Cạn tình

24/07/2020 - 05:36

PNO - Tôi thường tham gia với vai trò khách mời cho chương trình Phía sau tội ác của VOV giao thông. Vài giờ trước khi phát sóng trực tiếp, biên tập viên lại gửi vào email cho tôi một vụ án để biết trước nội dung mà bình luận. Nhưng mỗi lần rời khỏi đài vào lúc tối muộn lại thấy nặng lòng: phần lớn là những vụ án bạn bè giết nhau, em giết anh, con giết bố dượng và vô số vợ điên lên giết chồng, chồng bực lên giết vợ. Chẳng có công thức chung riêng nào cho những vụ án mạng mà những gì còn lại chỉ là sự cạn tình.

1. Trên con đường từ đài về nhà, tôi cứ tưởng tượng những lúc cặp “nạn nhân - sát nhân” ấy dành cho nhau bao lời ngọt ngào, say đắm với ánh mắt ấm áp, rạng rỡ thuở còn đang yêu và khi họ trở thành hung thần, chỉ muốn băm vằm người kia (theo đúng nghĩa đen) cho hả dạ.

Có lần về đến nhà, lướt mạng vài phút cho nhẹ lòng, lại bắt gặp bài phỏng vấn một người vợ nổi tiếng bị người chồng nổi tiếng trong giới showbiz phụ bạc, kể tội chồng và kết tội tình địch chẳng ra gì, ôn cố tri tân về cái hồi “anh ta gầy loẻo khoẻo, trông hết sức bình thường, tôi không mấy để ý nhưng anh ta cứ yêu tôi say đắm, giờ thì anh ta…”. Rồi đến một ông phụ bạc tình cũ để chạy theo một ngôi sao còn lên tiếng tố người quá khứ một câu cổ điển và có lý khó cãi “ai biết được cái thai trong bụng cô ta là của tôi hay của người khác”. Giờ để hạ độc thủ người đã hết tình, không dùng dao rựa, độc dược được, thì Facebook trở thành một công nghệ tuyệt hảo để người ta tự vạch áo cho người xem lưng. 

Hôm sau, vừa mở điện thoại đã thấy đổ chuông. Khi cô bạn ở đầu dây bên kia than thở nói xấu người yêu cũ (vừa bỏ) thì tôi hết chịu nổi. Bị đổ chuyện không vui ngay lúc bình minh, tôi nói xẵng sau 15 phút đóng vai “thùng rác”: thế này nhé, “gã” chẳng có lỗi gì cả, lỗi là ở cậu không chọn đúng người, giờ cậu ráng ngậm đắng nuốt cay mà chịu đựng. Đầu dây bên kia im bặt. Tôi đo được độ sốc, choáng, kinh ngạc, bất ngờ, tức giận qua quãng thời gian màn hình điện thoại vẫn đếm số phút mà âm thanh thì không lời. Lát sau, nàng nói thêm vài câu loanh quanh nhạt nhẽo rồi cúp máy.

Thiên hạ dường như luôn có khoái cảm khi nghe các tình cũ tố nhau bằng những lời cạn tình, dù là chuyện của người nổi tiếng chẳng quen biết hay bạn bè, đồng nghiệp của mình, còn tôi thì cảm thấy chúng giống như món rau diếp cá mà mấy mươi năm nay tôi cứ cố ăn để thích nghi với những người xung quanh mà vẫn không tiêu hóa nổi. 

Tôi nhiều lần bị tra tấn không phải bởi mỗi cô bạn quý này mà còn nhiều người khác, có người thân, có người mới chỉ gặp đôi lần nhưng hành lỗ tai tôi tới hai giờ sáng trong phòng khách sạn của một chuyến công tác khi hai người buộc phải ghép chung chỗ “quá cảnh”. Tất cả câu chuyện là về kẻ thù không đội trời chung của họ: người yêu cũ/chồng cũ. Trong đó họ dùng nhiều từ miệt thị về học thức thấp kém, xuất thân bần hàn, quê mùa, khả năng tình dục kém cỏi, tính cách lèo lá, bần tiện, bệnh hoạn, trăng hoa, ích kỷ, tham lam, khoe mẽ của người cũ với đa số đại từ nhân xưng được dùng là “cái loại ấy”.

Trong bóng tối, tiếng vạch tội sang sảng của người giường bên cạnh trở nên xa xăm và trong đầu tôi hiện ra tấm ảnh vẫn còn giữ ở nhà, cách đây đã lâu, chụp một bữa tiệc đông đúc, vui vẻ; chen giữa tấm ảnh là hai nụ cười rạng rỡ in hình mũi tên thần Cupidon của “người giường bên cạnh” với “cái loại ấy”. 

Ngoài những lý do ghen ghét, đố kỵ thì cũng còn những lý do hiển nhiên được cho là có quyền nói xấu, ấy là khi kẻ bị kết tội chơi xấu: phản thùng hoặc phản bội hay bỏ rơi không lý do. Những lúc ấy, tôi thường bảo các “quan tòa” một câu rất dễ gây mất hứng: “Nhưng chuyện này là tại cậu kia mà”. 
- Tại tôi? Tại tôi cái gì?
- Tại cậu thế nào thì người ta mới ra nông nỗi thế.
- Tôi chẳng có lỗi gì cả.

“Quan tòa” tiếp tục luận tội “bị cáo” với những lời lẽ đanh thép và đưa ra nhiều dẫn chứng về sự tử tế, chân thành, tình nghĩa của bản thân mình. Cậu không tinh tường nhận ra con người anh ta ngay từ đầu thì ráng chịu vậy. Anh ta không ép cậu yêu anh ta. Chúa Trời cũng không ép cậu. Cậu tự nguyện và cậu đã hạnh phúc, ít nhất là có một thời gian cậu hạnh phúc. Và cậu nên cảm ơn vì người ta đã cho cậu một quãng thời gian hạnh phúc như thế. Niềm vui là vô giá, dù chỉ trong khoảnh khắc.

Hãy cảm ơn người đã cho ta khoảnh khắc hạnh phúc. Ảnh minh họa
Hãy cảm ơn người đã cho ta khoảnh khắc hạnh phúc. Ảnh minh họa

2. Tôi thích một câu của nhạc sĩ Phú Quang từng nói: “Tình yêu giống như bình pha lê, đừng để nó vỡ. Vì nếu vỡ là vỡ vĩnh viễn, không hàn lại được. Khi mình đã hết lòng với người ta rồi mà không được nữa thì thôi. Tôi quan niệm thế này: nếu người ta không yêu mình nữa thì cũng nên bỏ. Lý luận rất đơn giản: một là mình không xứng đáng để người khác yêu, hai là họ chả xứng đáng để mình yêu. Thế thôi, không nên níu kéo”. Tôi cũng nghĩ vậy, không nên níu kéo và không nên nguyền rủa nhau. 

Ngay cả trong mối quan hệ bạn bè, công việc cũng vậy. Rất nhiều người nói xấu bạn cũ và công ty cũ chẳng ra gì. Họ quên rằng đã có lúc họ tha thiết được làm bạn với người ấy, được làm việc trong công ty ấy và họ đã vui mừng, hạnh phúc khi có được điều đó. Khi niềm vui kết thúc, xung đột, mâu thuẫn xuất hiện thì họ ra đi. Chẳng ai còn nợ nhau điều gì. Vậy sao vẫn còn oán thù? 

Hồi năm 1997, khi đọc tin trên báo chí thấy ngôi sao Angelina Jolie xăm chữ H (tên viết tắt của người tình Timothy Hutton) trên cổ tay, tôi băn khoăn tự hỏi nàng sẽ xử lý nó thế nào nếu một ngày nào đó không còn yêu anh chàng Timothy ấy nữa. Vài năm sau, Angelina đã có cách giải quyết như để trả lời cho thắc mắc của tôi: nàng xóa chữ H đi và xăm tên anh chồng mới cưới là diễn viên người Anh, Jonny Lee Miller lên cánh tay phải. Rồi ít năm sau đó, nàng tiếp tục kỳ cạch tẩy nỗi đau Jonny Lee Miller trên da thịt và đè lên vết xăm cũ tên anh chồng thứ hai, Billy Bob Thornton. Sau này kết hôn với Brad Pitt, có lẽ Angelina cũng đã “sợ đau” nên chỉ xóa tên Billy Bob Thornton chứ không xăm tên Brad Pitt chồng lên nữa.

Khi yêu, người ta muốn có nhau cho bằng được, cảm giác như thiếu người kia thì chết đến nơi. Người ta khắc ghi tên người tình trân trọng lên da thịt, thậm chí có đôi còn dùng chung một số điện thoại di động hay chung một địa chỉ email cho tình cảm. Lúc dứt tình, họ xóa hình xăm, chửi rủa, nói xấu, thậm chí hành hung đe dọa tính mạng của người kia.

Số lượng các nam nhân nói xấu vợ cũ, người yêu cũ thì ít hơn, tần suất dùng từ thô bạo, mạt sát và ngoa ngoắt ít hơn nhưng cũng chi li chẳng kém. Họ lên hẳn báo chí chê vợ cũ hay nói dối, cáu bẳn, nhạt nhẽo, áp đặt, không biết cách ứng xử… Còn ngoài đời, thậm chí họ chê người yêu cũ nhiệt tình vì cái tội già, xấu, tàn tạ, nhăn nheo với sự khoái trá rõ rệt. 

Có lần tôi nhìn thấy một hình ảnh khá lạ mắt đối với người Việt: ống kính máy ảnh đặc tả anh chồng cũ (nam diễn viên) Bruce Willis đang ngồi câu cá trên thuyền còn hình nền đằng sau, chỗ đuôi tàu là cô vợ cũ Demi Moore và anh chồng mới cưới Ashton Kutcher kém 16 tuổi đang hôn nhau thắm thiết.

Ấy là vì sau khi ly hôn, bộ bốn Demi Moore, người tình Ashton Kutcher, Bruce Willis và vợ mới vẫn thường xuyên xuất hiện cùng nhau, chưa kể có bận bộ bốn ấy đi chơi cùng ba con chung của cặp Demi-Bruce.

Tôi chưa từng nhìn thấy đấng mày râu nào của chúng ta an nhiên ngồi câu cá cho vợ cũ và người tình mới ôm hôn, tình tự sau lưng mình, nhưng tôi biết rõ câu chuyện của một anh bạn. Anh sống hạnh phúc với người vợ kết hôn lần hai nhưng một đôi lần đã sẵn sàng đến nhà trẻ để đón hộ con trai của người yêu vợ cũ.

Nghĩa là cô vợ cũ có người yêu mới. Anh mới lại có một đứa con riêng. Việc bận, anh nhờ cô đi đón con. Thấy ai cũng bận, chẳng biết phải trả cậu nhóc về đâu, anh đành ngồi chơi với nó đến tận chiều muộn. Đó là một câu chuyện đẹp. Và tôi vẫn nghĩ rằng, khi không còn tình yêu trọn vẹn với nhau nữa thì người ta vẫn có thể làm bạn. Vì dẫu sao, hãy thử nghĩ mà xem, có người bạn thân thiết nào lại hiểu hết những thói quen và tính nết của bạn hơn “kẻ thù” của bạn bây giờ. Chỉ riêng việc ấy cũng đã là một điều đáng để biết ơn và trân trọng. 

Di Li

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI