Cần tìm nguồn để tăng lương tối thiểu

24/10/2013 - 23:20

PNO - PN - Ngày 24/10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch năm 2014 - 2015.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều ĐBQH đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong ba năm trở lại đây. Chỉ ra một số điểm sáng của nền kinh tế, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói: “Tôi tán thành nhiều ý kiến của Chính phủ. Tình hình cho thấy, chúng ta đang phát triển theo hướng có lối ra. Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và chống được lạm phát có thể coi là thành công lớn”.

Bên cạnh mặt tích cực, các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều yếu kém, tồn tại đang là lực cản kinh tế - xã hội tiến lên. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu thực tế, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Giải quyết nợ xấu chưa triệt để, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa cải thiện rõ nét.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói thẳng: “Đánh giá của Chính phủ còn hơi màu hồng. Lạc quan là đúng nhưng phải thấy hết khó khăn thì mới vượt qua được. Người bệnh phải biết mình bệnh đến đâu để mà chạy chữa...”. Nêu ra giải pháp duy nhất là phải thắt lưng buộc bụng để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, ĐB Quyền nói: “Giải pháp nhiều lắm rồi, nói mãi rồi. Cái chính bây giờ là phải hành động. Nói đi đôi với làm...”.

Quan tâm nhiều tới đời sống dân sinh, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cần lấy chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo phát triển kinh tế - xã hội. Bà Bùi Thị An nói: “Thực tế đời sống người dân còn khó khăn lắm. Thu nhập thì vẫn thế mà cái gì cũng tăng giá. Trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn thì kinh doanh cứ thua lỗ suốt...”. ĐB Bùi Thị An kiến nghị, dù năm tới, kinh tế còn rất khó khăn nhưng nên tìm nguồn để tiếp tục tăng lương tối thiểu lên mức đủ đáp ứng đời sống sinh hoạt cơ bản của người dân.

 PHƯƠNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI