Tranh luận chuyện đọc sách thời nay:

Cần thật nhiều sân chơi cho người yêu sách

01/10/2024 - 09:59

PNO - Mỗi khi nói chuyện về sách, nhìn vào ánh mắt của học sinh, tôi thấy rõ niềm vui và sự ham thích. Bởi sách không chỉ cung cấp kiến thức đơn thuần, mà thông qua sách, các em có thể sáng tạo ra một thế giới mới.

Cuộc tranh luận về chuyện đọc sách có lẽ sẽ chẳng bao giờ "ngã ngũ" khi văn hóa đọc vẫn còn là một điều gì đó xa xỉ và xa lạ đối với một bộ phận giới trẻ. Nhưng từ góc độ của một người làm giáo dục và thụ hưởng giá trị của sách, tôi ủng hộ việc "khuyến đọc", đọc sách nên là thói quen của mỗi người và duy trì thường xuyên.

Trước tiên, việc tìm kiếm sách hay, phù hợp để đọc giống như lựa chọn món ăn ngon. Phải ngon mới cảm thấy thỏa mãn vị giác. Cũng như sách vậy, bản thân mỗi bạn trẻ phải thật sự yêu thích một hoặc một vài cuốn sách bất kỳ thì các bạn mới dành thời gian để đọc thay vì chọn các phương tiện giải trí khác như hiện nay.

Trong phạm vi học đường, nhu cầu tìm đọc sách của học sinh là có thật. Bằng chứng là nhiều học sinh tìm đến các thầy cô để nghe tư vấn chọn mua sách. Những cuốn tiểu thuyết trinh thám hay tác phẩm kinh điển thuộc hàng "best seller" thế giới cũng được nhiều em tìm kiếm. Ngay cả những tác phẩm được xem là "quá tầm" lứa tuổi như Muôn kiếp nhân sinh (Nguyên Phong), Có điều kiện cứ thể hiện - Chuyện công ở xứ cụt (BJ Gallagher và Warren H. Schmidt đồng tác giả)... học sinh của tôi cũng say mê nghiền ngẫm.

Phụ huynh và học sinh cùng nhau đọc những tác phẩm dự thi đạt giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Khánh Hòa (nguồn ảnh: tác giả cung cấp)
Phụ huynh và học sinh cùng nhau đọc những tác phẩm dự thi đoạt giải tại cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" tỉnh Khánh Hòa (Ảnh do tác giả cung cấp)

Kế tiếp, khi các em đã hoàn thành quá trình tiếp nhận nội dung của sách, nên có nhiều "sân chơi" để các em chia sẻ cảm xúc và kiến thức. Tôi cũng không nhớ hết mình đã giới thiệu và hướng dẫn cho học sinh tham gia bao nhiêu cuộc thi về sách. Đó có thể là kể chuyện theo sách; viết cảm nhận về sách; sáng tác truyện; vẽ tranh minh họa về nội dung các cuốn sách. Nhìn một cách rộng hơn, từ những sân chơi ấy, các em được thỏa thích thể hiện niềm đam mê và sáng tạo với những trang sách.

"Sáng tạo" - đây cũng được xem là mấu chốt của vấn đề. Vì khi các em tiếp nhận xong thì cần có cơ hội để vận dụng, thực hành những tri thức đó vào trong thực tế. Mặt khác, đây cũng là quá trình "đồng sáng tạo" cùng với tác giả, để giá trị tác phẩm không chỉ dừng lại trong những trang sách mà còn đi vào trong đời thực như một chủ thể có sức sống riêng.

Học sinh của tôi thích sáng tác tác phẩm dưới dạng viết tiếp phần kết cho câu chuyện hoặc sáng tạo dựa vào cốt truyện. Có thể kể đến như: Chí Phèo ngoại truyện, Cá voi Eren đến Hòn Mun ngoại truyện, Tắt đèn - chuyện chưa kể, Tấm Cám ngày nay... Qua những câu văn, tình tiết mới lạ, tác phẩm gốc như có thêm một sức sống mới trong mắt người đọc.

Có em chọn cách vẽ tranh minh họa cho một cuốn sách mà mình yêu thích. Phần họa tiết được học sinh phác họa vào trang giấy đều là những chi tiết mà các em tâm đắc. Cách trình bày nội dung trong truyện được ghi lại một cách chắt lọc và cẩn thận càng giúp cho tác phẩm chuyển từ câu chữ khô khan sang "hình hài" bắt mắt và sinh động.

Một số bài dự thi về sách của học sinh (nguồn ảnh: tác giả cung cấp)
Một số bài dự thi về sách của học sinh Khánh Hòa (Ảnh do tác giả cung cấp)

Từ những định hướng theo phương pháp riêng của tôi, các em rất hào hứng và tự tin khi tham gia nhiều cuộc thi về sách cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Sau 5 năm đồng hành, những cô cậu học sinh của tôi đã mang về nhiều giải thưởng như: 1 giải khuyến khích cấp quốc gia; 2 giải trung ương (1 giải A, 1 giải C); 17 giải cấp tỉnh (2 giải nhất, 5 giải nhì, 5 giải ba, 5 giải khuyến khích); 2 giải A tập thể; 4 giấy khen cấp tỉnh khen tặng cho học sinh đạt thành tích xuất sắc.

Từ xưa đến nay, sách chứa đựng kho tàng tri thức nhân loại. Điều đó ai cũng biết, nhưng để dẫn dắt học sinh chạm vào thế giới tri thức ấy cần có những cách thức triển khai phù hợp và linh động. Ông bà, cha mẹ hay thầy cô giáo đều có thể là những người dẫn dắt lý tưởng. Vì vậy, để hình thành một thế hệ trẻ ham đọc, mê đọc thì mỗi người lớn trong gia đình, nhà trường phải thật sự yêu sách và biết truyền niềm đam mê sách cho các em.

Lê Đức Bảo (Nha Trang)

Cuộc tranh luận về việc đọc sách và văn hóa đọc trong cuộc sống ra sao của chúng tôi xin phép được khép lại tại đây. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi, gửi ý kiến về tòa soạn.

Chúng tôi vẫn tiếp tục nhận các bài viết cộng tác, các ý kiến đóng góp về địa chỉ: online@baophunu.org.vn

Xin chân thành cảm ơn bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI