Cần thay đổi cách điều hành thị trường xăng dầu

14/10/2022 - 16:54

PNO - Theo các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, có thể nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do chính sách điều hành bất ổn là nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm xảy ra.

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, do lĩnh vực xăng dầu chưa có tính cạnh tranh, một số doanh nghiệp (DN) xăng dầu nắm quyền chi phối. Nhà nước quy định giá cơ sở và giá trần. Chi phí kinh doanh và chi phí premium (lợi nhuận) là hai chỉ tiêu rất quan trọng trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu nhưng chỉ tiêu này đã lỗi thời, chưa đủ để bù đắp chi phí kinh doanh, dẫn đến DN không có lãi.

Chủ các cửa hàng xăng dầu cho rằng, nếu mức chiết khấu không nâng lên, họ khó duy trì được hoạt động  (trong ảnh: Ngày 13/10, một cây xăng ở Q.Tân Bình, TP.HCM vẫn chưa hoạt động trở lại) - ẢNH: MINH AN
Chủ các cửa hàng xăng dầu cho rằng, nếu mức chiết khấu không nâng lên, họ khó duy trì được hoạt động (trong ảnh: Ngày 13/10, một cây xăng ở Q.Tân Bình, TPHCM vẫn chưa hoạt động trở lại) - ẢNH: MINH AN

Chi phí kinh doanh đã được xây dựng cách đây tám năm, ở mức 850 đồng/lít, sau đó được nâng lên 1.050 đồng/lít. Còn premium đã được quy định rất rõ nhưng vẫn để ở mức thấp, lỗi thời, khiến DN phân phối không có lãi. Từ đó DN phân phối chỉ nhập cầm chừng, mức chiết khấu không đủ để các đại lý có lãi, dẫn đến đại lý ngừng bán. Ngày 11/10, cơ quan điều hành đã điều chỉnh giá cơ sở theo hướng nâng phí kinh doanh lên tối đa là 1.340 đồng/lít, phí premium được thay đổi, các đại lý liền kinh doanh bình thường trở lại. 

Để tránh tình trạng cũ lặp lại, Bộ Tài chính cần khảo sát thực tế để xem các chi phí sau khi điều chỉnh giá cơ sở đã hợp lý hay chưa. Hiện nay, chi phí của DN bị đội lên rất nhiều, nên cần xem xét kỹ càng để đảm bảo hài hòa lợi ích của DN. Cần làm rõ lợi nhuận của DN đầu mối là bao nhiêu để họ có sự chia sẻ với các đại lý cấp dưới, đồng thời cố gắng điều hành chu kỳ giá linh hoạt và nhanh hơn, có thể từ 3-5 ngày/lần thay vì vào ngày 1, 11 và 21 hằng tháng để tránh lệch pha với thị trường thế giới và ngăn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ giá lên hoặc xả hàng, gửi hàng trước khi giá giảm. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giao sản lượng xăng dầu nhập khẩu trong nước không tốt, từ đó tạo ra đứt gãy chuỗi cung ứng. Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Bộ chỉ tính sản lượng đủ cho cả năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước lại theo chu kỳ tháng hoặc tính chất địa phương, theo tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sản xuất dịp cuối năm. 

Khi đã tính ra sản lượng theo địa phương thì phải giao sản lượng chính xác cho các đầu mối nhập khẩu. Việc giao này phải đúng thời điểm bởi DN này có mạng lưới kinh doanh ở TPHCM nhưng DN kia lại có mạng lưới kinh doanh ở TP.Hà Nội. Khi đã phân, giao rồi thì phải tổ chức giám sát xem các đầu mối có nhập về không, bán như thế nào. Do thiếu kiểm tra nên sản lượng nhập khẩu xăng giảm 40% và dầu DO giảm 35% so với quý trước. 

Xăng dầu là lĩnh vực do Nhà nước quản lý. Cần phải phân định mức độ hưởng lợi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN phải có được chi phí định mức cho hệ thống hậu cần (logistics), hao hụt xăng dầu. Đằng này, sau tám năm, Nhà nước vẫn giữ định mức lỗi thời trong khi giá cả hàng hóa tăng lên, đời sống nâng cao, chi phí mà DN trả cho nhân viên tăng lên. 

“Về lâu dài, cần cố gắng làm cho lĩnh vực xăng dầu mang tính thị trường thực thụ, Nhà nước chỉ can thiệp khi có biến động. Có như vậy, thị trường mới trôi chảy, thông suốt được” - ông Đinh Trọng Thịnh nói. 

Nếu cứ lỗ, cây xăng không thể hoạt động

Vừa mở bán lại sau hai ngày đóng cửa, bà T. - chủ một DN sở hữu hai cửa hàng xăng dầu ở Q.Tân Phú và H.Hóc Môn, TPHCM - cho biết, hiện cửa hàng chỉ được các nhà phân phối chiết khấu khoảng 200-300 đồng/lít xăng dầu. Mức này chỉ đủ trả tiền vận chuyển hàng từ đầu mối đến cửa hàng, trong khi các cửa hàng phải chịu hàng loạt khoản chi phí như thuê mặt bằng, nhân viên, thuế, lãi vay… 

Theo nhiều chủ cửa hàng xăng dầu, với chi phí hiện tại, mức chiết khấu tối thiểu phải từ 1.500 đồng/lít trở lên, họ mới có thể duy trì hoạt động. Ông K. - chủ một cửa hàng xăng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long - cho biết, cước phí chở 16 - 20m3 xăng dầu từ tổng kho về đại lý khoảng 7-8 triệu đồng. Chi phí vận chuyển 1 lít xăng về đã là 300 đồng. Với mức chiết khấu 300-400 đồng/lít, các cửa hàng, đại lý phải chịu lỗ. “Với chi phí hiện nay, mức chiết khấu phải ít nhất 1.300-1.400 đồng/lít, cửa hàng, đại lý xăng dầu mới hòa vốn. Nếu không, tôi buộc phải bán cửa hàng vì thua lỗ” - ông K. nói.

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI