Cần tìm phương án giảm căng thẳng kỳ thi lớp Mười

22/06/2024 - 05:54

PNO - Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thừa nhận, kỳ thi lớp Mười đang gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, chưa có phương án nào tốt hơn để thay thế.

Phóng viên: Theo nhiều phụ huynh và học sinh, kỳ thi lớp Mười áp lực hơn cả kỳ thi đại học. Là người từng trực tiếp chỉ đạo công tác thi cử, ông có thấy kỳ thi ngày nay áp lực hơn so với trước đây?

Ông Nguyễn Văn Ngai: Theo đánh giá chung trong những năm qua, kỳ thi lớp Mười đã và đang gây áp lực cho cả người học và gia đình người học. Ngày xưa, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp lớp Chín được vào học lớp Mười công lập thường là 80% hoặc nhiều hơn. Nhưng ngày nay, tỉ lệ này chỉ còn trên dưới 70%, nghĩa là cứ 10 học sinh dự thi sẽ có 3 em rớt công lập. Khuynh hướng ra đề vì thế cũng căng hơn trước. Nhiều người vẫn nói thi lớp Mười khó hơn thi đại học, vì học sinh phải học ngày học đêm, luyện thi ở trường và ở cả trung tâm để chắc suất đậu cho mình.

ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thừa nhận, kỳ thi lớp Mười đang gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thừa nhận, kỳ thi lớp Mười đang gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh - Ảnh minh họa

* Theo dữ liệu điểm thi lớp Mười, có hơn 56% thí sinh có điểm toán dưới trung bình. Nhiều ý kiến cho rằng, đề thi khó thì điểm chuẩn giảm, không ảnh hưởng đến việc chọn nguyện vọng. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?

- Theo tôi, quan điểm kỳ thi tuyển sinh không giống kỳ thi tốt nghiệp, không yêu cầu bao nhiêu điểm mới đạt mà chỉ lấy từ cao xuống thấp nên đề khó không ảnh hưởng gì là không đúng. Mặc dù khó chung nhưng nếu ngay cả học sinh giỏi cũng không làm được thì vô hình trung đã đánh đồng học sinh giỏi với học sinh trung bình. Học sinh trung bình tất nhiên không làm được, nhưng học sinh giỏi cũng không làm được thì thiệt thòi cho các em.

Sở GD-ĐT TPHCM phải rút kinh nghiệm từ kỳ thi lần này, đề quá khó hoặc quá dễ đều không được, đều là đánh đồng học sinh giữa những mức học khác nhau. Sở phải đảm bảo đề thi là thước đo tương đối sát đúng với trình độ học sinh. Người chủ trì ra đề phải có một sự tính toán thang điểm phù hợp. Ví dụ: học sinh ở mức trung bình - trung bình yếu thì có thể làm được từ 1-4 điểm, trung bình khá thì làm được 4-5 điểm, khá thì làm được 6-7 điểm, khá giỏi thì làm được 8 điểm, còn những em thật sự giỏi thì làm được 9-10 điểm. Muốn như vậy, sở phải nắm được trình độ, lực học của học sinh của toàn thành phố theo từng năm. Em nào ở mức độ nào thì đạt được điểm số ở mức độ đó sẽ bảo đảm công bằng. Như vậy, qua kỳ thi, ngành giáo dục sẽ chọn được những học sinh đáp ứng tiêu chí học lực cao hơn những học sinh khác để vào học tại các trường THPT công lập mà các em đã đăng ký.

* Vậy có phương án nào tốt hơn để thay thế cho kỳ thi tuyển sinh, giảm áp lực học tập cho học sinh nói chung?

- Nếu dựa vào điểm học bạ để xét tuyển vào lớp Mười thì không ổn, vì điểm của trường phụ thuộc phần lớn vào thầy cô. Trên thực tế, có một số trường THCS chất lượng tốt, trình độ học sinh cao hơn thì ngoài dạy học theo sách giáo khoa, thầy cô còn mở rộng các kiến thức khác. Khi thi hoặc kiểm tra, đề sẽ có phần khó hơn, điểm số chặt chẽ hơn. Ví dụ, có trường số học sinh giỏi chỉ đạt 2 - 3% nhưng có trường đạt đến 9 - 10%. Một số trường khác lại có tình trạng thầy cô thương học sinh, nghĩ rằng là năm cuối cấp nên chấm điểm châm chước để tốt cho việc xét tuyển. Nói tóm lại, nếu dùng điểm học bạ để xét vào lớp Mười thì có thể giảm căng thẳng nhưng không bảo đảm công bằng cho tất cả học sinh.

Khi còn làm ở Sở GD-ĐT TPHCM, chúng tôi đã có ý định là những quận, huyện đủ điều kiện xây dựng thêm trường lớp, tiếp nhận được khoảng 70 - 80% học sinh tốt nghiệp lớp Chín vào học lớp Mười công lập thì chỉ xét tuyển thôi. Việc này đã được thí điểm tại các huyện ngoại thành, vùng ven như: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và dự kiến sẽ mở rộng hơn. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, việc xét tuyển dẫn đến tình trạng các trường THPT kêu rằng chất lượng học sinh rất kém vì ở lớp Chín các em không chịu học. Từ đó, sở quyết định thi tuyển sinh cho toàn bộ thành phố.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, kỳ thi lớp Mười đang tạo ra áp lực, ngành giáo dục cũng không mong muốn điều này nhưng chưa tìm được cách khả thi hơn. Do đó, trong tương lai, lãnh đạo ngành cần thông qua các kỳ thi đã diễn ra, khảo sát mong muốn của học sinh, gia đình học sinh và xã hội để tìm ra phương án mới, bảo đảm giảm bớt căng thẳng, áp lực cho người học và gia đình người học.

* Xin cảm ơn ông.

Trang Thư (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Chung 23-06-2024 07:33:44

    Nói chung cũng dùng câu ( Tại, Bị, Thì, Là )

  • Nguyễn Thị Thanh Tuyền 22-06-2024 22:08:14

    Bài viết nói rất chuẩn, ông đã nêu lên nổi lo lắng đầy áp lực của gia đình học sinh, nổi buồn không mô tả được khi các em không làm tốt bài thi môn toán. Còn vấn đề thi tuyển vào các Trường công lập, tại sao không phân theo tuyến học như cấp 1 và 2 , thì đâu có Trường thì dư chỉ tiêu có Trường lại thiếu học sinh. Trong khi Trường học được xây dựng rất rộng khang trang đầy đủ tiện ích mà lại không có học sinh đăng ký vào học. Do sao ? Vì do phân biệt Trường top 1 - 2 ..., do cách quản lý , giảng dạy sao mà để các học sinh không dám đăng ký vào học, nên năm học nào cũng thiếu học sinh vào. Tôi mong Sở GĐ có thay đổi cách tuyển sinh lớp 10 cho phù hợp hơn , cứ theo tuyến ở gần Trường nào thì tuyển vào Trường đó , vừa gần nhà giáo thông thuận tiện , mà tất cả các Trường phân bổ học sinh giỏi, khá ,trung bình... đều có cả.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc