Cần tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo công bằng, minh bạch

21/10/2024 - 17:13

PNO - Chiều 21/10, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình Dự án Luật điện lực (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, dự án luật không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ - ảảnh:QH
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, dự án luật không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ - Ảnh:QH

Không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Sau gần 20 năm triển khai thi hành đến nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi.

“Dự thảo luật này không có nội dung trái Hiến pháp, các nội dung đề xuất công khai, minh bạch, không có chính sách trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” - ông nhấn mạnh.

Dự án luật sửa đổi, bổ sung chủ yếu về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 trong thời kỳ mới; thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng, chính sách của nhà nước liên quan đến giá điện, áp dụng cơ chế giá điện phù hợp với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao...

Dự án luật cũng quy định nguyên tắc chung trong phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện để phù hợp với tình hình mới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, dự án luật có 1 chương riêng liên quan tới phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện tự sản tự tiêu, điện gió ngoài khơi.

Về hoạt động mua bán điện, dự án luật sửa đổi, bổ sung chủ yếu về hợp đồng kỳ hạn điện; mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh...

Phải bổ sung quy định xử lý pin mặt trời hết hạn dùng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng cần nghiên cứu quy định cụ thể liên quan tới phát triển điện hạt nhân
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Ảnh: QH

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và phân bổ các nguồn lực cho năng lượng tái tạo. Những chính sách này sẽ góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Đặc biệt, cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng. Việc khảo sát và phát triển năng lượng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các luật liên quan” - ông Lê Quang Huy lưu ý.

Về quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để đảm bảo tính thống nhất pháp luật, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền.

Ông Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu bổ sung thông tin trong hợp đồng mua bán điện phục vụ sinh hoạt và làm rõ nội dung các hoạt động mua bán điện; bổ sung quy định về nguyên tắc xác định giá và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng dịch vụ điện; bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh.

Về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đa số ý kiến thấy rằng nếu thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp vào Kỳ họp thứ 8 (đề nghị của Chính phủ) là mục tiêu rất thách thức. Lý do là không đủ thời gian cần thiết để hoàn thiện, đảm bảo yêu cầu chất lượng, đáp ứng mục tiêu xây dựng luật. Phạm vi sửa đổi tổng thể, toàn diện bao gồm 6 nhóm chính sách, thể hiện trong 130 điều, nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, phạm vi tác động rộng khắp...

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị thông qua luật tại 2 kỳ họp. Dự luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI