với một đô thị lớn như TPHCM, những quyết sách về kinh tế, xã hội, văn hóa… không chỉ tác động lên đời sống nhân dân thành phố, cũng không chỉ tác dụng trong một khoảng không gian - thời gian tồn tại nhất định. Vì vậy, nó rất cần được tháo bỏ những cơ chế ràng buộc mang tính hình thức, ở đó sự phân chia qua nhiều đầu mối, lên xuống nhiều tầng nấc sẽ phân tán và làm suy yếu tính tập trung của nguồn lực trong hệ thống quản trị cũng như quyền lực vốn gắn với trách nhiệm điều hành. 

Đặt trong tình hình ráo riết thực hiện Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì việc quyết liệt không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường đối với TPHCM là có tính đồng bộ, cần thiết, hợp lý. 

Đặt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam không là ngoại lệ, thì một trong giải pháp để vãn hồi nền kinh tế quốc gia đó chính là triệt để tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách. Tinh giản bộ máy công vụ một cách hợp lý, thực chất; một mặt là tiết kiệm nguồn kinh phí chi trả, mặt khác sàng lọc nhân sự, phát huy nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề, đặt để người đúng việc, việc trúng người…

Một khi guồng máy công vụ vận hành tốt, hiệu quả một cách thực chất, người dân sẽ ủy thác mọi niềm tin. Mỗi người dân là đại diện cho chính họ, trao gửi, trao đổi, tương tác, phản biện, kết nối, đồng thuận. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI