Năm nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất
COVID-19 có thể chữa khỏi, nhưng các di chứng về sức khỏe tâm thần âm ỉ rất lâu. Một số nghiên cứu ở trẻ mồ côi do COVID-19 cho thấy, sự sang chấn kéo dài gấp ba lần so với trẻ bình thường. Các rối loạn này không chỉ xuất hiện tức thời, nhất là stress COVID-19 có thể kéo dài xa hơn, trong nhiều bối cảnh hơn. Bên cạnh đó, có những yếu tố ảnh hưởng đa hệ thống tác động đến nhiều hệ sinh thái của con người như giãn cách xã hội, cách ly y tế. Thậm chí, nhiều người bị cách ly y tế dài ngày rơi vào triệu chứng rối loạn ám ảnh xã hội, hoặc ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu…
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết: “Gần đây, chúng tôi tiếp nhận nhiều người có các triệu chứng sau một thời gian đối diện với giãn cách xã hội, cách ly y tế. Bên cạnh đó, một đối tượng khá đặc biệt mà chúng ta đang nói đến đó là nhân viên y tế. Ai cũng nói các bác sĩ là người hùng trong đại dịch, nhưng chính họ cũng đang đối diện với khủng hoảng liên quan đến stress”.
|
Nhân viên y tế chuẩn bị trao trả di vật của bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hằng ngày, họ chứng kiến quá nhiều mất mát, đau thương |
Tiến sĩ Lê Minh Công lưu ý, vấn đề về an sinh xã hội đã tác động rất lớn đến tinh thần của người dân. Điển hình mỗi ngày có khoảng 200 cuộc gọi qua đường dây 1022, đa phần mọi người gặp khủng hoảng khi không liên hệ được với y tế địa phương, lo lắng vì liên tục tiếp nhận các thông tin tiêu cực liên quan đến COVID-19, gặp khó khăn về tài chính, mất người thân, lo sợ bản thân mắc bệnh… “Có giai đoạn, chúng tôi tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi/ngày. Điều này cho thấy tôi, bác sĩ, bất cứ ai cũng có thể rơi vào tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần”, ông nhấn mạnh.
Qua các nghiên cứu sức khỏe tâm thần liên quan đến đại dịch, tiến sĩ Công và cộng sự nhận thấy có năm nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất. Trước hết là nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu. Đây là nhóm nguy cơ cao nhất do tình trạng kiệt sức, cũng là những người đối diện với dịch bệnh, đã có trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế bị ám ảnh, né tránh, sợ hãi… sau một thời gian dài phải làm trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhóm trẻ em là nhóm có nguy cơ đặc biệt. Ngoài gần 2.000 trẻ mồ côi tại TPHCM, chúng ta nên lưu ý đến nhóm trẻ bị bạo lực, bị xâm hại trong đợt COVID-19 vừa rồi. Nhất là trường hợp cha mẹ gặp khủng hoảng trước dịch bệnh, rồi sự khủng hoảng này lại chuyển di gây bạo lực cho con cái, trẻ rơi vào sợ hãi khi tham gia các trò chơi trực tuyến…
Nhóm công nhân là lao động di cư từ nông thôn về TP.HCM cũng đối mặt với khủng hoảng tinh thần rất lớn. Hiện nay, thành phố có chính sách hỗ trợ, kêu gọi công nhân quay trở lại làm việc, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở đời sống, còn về tinh thần của họ bị tác động rất lớn. Nhóm người có vấn đề về tâm thần, bệnh nền trước đó, khi đối diện với giãn cách xã hội đã rất khó khăn và hầu như không thể tiếp cận các dịch vụ y tế, họ không còn thuốc duy trì, không gặp được bác sĩ. Đồng thời, người mắc bệnh nền khi không có thuốc sẽ rất sợ hãi, bởi nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Và nhóm người khuyết tật cũng cần được chú ý sức khỏe tâm thần.
Cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn
Tuy TPHCM đang từng bước “mở cửa” một cách linh hoạt và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, nhưng nhiều người vẫn còn lo lắng, căng thẳng, dẫn đến nhiều rối loạn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các chuyên gia cho rằng cần tạo hệ sinh thái về sức khỏe, tinh thần xã hội một cách khoa học nhất để thích ứng linh hoạt trước dịch bệnh. Đầu tiên, mỗi người đều cần được lắng nghe, chia sẻ mới biết chúng ta đang gặp vấn đề gì.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, hiện tại dịch COVID-19 tạm thời được kiểm soát cũng là lúc chúng ta cần nhìn lại những điều chưa làm được, không để điều đó trở thành lối mòn, cần phải xem mình đã làm hết sức chưa. Bởi lẽ, trong đợt dịch vừa qua, chúng ta có quá nhiều chỉ số, trong khi chỉ số quan trọng nhất là người bệnh được chăm sóc tinh thần, điều trị trong một môi trường thoải mái.
“Chắc chắn rằng các F0 phải được điều trị sớm nhất chứ không phải được đi bệnh viện lớn nhất, bởi mục tiêu cuối cùng là người bệnh được sống và chất lượng sống ổn định. Có những lúc, chúng ta quá tập trung điều trị mà bỏ qua điều quan trọng là người bệnh cần gì, thiếu gì mình không biết. Do đó, tôi lập ra các trang để hỗ trợ F0, cũng may là qua đó, chúng ta tiếp nhận được sự chia sẻ của người bệnh. Bởi, trong “cuộc chiến” này, tâm lý mọi người diễn ra như nhau cô đơn, bất lực, bơ vơ”, bác sĩ Khanh phân tích.
Theo bác sĩ Khanh, sau đợt dịch này, nên có những thay đổi phù hợp trong phòng, chống dịch và điều trị F0, chứ đừng chỉ dựa vào số liệu rồi khuyên người dân thực hiện 5K và vắc xin là quan trọng nhất. Hãy nhìn lại “cuộc chiến” này để thấy những điều chưa làm được và đừng để nó tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Theo tiến sĩ Lê Minh Công, trong suốt đợt dịch vừa rồi, chúng ta nói nhiều về vấn đề y tế, sức khỏe con người, dịch bệnh và kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các dữ liệu báo cáo từ năm 2020 đến nay cho thấy, sức khỏe tâm thần rất đáng báo động. Ước tính khoảng 10 - 60% dân số thế giới có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp ba lần so với trước dịch.
“Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về cơ thể, tinh thần và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta chưa chú ý nhiều đến đời sống tinh thần và xã hội của bệnh nhân, của mọi người. Ba khía cạnh liên quan đến sức khỏe tâm thần này phải đi liền với nhau. Nếu không quan tâm đến tinh thần và xã hội, thì vấn đề bệnh tật cũng ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người trong các bối cảnh cũng rất quan trọng. Chúng ta cần tập trung các nhóm nguy cơ, từ đó xây dựng chiến lược phòng ngừa, can thiệp mục tiêu, can thiệp chuyên sâu, nhất là trong bối cảnh đại dịch”, tiến sĩ Công bày tỏ.
Cảnh giác trước nguy cơ về đợt dịch thứ năm Phó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng chúng ta đề ra mục tiêu sống chung với dịch, nhưng sống chung như thế nào để an toàn, đảm bảo cho đời sống của người dân là vấn đề cần có sự đồng lòng, chung tay của mọi người từ nhân dân, y, bác sĩ và cả hệ thống chính quyền. | Bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 12 chúc mừng bệnh nhi và người thân khỏi bệnh - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
“Trên hết, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng chúng ta không thể lơ là. Nhiệm vụ số một trong giai đoạn hiện nay là thực hiện nghiêm khắc biện pháp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch. Việc thích ứng linh hoạt, an toàn trước dịch COVID-19 được xây dựng từ các chiến lược, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, nhưng tại các “mặt trận” phải hết sức cảnh giác. Bởi, nếu chúng ta buông lỏng thì luôn hiện hữu một nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ năm sẽ bùng phát”, ông Khuê lưu ý. Ông cũng nhắc nhở, những nhà quản lý khi xây dựng chiến lược các cấp độ dịch tiếp theo ở các tỉnh, thành phải có kế hoạch để thích ứng linh hoạt. Khi xây dựng chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành các tỉnh cũng đã chia sẻ rất nhiều, đó là chúng ta phải ý thức từ mỗi người trong xã hội, phải chấp hành nghiêm về phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phải sẵn sàng tâm thế để “chiến đấu” với đại dịch. |
Phạm An