Cần thay đổi nhận thức người dân trước

31/07/2024 - 06:51

PNO - Thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng (Khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, để việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy diễn ra tốt đẹp, hiệu quả, cần thay đổi nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy bằng cách nào thưa ông?

Thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng: Trong quá trình hoạt động, động cơ đốt trong của phương tiện cơ giới nói chung, mô tô, xe máy nói riêng sẽ phát thải ra các chất như CO, HC, CO2, H2O, NOx, SOx. Trong đó, HC và CO là 2 chất rất có hại cho sức khỏe, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người và làm ô nhiễm môi trường.

Nhiều xe mù dừng né chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông - Ảnh: H.Lâm
Nhiều "xe mù" dừng né chốt kiểm tra của cảnh sát giao thông ở quận 6 - Ảnh: H.Lâm

Kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy được hiểu là đo nồng độ phát thải HC, CO của phương tiện, đảm bảo nồng độ 2 chất này phải đạt chuẩn theo quy định của pháp luật. Ví dụ, đối với mô tô, xe máy sử dụng động cơ cháy cưỡng bức, thành phần CO tối đa cho phép theo tiêu chuẩn Euro 2 trở xuống là 4,5% thể tích, thành phần HC tối đa cho phép là 1.200 phần triệu thể tích.

Việc đo nồng độ phát thải đối với mô tô, xe máy được thực hiện qua ống pô của xe và việc này phức tạp hơn so với ô tô bởi nếu cắm trực tiếp thiết bị vào ống pô của mô tô, xe máy thì khí từ bên ngoài sẽ lọt vào, dẫn đến sai số. Do đó, để đảm bảo chính xác, quá trình đo phải thông qua một cái bình để chống lọt khí từ bên ngoài vào. Sau mỗi lần đo, phải làm sạch bình đó mới đo tiếp cho xe sau.

* Ông nghĩ gì về quy định phải kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy

- Kiểm định là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường sống bởi nó giúp kiểm soát lượng phát thải HC và CO. Từ lâu, nhiều nước trên thế giới đã kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này. Việc kiểm định này còn là một trong những yếu tố giúp Việt Nam làm đúng các hiệp định, cam kết về môi trường đã ký, như mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

* Theo ông, việc kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy có gây xáo trộn cuộc sống của người dân?

- Có rất nhiều loại tiêu chuẩn đối với mô tô, xe máy nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho loại phương tiện này. Do đó, nếu áp dụng quy định ngay, chắc chắn sẽ phát sinh nhiều xáo trộn. Đối với nhiều người, chiếc xe máy không phải là tài sản lớn nhưng với một số khác, nó là toàn bộ tài sản, là phương tiện mưu sinh duy nhất của họ và gia đình họ.

Nhiều người chạy xe máy hư hỏng nặng, không có giấy tờ, không có bảo hiểm, xe cũ nát, không còi, không gương, không đèn. Nhiều năm qua, họ chạy xe đó và không lo lắng, nghĩ suy nhiều về chiếc xe, nay bảo họ mang xe đi kiểm định, họ sẽ e ngại, không dám đi.

* Vậy theo ông, làm sao để việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy ít ảnh hưởng đến người dân nhất?

- Theo tôi, trước tiên, cần thay đổi nhận thức của người dân. Phải để người dân hiểu được rằng, việc bảo trì, bảo dưỡng mô tô, xe máy là nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ khi tham gia giao thông và muốn bảo dưỡng, bảo trì thì phải đến đúng nơi. Để làm được như vậy, các hãng, người bán xe phải có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn người mua xe cách dùng xe đúng, bảo trì, bảo dưỡng đúng định kỳ. Nếu người dân bảo trì, bảo dưỡng theo đúng hướng dẫn, quy trình nhưng khi kiểm định khí thải lại không đạt thì nơi bảo trì, bảo dưỡng đó phải chịu trách nhiệm. Chỉ cần bảo trì, bảo dưỡng đúng, việc kiểm tra khí thải sẽ rất dễ dàng.

Ngoài ra, việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy cần phải có lộ trình cụ thể, có một khoảng thời gian để người dân chuẩn bị và thực hiện từ từ. Các nhà hoạch định chính sách cần quy định tiêu chuẩn rõ ràng đối với từng loại xe. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để tạo điều kiện, hỗ trợ người dân.

* Xin cảm ơn ông.

Vũ Quyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI