Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông: Bao giờ thực chất? - Bài 3:

Cần thay đổi từ tư duy dạy học, thi cử

23/04/2022 - 07:34

PNO - Để dạy và học tiếng Anh thực chất hơn, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm ngay, trong đó phải thay đổi từ cái gốc của vấn đề đó là quan niệm về dạy và học tiếng Anh. Điều này phải bắt đầu từ việc thay đổi cách kiểm tra đánh giá để tiến tới việc học ngoại ngữ là có thể ứng dụng được, phát triển được năng lực người học.

Ngoại ngữ đang được xem là “chìa khóa vàng” để giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Do đó, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy xuyên suốt ở bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng dạy và học môn học này vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Bài 1: Lớp đông, đọc viết... đến khi nào?

Bài 2: Học rất nhiều nhưng "dung nạp" chẳng bao nhiêu

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Tạo môi trường nghe nói tiếng Anh hằng ngày

Muốn cải thiện việc dạy học tiếng Anh thì chúng ta cần biết “bệnh” ở đâu để điều chỉnh. Điểm yếu là học ngữ pháp, không có điều kiện nghe nói, một số thầy cô phát âm sai, năng lực chưa đủ cho nên học hết thì quên, thi xong cũng không dùng được… Có một thực tế là những người giỏi tiếng Anh lại chẳng đi dạy do lương không cao nên nếu chỉ cải cách sách giáo khoa thì không đủ. Cải cách phải theo năng lực của người thầy. Đồng thời thay đổi thi cử, phải đủ bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. 

Muốn học tốt tiếng Anh trong trường phổ thông, cần có giải pháp nhanh là đưa người bản xứ, không nói tiếng Việt vào giảng dạy. Đó có thể là người Philippines, Đông Âu… Lớp học cũng phải thay đổi, yêu cầu học sinh khi lên lớp chỉ được sử dụng tiếng Anh, sẽ tăng ngay hiệu quả. 

Ngoài ra, cần trả lương xứng đáng mới có được thầy giỏi. Thực tế, các chương trình tiếng Anh tăng cường hoặc trường quốc tế có học phí cao hơn, trả lương cao hơn cho giáo viên, mời người nước ngoài về dạy; chương trình tiếng Anh tích hợp cũng tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh, đưa tiếng Anh vào các môn học cũng tốt hơn… để thấy rằng cái chính là tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh hằng ngày, có người nước ngoài dạy. Đó là cách cần thay đổi cho việc học tiếng Anh của học sinh phổ thông ngày càng tốt hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh: Bảy bước nên làm ngay 

Những vấn đề tồn tại sẽ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu chúng ta không giải quyết tận gốc những vấn đề sau:

1. Xác định mục tiêu của việc học tiếng Anh là để giao tiếp và hình thành năng lực giao tiếp, không phải để thi. Từ đó, quy định việc thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá: bên cạnh bài viết, cần dành thời lượng cho hình thức kiểm tra kỹ năng nghe, nói. 

2. Thay đổi quan điểm cũng như cách tiếp cận khi giảng dạy tiếng Anh. Chọn hướng giao tiếp, thay vì văn phạm hoặc dịch Việt - Anh như hiện nay. 

3. Bồi dưỡng và giúp thầy cô vượt qua các yếu điểm sau: yếu và thiếu kỹ năng giao tiếp, không đánh giá đúng kiến thức ngôn ngữ của người học, thiếu hiểu biết về môi trường của người học.

4. Tạo môi trường tiếng Anh bên ngoài cửa lớp: đọc truyện, xem phim, viết nhật ký; tham gia câu lạc bộ, dã ngoại, các hội thi sử dụng tiếng Anh...

5. Thay đổi kiểu dạy học tương tác một thầy - một trò: thầy hỏi - một trò trả lời - các trò khác ngồi yên làm việc riêng. Toàn bộ quá trình dạy và học chỉ tập trung vào trí nhớ và lặp lại từng từ làm triệt tiêu sự hứng thú học tiếng Anh ở học sinh. Thay vào đó, hãy thiết kế group work, pair work, các hoạt động tĩnh xen kẽ nhằm tăng sự tương tác cho người dạy lẫn người học.

6. Tránh quá tải cho người học bằng cách chuyển khái niệm học toán và khoa học bằng tiếng Anh sang học tiếng Anh qua toán và khoa học. 

7. Thực hiện đúng tinh thần của chương trình mới: một chương trình - nhiều bộ sách, xem sách giáo khoa là phương tiện nhằm củng cố kiến thức kỹ năng. Bởi hiện tại, sau khi đã có chương trình mới, trường học vẫn duy trì dạy tiếng Anh theo hình thức lật từng trang.

Cô Trần Thị Kim Duyên, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: Cần nỗ lực từ hai phía

Cô Trần Kim Duyên (thứ hai từ trái sang), Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cùng những học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh của Trường Trần Đại Nghĩa năm học  2021-2022
Cô Trần Kim Duyên (thứ hai từ trái sang), Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cùng những học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh của Trường Trần Đại Nghĩa năm học 2021-2022

Giải pháp phải đến từ hai phía, cả giáo viên và học sinh. Giáo viên phải có chuyên môn vững và yêu nghề. Học sinh cần có nền tảng tốt và đam mê học ngoại ngữ. Sự truyền tải của giáo viên phải tạo đam mê cho các em học tiếng Anh. Ngoài truyền đạt kiến thức, giáo viên có nhiệm vụ khuyến khích, động viên học sinh, tạo cơ hội để các em trải nghiệm theo nhiều hướng khác nhau.

Trường học đừng yêu cầu các em học theo kiểu học thuật, thuần sách vở mà hãy để các em được trải nghiệm, học bằng nhiều cách: học tiếng Anh bằng dự án, đóng kịch, làm diễn đàn, hoặc học liên môn kết hợp cùng các môn khác để trải nghiệm việc tìm hiểu và ứng dụng kiến thức thực tế bằng tiếng Anh… 

Trước đây, khi chưa có dịch, thầy cô thường đưa học sinh đi ra các địa danh lịch sử, du lịch nổi tiếng để giao lưu với người nước ngoài; kết hợp với các tổ chức bên ngoài làm diễn đàn… Như trường Trần Đại Nghĩa ứng dụng việc mở rộng giao lưu quốc tế để mỗi học sinh ít nhất có một người bạn ngoại quốc; liên kết và tham gia nhiều cuộc thi quốc tế cũng là một trong những cách giúp học sinh phát triển kỹ năng... 

Sắp tới sẽ áp dụng chương trình mới từ lớp 10, khi đó môn tiếng Anh có nhiều lựa chọn, có nhiều giải pháp chứ không như sách giáo khoa ngày trước nữa. Trong chín đầu sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đều có những mặt mạnh, các trường có thể linh động chọn sách phù hợp với học sinh của mình. 

Nhóm phóng viên

(Bài cuối: Kỳ vọng vào chương trình mới)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI