Từ năm 2021, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm sản xuất tại tỉnh đưa về TPHCM và triển khai Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Đến nay, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã ký kết với Sở NN-PTNT 15 tỉnh, thành với số lượng lớn sản phẩm đưa về thành phố.
Riêng Cần Thơ, có 7 cơ sở thủy sản tham gia đề án, 8 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn TPHCM đạt chứng nhận an toàn tiêu thụ sản phẩm, 49 cửa hàng kinh doanh thịt heo tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm của TPHCM.
|
Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM họp với Sở NN-PTNT TP Cần Thơ về công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025 chiều 6/10 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, qua công tác ký kết phối hợp, đến nay đơn vị đã xây dựng được 104 chuỗi thực phẩm an toàn (19 chuỗi thủy sản, 85 chuỗi nông sản) và xác nhận 272 sản phẩm an toàn. Đối với khâu sản xuất, Cần Thơ đã có 11 cơ sở đạt VietGAP, 2 cơ sở đạt GlobalGAP và trong khâu sơ chế, chế biến có 4 cơ sở đạt HACCP, 5 cơ sở đạt ISO 9001:2008, 1 cơ sở đạt BRC…
UBND và Sở NN-PTNT TP Cần Thơ xác định TPHCM là thị trường tiêu thụ chính nông sản của Cần Thơ. Do đó, địa phương luôn luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để giúp các cơ sở sản xuất nuôi trồng kết nối với các nhà kinh doanh, tiểu thương của TPHCM. Đồng thời, chính quyền cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng của thành phố.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành khác đang thực hiện cơ cấu lại theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bền vững nên đảm bảo được chất lượng, yêu cầu của thị trường TPHCM và hướng tới tăng cường xuất khẩu.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn ảnh hưởng đến công tác phối hợp quản lý an toàn thực phẩm. Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, dù với thế mạnh sản phẩm thủy sản, nhưng việc các cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP tại đây còn hạn chế. Các sản phẩm nông sản từ các nông hộ chủ yếu bán qua thương lái đưa lên TPHCM tiêu thụ ở các chợ đầu mối, quá trình thu gom sản phẩm hỗn hợp dẫn đến khó khăn khi truy xuất sản phẩm.
Trong thời gian tới, sở sẽ triển khai Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản bền vững giao thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022-2025… Sở đề nghị Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu biểu đã áp dụng truy xuất nguồn gốc và sản phẩm OCOP của Cần Thơ.
Để đánh giá tình hình, kết quả đạt được và đề xuất các giải pháp trong công tác phối hợp sản xuất và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, sau buổi làm việc trên, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM và Sở NN-PTNT TP Cần Thơ sẽ khảo sát, đánh giá cơ sở đạt các chứng nhận an toàn trên địa bàn thủ phủ của miền Tây Nam bộ.
Quốc Ngọc