Cần thay đổi để chính sách giảm VAT phát huy tác dụng

27/05/2024 - 06:09

PNO - Theo các chuyên gia, hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) không phát huy được nhiều tác dụng, việc thực hiện gây lúng túng cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Các cơ quan quản lý cũng không thống nhất

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm VAT từ 10% xuống 8%, vẫn áp dụng đối với nhóm hàng hóa dịch vụ giống các lần giảm VAT trước đó. Một số nhóm hàng hóa dịch vụ không được giảm như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nếu đề xuất này được thông qua thì đây là lần thứ tư trong vòng 3 năm (2022-2024) chính sách giảm VAT 2% được áp dụng.

Sáng 25/5, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu cho rằng việc giảm VAT gặp một số trở ngại trong việc phân loại hàng hóa nào có thuế suất 8%, hàng hóa nào là 10%. Theo các đại biểu, gói hỗ trợ giảm thuế VAT 2% nên giảm đồng loạt cho tất cả các mặt hàng.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường là một trong các giải pháp góp phần kích cầu tiêu dùng (ảnh chụp tại hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường là một trong các giải pháp góp phần kích cầu tiêu dùng (ảnh chụp tại hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2024)

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc phân loại hàng hóa chịu thuế 10%, hàng hóa được giảm thuế xuống 8% khiến doanh nghiệp (DN) gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng do chưa có định nghĩa rõ ràng. Nhiều DN tra cứu Phụ lục giảm VAT của Nghị định 15 và 44 nhưng vẫn không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Như nhóm hàng hóa sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất vẫn còn định nghĩa chung chung, rất khó phân loại. Chẳng hạn, 1 DN mua vật tư, linh kiện để sản xuất tủ điện phục vụ hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Trong đó thiết bị cơ khí chiếm 15% giá trị thành phẩm có thuế suất VAT mua vào là 10%; thiết bị đóng cắt chiếm 30% giá trị thành phẩm có thuế suất 8%; thiết bị truyền dẫn (kim loại đồng, dây cáp điện lõi kim loại đồng) chiếm 20% giá trị thành phẩm có thuế suất VAT 10%; thiết bị bảo vệ, điều khiển và hiển thị giám sát chiếm 18% giá trị thành phẩm có thuế suất VAT 8%; thiết bị kết nối trung gian (dây điện, ốc vít…) chiếm 5% giá trị thành phẩm có thuế suất 10%...

VCCI cho rằng, nhiều DN phải thuê kế toán điều chỉnh hóa đơn, sổ sách cho đúng với thuế mới, gây nhiều chi phí và gia tăng rủi ro cho DN. Không ít DN đã đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong với đối tác nhưng cuối cùng không ký hợp đồng được do không thống nhất được sản phẩm chịu thuế 8% hay 10%. “Có trường hợp DN đã thực hiện gói thầu xây lắp nhưng sau đó phát sinh tranh chấp khi quyết toán vì 2 bên có quan điểm khác nhau về thuế suất. Thay vì phân loại nhóm hàng hóa như các lần giảm thuế trước thì nên áp dụng chung cho tất các loại hàng hóa, dịch vụ” - đại diện VCCI đề nghị.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TPHCM - thông tin thêm: không chỉ DN lúng túng mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước như thuế, hải quan cũng không thống nhất mặt hàng nào chịu thuế suất 8%, mặt hàng nào chịu thuế suất 10%. Có mặt hàng đã được cơ quan thuế tạm tính nộp thuế 8% nhưng sau đó cơ quan hải quan thu bổ sung 2% và phạt chậm nộp. Có DN lỡ nộp thuế VAT 10% cho mặt hàng áp thuế 8% nhưng sau đó không được khấu trừ 2%. Ông đề nghị nên giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa dịch vụ để không phát sinh rắc rối trong việc thực hiện.

Cần thêm chính sách hỗ trợ khác

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc VCCI chi nhánh tại TPHCM - cho biết, nhiều DN nhận xét việc giảm VAT 2% không còn tác dụng để kích cầu tiêu dùng giống như giai đoạn đầu vì mức giảm quá thấp, hầu như người tiêu dùng không để ý. Người dân quyết định chi tiêu không hẳn vì sản phẩm rẻ hơn vài ngàn đồng hoặc không mua vì đắt hơn vài ngàn đồng. Một bộ phận người dân vẫn có tiền, họ không dám mạnh tay mua sắm vì chưa thấy điểm sáng của nền kinh tế. Ông cho rằng, động lực để “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển nền kinh tế hiện nay là giải ngân đầu tư công, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì giải ngân đầu tư công sẽ rất khó khả quan. Vì vậy, cần tìm giải pháp hỗ trợ DN tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.

Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của DN trong 4 tháng đầu năm có tăng (xuất nhập khẩu qua các cảng trên cả nước tăng hơn 11%, xuất nhập khẩu quá cảnh tại TPHCM tăng hơn 69%) nhưng phần lớn tập trung ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ở khối DN nội, chỉ có nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản, chế biến lương thực thực phẩm vẫn xuất khẩu tốt, các nhóm khác vẫn còn khó khăn. DN FDI đủ mạnh, đã thiết lập được chuỗi cung ứng toàn cầu trước đó. Trong khi DN nội vẫn lệ thuộc đầu vào, gặp khó đầu ra. “Thị trường ngách rất tiềm năng nhưng chi phí để DN thực hiện các giải pháp tìm kiếm thị trường rất cao. Cơ quan tham tán thương mại, đại sứ quán, tổng lãnh sự quán tại nước ngoài phải nỗ lực hơn nữa mới hỗ trợ được DN. Nếu vẫn thực hiện như cách hiện nay thì không phát huy được tác dụng hỗ trợ DN” - ông Nguyễn Hữu Nam đề nghị.

Cùng chung quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, chính sách giảm VAT 2% đã “bão hòa”, không khuyến khích tiêu dùng được nhiều hơn, gây khó khăn cho DN trong cách tính thuế. Ông cho rằng nếu tiếp tục giảm VAT thì nên giảm sâu xuống còn 5% và áp dụng giảm cho tất cả nhóm mặt hàng,
dịch vụ.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân đề xuất nhà nước nên tập trung vào các giải pháp kích cầu tiêu dùng để DN có đơn hàng. Các giải pháp như hỗ trợ lãi suất cũng không còn đem lại hiệu quả như trước. Tại các quốc gia khác, để kích cầu tiêu dùng, nhà nước sẽ giảm thuế VAT 5% hoặc miễn hẳn VAT trong một thời gian nhất định, tặng tiền cho người dân tiêu xài; hoàn thuế thu nhập cá nhân theo từng quý, cho khấu trừ các chi phí hợp lý như tiền thuê nhà, khám chữa bệnh, đóng học phí… trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại nhưng chính sách cần mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ các DN nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng trực tiếp hoặc trực tuyến; hỗ trợ quảng bá, xây dựng hình ảnh, video, số hóa các sản phẩm trưng bày; tổ chức hội nghị quốc tế để cung cấp thông tin về thị trường, tạo điều kiện để nhà mua hàng gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhà bán hàng…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI