Can thiệp sớm dị tật, trả lại giới tính cho các bé trai

23/06/2023 - 06:40

PNO - Các bé trai bị dị tật sinh dục nếu không được can thiệp sớm ngoài mặc cảm, tự ti, trẻ còn chịu nhiều tác động tiêu cực về tâm lý, ảnh hưởng đến việc lập gia đình, sinh con sau này.

Bé gái hoang mang khi biết mình là con trai

Do liên tục bị đau rát, bí tiểu, bé N.T.K.L. (10 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) được mẹ đưa đến phòng mạch tư thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm đường tiểu, cho thuốc về uống. Uống thuốc hơn một tuần không khỏi, người thân tiếp tục đưa bé đến bệnh viện địa phương. Các bác sĩ cho rằng bé L. không phải con gái mà là một bé trai bị dị tật lỗ tiểu thấp. Bệnh viện hướng dẫn cha mẹ đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM để điều trị, trả lại giới tính thật cho bé.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhi sau khi phẫu thuật tạo hình dương vật - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhi sau khi phẫu thuật tạo hình dương vật - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Chị Trần Thị Thanh Thùy (34 tuổi, mẹ của bé L.) cho biết: “Nghe bác sĩ nói, tôi và chồng đều bất ngờ. Từ trước đến nay, tự tay tôi chăm sóc con, thì thấy “con gái” mình vẫn như các bé khác. Mặc dù cả nhà tránh nói với con về vấn đề phẫu thuật, nhưng hình như bé hiểu được. Con tôi rất buồn, gần như không đi ra ngoài. Có lẽ tôi sẽ nhờ bác sĩ tâm lý can thiệp cho bé”. 

Cũng mắc dị tật lỗ tiểu thấp, nhưng may mắn hơn bé L., bé N.S.Q. (8 tháng tuổi, ở TPHCM) được phát hiện sớm và đã được bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật điều trị. Hiện tại, bé Q. đang phục hồi tốt, đi tiểu gần như bình thường, được gia đình đưa đi tái khám, theo dõi thêm một thời gian nữa.

Một trường hợp bệnh nhi bị dị tật sinh dục khiến tiến sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân - rất đau lòng. Đó là bệnh nhi 12 tuổi, bị lỗ tiểu đóng thấp ở góc bìu dương vật, dương vật cong gập vào trong, bị vùng bìu che lại nên khó phát hiện. Từ khi bé được sinh ra, gia đình luôn nghĩ bệnh nhi là con gái, đặt tên N.T.A. Do nhầm lẫn nên từ bé, A. đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ như một bé gái. Đến giai đoạn dậy thì, bé không có kinh nguyệt. Gia đình đưa bé đến bệnh viện phụ sản khám mới phát hiện A. là bé trai. 

“Khi bé được chuyển qua Bệnh viện Bình Dân điều trị, chúng tôi phải xin xác định lại giới tính bé, xin phép hội đồng y khoa phẫu thuật tạo hình, trả lại giới tính nam cho bé. Lúc này, bé rất bỡ ngỡ, hoang mang, khó tiếp nhận bản thân, nhất là khi bé quay trở lại trường học”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng chia sẻ. 

Phẫu thuật sớm, trả lại giới tính đúng cho trẻ

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết lỗ tiểu đóng thấp là dị thật bẩm sinh ở lỗ tiểu bé trai. Ngoài ra, bị tinh hoàn ẩn, khiếm khuyết hay dương vật nhỏ, không phát triển, thoát vị bẹn… cũng là dị tật sinh dục mà bé trai có thể gặp phải. 

Trong đó, dị tật lỗ tiểu đóng thấp chiếm tỉ lệ 1/200 đến 1/300 trẻ nam; xảy ra khi niệu đạo của người bệnh quá ngắn, khiến lỗ tiểu nằm xa đỉnh quy đầu. Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân trẻ bị dị tật này có thể do mẹ mang thai khi lớn tuổi (trên 40 tuổi), một số hóa chất tác động đến hệ thống nội tiết của mẹ. Hay khi mang thai, mẹ vô tình sử dụng thuốc có tác dụng giống estrogen, thuốc có tác dụng kháng androgen, thuốc hỗ trợ sinh sản trong điều trị vô sinh, thai phụ bị rối loạn quá trình sinh tổng hợp testosterone...

Khi trẻ bị lỗ tiểu đóng thấp, niệu đạo có thể mở ra ở mặt dưới quy đầu, thân dương vật, bìu hoặc tầng sinh môn chủ. Bệnh càng nghiêm trọng nếu khoảng cách giữa lỗ tiểu và đỉnh quy đầu lớn, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn. Nếu không được phát hiện, can thiệp sớm, dị tật này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý, sự phát triển của trẻ. Ở những trường hợp gia đình nhầm lẫn giới tính, trẻ được nuôi dưỡng như một bé gái. Càng lớn, trẻ càng hoang mang, khó chấp nhận giới tính mới của mình sau điều trị. 

Với các bé ý thức được bản thân là con trai nhưng gặp những bất thường trong cấu tạo lỗ tiểu, tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà bị lệch xuống dưới hoặc ra sau. Nếu lỗ tiểu quá gần gốc dương vật, trẻ không đứng tiểu tiện được mà phải ngồi tiểu như con gái sẽ rất ngại với bạn bè. Lúc này, trẻ lo sợ, tự ti thấy mình khác biệt. Từ đó, dễ bị bạn bè trêu trọc, ngại giao tiếp, ngại đi tiểu... Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng học tập và sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ.

“Phát hiện trễ, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bệnh nhi, mà còn cả gia đình. Chưa kể đến tuổi trưởng thành, lập gia đình, đường cong dương vật gây khó khăn trong quan hệ tình dục, cũng có thể là nguyên nhân thứ phát của vô sinh nam vì gây trở ngại cho sự phóng tinh. Vì vậy, cần được phát hiện, chẩn đoán và điều trị trả lại giới tính cho bé càng sớm càng tốt”, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng chia sẻ.

Đối với những trẻ bị các dị tật sinh dục, giai đoạn tốt nhất để can thiệp phẫu thuật khi trẻ ở độ tuổi từ 6-18 tháng. Mổ sớm tránh được nhiều rủi ro, biến chứng, cũng như lúc này trẻ chưa có ý thức nhiều về giới tính nên mọi tâm lý mặc cảm đều chưa diễn ra. 

Tỉ lệ điều trị thành công đến 90%

Để điều trị lỗ tiểu thấp, phương pháp phẫu thuật chỉnh sửa, tạo hình cơ quan sinh dục rất tối ưu. Sau phẫu thuật, trẻ có thể được điều trị thành công đến 90%, trả lại các chức năng sinh lý cho trẻ. Khi lớn lên, trẻ vẫn có thể thực hiện tốt chức năng làm chồng, làm cha.

Đa số bé trai chỉ cần phẫu thuật một lần để “sửa lỗi”. Tuy nhiên, nếu dương vật của bé bị cong, rò niệu đạo, hẹp niệu đạo, hay các nguyên nhân khác, trong lúc mổ tạo hình, bác sĩ sẽ quyết định mổ thêm lần 2 để xử lý. Quan trọng, người lớn phải cho trẻ tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi quá trình hồi phục, tránh biến chứng, ảnh hưởng đến “bản lĩnh đàn ông” sau này.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI