Tôi có thói quen chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quán ăn, khu du lịch, giải trí... dựa trên đánh giá của các khách hàng trước đó. Trong đó, "nhà vệ sinh" là một trong những tiêu chí đầu tiên quyết định sự lựa chọn của tôi.
Lần đầu đi làm cho một công ty của nước ngoài cách đây khá lâu, điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là nhà vệ sinh dành cho khách đến công ty nằm ngay sau lưng quầy tiếp tân đẹp đẽ. Trong khi ở Việt Nam, khi xây dựng người ta thường đặt nhà vệ sinh ở cuối nhà hoặc nơi khuất tầm nhìn vì lý do tế nhị, kín đáo.
Nhà vệ sinh công cộng, vấn đề nhỏ mà không nhỏ (Ảnh minh họa)
Có dịp ra nước ngoài tôi được thấy thêm nhiều bệnh viện, cơ quan hành chính của họ bố trí nhà vệ sinh gần ngay cửa ra vào, ở nơi dễ nhận thấy nhất và dĩ nhiên, những nhà vệ sinh ở đây đều sạch sẽ và không có mùi nên không ảnh hưởng đến những người đang ngồi chờ hoặc ra vô gần đó. Các sân bay quốc tế lớn cũng thường đặt nhà vệ sinh ở vị trí gần cổng ra từ máy bay giúp hành khách nhanh chóng giải quyết nỗi khó chịu sau một chuyến bay dài (dù trên máy bay cũng có nhà vệ sinh).
Có lẽ do loại hình kinh doanh đặc thù (để tế nhị và tránh ảnh hưởng mùi, vị thức ăn) nên nhà vệ sinh trong các nhà hàng ở nước ngoài nơi tôi ghé qua được bố trí không quá gần khu vực khách ngồi ăn nhưng vẫn ở nơi thuận tiện và dễ nhận thấy. Trong khi tại nhiều trung tâm thương mại lớn ở thành phố mình, có nơi muốn đi nhà vệ sinh phải lên tầng trên hoặc xuống tầng dưới rất bất tiện. Nếu có nhà vệ sinh gần đó thì cũng thường xuyên bị quá tải, phải xếp hàng chờ hoặc thùng rác trong nhà vệ sinh quá bé, rác thải tràn lan ra ngoài gây bốc mùi.
Trên những siêu xa lộ ở nước ngoài, không khó để bắt gặp những trạm dừng chân ở dọc đường, có khi đó là trạm xăng, có khi là nhà hàng, siêu thị mini bán tạp hóa, bánh kẹo mà khách có thể ghé đi vệ sinh mà không cần mua hàng. Ở ta cũng có những trạm dừng tương tự nhưng mật độ khá thấp và đa số tập trung ở các khu dân cư. Khách đi trên đường cao tốc hoặc những khu vực hẻo lánh thường "nén nỗi đau này" chịu trận khi mắc phải vấn đề khó nói.
Có lần, tôi đưa con theo trong đêm lễ hội đếm ngược đêm giao thừa ở đường Nguyễn Huệ, gần đến giao thừa, xung quanh là biển người dày đặc, thằng bé con bất ngờ đòi đi vệ sinh. Len qua được biển người dày đặc để đến được nhà vệ sinh công cộng dưới đường hầm là cả kỳ công. Thế nhưng thằng bé phải đợi khá lâu mới đến lượt được vào. Tầm ấy mà lội ra được bãi giữ xe để về nhà là cả vấn đề chứ chẳng đùa!
Gần đây, nhiều nơi kinh doanh, các điểm du lịch, giải trí nơi công cộng đã chú trọng nhiều hơn đến vấn đề nhà vệ sinh. Tuy nhiên, cung vẫn không đủ cầu khi số lượng và chất lượng nhà vệ sinh nơi công cộng vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều cư dân tại thành phố, nhất là vào dịp lễ, tết, ở những nơi tập trung đông người như các địa điểm bắn pháo hoa, những nơi tổ chức count-down (đếm ngược) trong đêm giao thừa, các lễ hội âm nhạc đường phố, hội hoa xuân...
Giải pháp căn cơ về lâu dài vẫn là bố trí xây dựng nhà vệ sinh với số lượng và vị trí hợp lý. Tuy nhiên, khi các dịp lễ, tết đã gần kề, cũng cần nghiên cứu các giải pháp tình thế trong ngắn hạn như sử dụng nhà vệ sinh di động bằng chất liệu dễ tháo lắp. Có thể áp dụng hình thức thu phí và bố trí nhân viên quét dọn sạch sẽ, tránh biến nhà vệ sinh thành nơi mất vệ sinh khiến người ta ngại sử dụng.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.