Cần thôi trò đội nhan sắc lên đầu!

19/10/2020 - 15:15

PNO - Chuyện nữ ca sĩ Thủy Tiên bị bỡn cợt trang phục trong chuyến đi từ thiện về miền Trung khiến nhiều người cảm thấy bất nhẫn, phải lên tiếng bênh vực cô.

Đó là hành động đúng, bởi trong lúc cả nước đang hướng về miền Trung, với cảnh tang thương khó bề bù đắp, khi những con người đang lao vào mưa gió để cứu giúp đồng bào thì vẫn còn khối kẻ ngồi không nhận xét áo quần, tóc tai người khác. Tiên đi cứu trợ chứ không phải lên sân khấu hay diễn thời trang. Cô mặc bộ trang phục thuận tiện cho việc di chuyển và cô sẵn sàng xăn quần lội nước. Chừng ấy, Tiên đã quá đẹp rồi. 

Kỳ thực, Thủy Tiên và cả giới showbiz không phải là nạn nhân duy nhất của trò “body shaming” (chế nhạo ngoại hình) đang lan tràn như dịch bệnh trong cộng đồng. Có chăng, vì họ là sao nên thường được chú ý hơn. Trên thực tế, cả chính khách, nhà khoa học, học sinh sinh viên hay một người bình thường nào đó cũng đều có thể là nạn nhân.

Khi ca sĩ Thủy Tiên lao vào giữa vùng mưa gió,bão lũ để cứu trợ thì có những người ngồi nhà bàn tán, phê phán trang phục của cô
Khi ca sĩ Thủy Tiên lao vào mưa gió để giúp đỡ người dân ở vùng bão lũ thì có những người ngồi nhà phán xét trang phục của cô

Từ bao giờ chẳng rõ, chữ “mập” trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với phụ nữ. Chỉ cần bị chê mập, một phụ nữ có thể bỏ cả ăn uống, rơi vào trầm cảm và/hoặc có thể phản ứng tiêu cực với đời, với mình. Bị chê chiếc áo không hợp, phụ nữ có thể vứt ngay nó vào sọt rác dù trước đó đã mất công chọn lựa. Điều tệ hại là: dù sợ bị chê bai về ngoại hình, vẫn rất nhiều phụ nữ lại hồn nhiên chê bai người khác. Thứ tiêu chuẩn kép ấy, buồn thay, hiện chưa thấy có thuốc đặc trị.

Có người bảo người Việt độc ác khi mang trong mình cái “thú đau thương” - muốn nhìn thấy người khác khổ sở để được tỏ ra tội nghiệp nạn nhân. Tệ hơn là để thấy nạn nhân cũng đau khổ như mình. Không phải ngẫu nhiên mà khoa học xác định: những nạn nhân của bạo hành có khuynh hướng trở thành kẻ bạo hành.

Những người từng bị chê bai hoặc tự ti về ngoại hình lại thường là những người hay chê bai ngoại hình người khác. Bằng chứng? Dù rất sẵn lòng chê một ai đó, khi chụp một tấm ảnh đăng Facebook, thủ phạm vẫn luôn phải cố gắng tìm “góc nghiêng thần thánh”, vẫn phải cố hóp bụng, chúm môi và đương nhiên không thể thiếu tiết mục xử lý “qua 100 cái app làm đẹp”.

Vào cái thời người người đội nhan sắc lên đầu, người ta chỉ cần đẹp thôi là có thể được tha thứ, thu hút được sự chú ý, giành được ưu thế so với người khác. Chẳng thế mà các dịch vụ làm đẹp nhan nhản mọc lên và kéo theo vô số hệ lụy. Các giá trị tri thức, nhân bản bị đạp đổ không thương tiếc để cuối cùng quanh ta chỉ còn những chú công suốt ngày xòe cánh, những bình hoa di động không hương.

Xin hãy tha thứ cho bản thân - cho sự xấu xí của mình, đồng thời hãy tha thứ cho người khác - để họ được đẹp theo cách họ muốn. Bởi kể cả khi người khác xấu đi như cách bạn mô tả, thì bạn cũng chẳng có chút nào đẹp hơn, nếu không muốn nói là chính bạn đang bôi bẩn tâm hồn mình, ngôn ngữ và hành vi của mình. 

Phạm Thành Nhân

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI