PNO - Cộng đồng truyện tranh vừa có tin vui khi tác giả Can Tiểu Hy (tên thật Phan Cao Hà My, sinh năm 1990) nhận giải Bạc cuộc thi The Japan International Manga Award lần thứ 10, với tác phẩm Ðịa ngục môn.
Ðây là bộ truyện tranh thứ hai (sau Long Thần Tướng) của Việt Nam được trao giải tại cuộc thi lớn, có uy tín, được tổ chức thường niên tại xứ sở hoa anh đào.
Buổi chiều cuối cùng của năm 2016, Can Tiểu Hy vẫn ở nơi làm việc. Cô bảo “nghỉ ở nhà cũng không biết làm gì” - trong khi ngoài phố người người đi chơi. Nhìn những bước chân khỏe khoắn và khuôn mặt sáng bừng của cô gái ấy, mới thấy tuổi trẻ tràn đầy sức sống và niềm đam mê khiến người khác phải ao ước. Can Tiểu Hy là một trong những tác giả trẻ rất được cộng đồng truyện tranh Việt yêu thích hiện nay. Ngày kết quả giải thưởng được công bố từ Nhật, người đàn anh Khánh Dương - đồng tác giả bộ truyện Long Thần Tướng, cũng là người khích lệ và đăng ký dự thi cho Địa ngục môn đã dành những lời chia sẻ chân tình và xúc động dành cho Can Tiểu Hy. Bởi kết quả này là quả ngọt của cả quá trình dài cần mẫn và nỗ lực, như con ong chăm chỉ.
Can Tiểu Hy ký tặng bạn đọc
Địa ngục môn trước khi được NXB Mỹ thuật chọn in, đã bao lần bị những đơn vị xuất bản khác từ chối. Truyện tranh Việt đang trên đà tiến triển, nhưng không có nghĩa là “rộng cửa” cho tất cả các thể loại. “Hồi tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, các bạn trong lớp chọn vẽ tranh minh họa, chỉ mình tôi là vẽ truyện tranh. Tôi biết cô phụ trách cũng không hài lòng khi chỉ mỗi tôi là đi ngược, làm khác. Tranh minh họa có màu sắc, còn truyện tranh lại trắng đen. Đó là hai thể loại rất khác nhau, cách thể hiện buộc phải khác. Dù thế nào tôi vẫn lựa chọn làm điều mình thích và tự chịu trách nhiệm với niềm đam mê của mình” - chia sẻ này cũng như là một “tuyên ngôn” làm nghề của cô gái vừa bước qua tuổi 27.
Từ lúc học ở trường tiểu học Nguyễn Nghiêm (quê nhà Quảng Ngãi), cô bé Hà My đã “suốt ngày vẽ vời”. “Mê vẽ đến nỗi mẹ nhiều lần gom đốt hết giấy vẽ và những bức tranh. Mẹ muốn tôi chú tâm vào việc học, nhưng ở lớp tôi cũng lại giỏi nhất là môn vẽ. Mãi về sau này, mẹ mới hiểu niềm đam mê của con gái. Bây giờ tác phẩm nào tôi chia sẻ trên facebook, ba mẹ cũng đều like và share rất tích cực” - Hà My nói vui. Tranh của Hà My rất đẹp, những nét vẽ uyển chuyển tinh tế và rất có hồn. Cô cứ chúi đầu vào giấy vẽ, máy tính. Nhiều ngày làm việc từ 10g sáng đến 11g đêm, như thể thế giới của giấc mơ, niềm vui, hạnh phúc và niềm cảm hứng đã dành trọn vào tác phẩm. Nhiều độc giả thắc mắc bút danh quá giống Trung Quốc, hoặc nhầm tác giả là nam. Cô cười giải thích đó thật ra là những chữ cái ghép từ tên thật của mình. “C” trong chữ Cao, “an” trong họ Phan và Hy là chữ đầu và chữ cuối của tên Hà My. Chỉ riêng chữ “Tiểu” là ngẫu hứng, vì “tôi hay bị kêu là My lùn, nhưng không thể lấy chữ “lùn” làm bút danh nên thay bằng chữ “nhỏ”.
Bìa tác phẩm Địa ngục môn
Địa ngục môn là tác phẩm đầu tay được xuất bản, nhưng trước đó cô đã có bộ Tam thế “đăng tải giữa chừng thì… ngưng”. “Nhiều khi tôi thấy mình thật có lỗi khi vì cầu toàn mà cứ hẹn lần hẹn lữa với độc giả. Tập hai của Địa ngục môn dự kiến ra mắt năm 2016, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa hoàn thiện. Mục tiêu của năm 2017 có lẽ là nghiêm khắc với deadline của chính mình” - Can Tiểu Hy cười.
Đầu tháng 2/2017, cô sẽ lên đường sang Nhật để nhận giải, cùng 10 ngày tham quan đất nước từng là “mục tiêu hồi nhỏ”. “Hồi nhỏ” của Hà My là thích trở thành họa sĩ có truyện tranh xuất bản tại Nhật, được làm việc trong nền công nghiệp truyện tranh phát triển nhất nhì thế giới. Nhưng đến khi nhận được học bổng sang Nhật học tập và làm việc, Hà My lại từ chối vì lời tâm huyết của một người đàn anh: "Tại sao muốn đóng góp cho truyện tranh Nhật mà không phải là truyện tranh Việt Nam? Tại sao phải tìm cách sang Nhật mà không nghĩ làm gì đó để nước Nhật… mời mình đến?". Và cô ở lại, quyết tâm thực hiện những mục tiêu của cuộc đời mình. “Tôi nghe lời thi... đại cho vui chứ cũng không nghĩ mình sẽ đoạt giải. Kết quả này thật sự là niềm vui bất ngờ, tự hào mà cũng là trách nhiệm với mình” - Hà My tâm sự.
Trang truyện đẹp như mơ của Can Tiểu Hy
27 tuổi, vừa chạm đến một nấc thang mới của sự nghiệp, My vẫn bảo “giờ cũng chỉ muốn vẽ và vẽ thôi”. Cô vẽ cho thỏa những sáng tạo, cho cả giấc mơ của người chị ở quê nhà. “Ngày xưa chị tôi cũng thích vẽ lắm, chính chị là người định hướng cho tôi vào ĐH Kiến trúc. Nhưng mẹ bảo nhà chỉ một đứa theo nghề vẽ thôi, nên chị đã nhường phần cho em gái. Giờ tôi được theo đuổi niềm đam mê mà thấy mình nợ chị một giấc mơ” - Hà My tâm sự. Chị gái lớn hơn hai tuổi, lùi lại một bước về quê nhà lập nghiệp, dành cho cô trọn khoảng trời tuổi trẻ “vẫy vùng” với bút vẽ, với
sắc màu.
Hà My có khuôn mặt trẻ trung, cá tính nhưng lại có đôi mắt buồn, nhìn vào là thấy “chất nghệ sĩ” chất chứa trong đó. “Tôi thấy mình bình thường lắm. Nhiều người nghe con gái làm họa sĩ, cứ nghĩ tôi phải thích rock, thích uống cà phê hay ngồi ngắm mưa chẳng hạn. Tôi lại không phải như vậy, chỉ là một cô gái thích vẽ và… bình thường” - cô gái có giọng nói nhẹ nhàng mà cuốn hút này, chỉ cần ngồi xuống bên cạnh một lúc là đã nhìn thấy được sự quyết liệt và kiên cường, bản lĩnh trong thái độ sống và lựa chọn trách nhiệm với đam mê của mình. Có lẽ đó chính là điều khiến cho giấc mơ của cô bé ngày xưa bây giờ trở thành hiện thực, để có nữ tác giả trẻ đầu tiên của Việt Nam mang truyện tranh Việt sang “đấu trường” Nhật Bản. Và đã thành công.
Ðịa ngục môn vượt qua 296 tác phẩm từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ để giành giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế The Japan International Manga Award lần thứ 10 tại Nhật Bản. Tác phẩm nương theo triết lý phật giáo, kể câu chuyện về hành trình của một cô gái từ địa ngục trở về tìm ý nghĩa cuộc sống, những mối quan hệ nhân quả ở dương gian. Can Tiểu Hy nói cô bị ám ảnh bởi đề tài này, đã dành thời gian gần một năm để hoàn thành. Nhuốm màu sắc kinh dị nhưng không mê tín, mà là cách thể hiện để kể về hành trình nhận diện cuộc sống của con người. Ðịa ngục môn được xuất bản theo hướng pre-order (độc giả đặt hàng trước sau khi đã đọc một số chương trên mạng). 3.000 bản in đã được phát hành vào giữa năm 2016. Tác giả cho biết bộ truyện gồm bốn tập, dự kiến mỗi năm sẽ phát hành một tập.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.