Cẩn thận với viêm kết mạc do vi rút ở trẻ

17/11/2022 - 06:08

PNO - Số lượng trẻ em bị viêm kết mạc do vi rút đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là trẻ từ 3-9 tuổi. Có trường hợp gia đình có 2-3 con, tất cả đều đau mắt.

2, 3 trẻ cùng nhà, cùng lớp bị đỏ mắt

Vừa dỗ con trai 5 tuổi, vừa khai báo thông tin khám mắt cho con trai 8 tuổi, chị Nguyễn Thị Đào (34 tuổi, ở quận 1, TPHCM) mệt mỏi: “Sáng nay, tôi đưa 2 bé đi khám, chiều lại chở thêm 1 bé 3 tuổi đi khám tiếp. Cả 3 đứa con của tôi đều bị nóng sốt, mắt đỏ, đổ ghèn, sưng phù, quấy khóc suốt”. Theo chị Đào, ban đầu, chỉ có bé 3 tuổi bị đỏ mắt, nhưng vài ngày sau cả nhà chị đều bị. Tuy nhiên, chị và chồng bị nhẹ hơn, nhỏ mắt, uống thuốc 3-4 ngày là khỏi. Bác sĩ chẩn đoán 2 bé trai 5 tuổi và 8 tuổi bị viêm kết mạc do vi rút. Các bé chưa bị tổn thương giác mạc nên có thể điều trị ngoại trú.

Tương tự, em L.C.T. (12 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) cũng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đỏ mắt, sưng nề, sốt, đau họng. Lúc đầu, người thân nghĩ em bị viêm họng hành sốt, người nóng nên mắt mới đỏ đã mua thuốc tây cho em uống gần 1 tuần nhưng mắt của em ngày càng sưng. Khi T. nói trong lớp có 3, 4 bạn nữa cũng bị đau mắt, mẹ đưa em đến bác sĩ thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán em bị viêm kết mạc nặng do vi rút, đề nghị gia đình đưa đến bệnh viện điều trị. T. kể: “Trước khi bị bệnh, em có chơi với một bạn nam đã đau mắt. 2 ngày sau, mắt của bạn ấy đỏ ngầu, sưng to nên cô giáo cho bạn nghỉ ở nhà. Sau đó mắt em ngứa, đổ ghèn và cũng sưng lên, mẹ mua thuốc nhỏ mắt để trị bệnh mà không hết”.

Trước đó, bé L.V.N.U. (3 tuổi, ở tỉnh Đắk Nông) đến bệnh viện khám trong tình trạng sốt, đỏ mắt, sợ ánh sáng…, được chẩn đoán viêm kết mạc. Nhưng do bé được đưa đến trễ nên đã biến chứng giả mạc, tổn thương giác mạc. Chị Vũ Thị Xuân (mẹ bé U.) cho biết 4 ngày trước, bé thường hay lấy tay dụi mắt. Khi hỏi, bé nói bị ngứa mắt nên chị mua thuốc nhỏ mắt về rửa mắt cho con. Tối đến, mắt bé U. sưng to, mi dưới phù nề, tròng mắt đỏ, nóng sốt. Nghĩ con bị chảy nước mắt sống do nóng trong người, chị lại ra tiệm mua thuốc cho bé uống. “Tôi cho bé uống thuốc 2 ngày nhưng mắt bé không mở ra được, sưng thấy rõ. Tôi đưa bé đến bệnh viện khám mới biết bị viêm kết mạc, viêm mô tế bào nặng, phải làm tiểu phẫu xử lý áp xe ở mắt”, chị Xuân nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Danh - Trưởng đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - hiện số lượng bệnh nhi bị viêm kết mạc do vi khuẩn, vi rút Adeno đến bệnh viện khám đang tăng lên. Có trường hợp 2-3 bé trong cùng một gia đình bị viêm kết mạc đến khám. Nếu như trước đây, mỗi ngày chỉ có trên dưới 80 bệnh nhi viêm kết mạc thì hiện tại đã trên 100 trẻ/ngày, tăng khoảng 20-30% so với 2 tuần trước. 

Bác sĩ Nguyễn Thành Danh đang khám cho bé trai bị viêm kết mạc - ẢNH: P.A.
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh đang khám cho bé trai bị viêm kết mạc - Ảnh: P.A.

Dễ tổn thương giác mạc nếu phát hiện trễ

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Danh, có rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút gây viêm kết mạc. Đa số trẻ ở tuổi sơ sinh bị viêm kết mạc do vi khuẩn lậu cầu, vi khuẩn chlamydia lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh có thể phát hiện, điều trị kịp thời. Hầu hết viêm kết mạc do vi trùng, vi khuẩn khác gây ra sẽ không có biểu hiện nặng nề, chỉ cần điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, kháng sinh tại chỗ sẽ kiểm soát được. Còn bệnh lý do vi rút gây ra, đặc biệt viêm kết mạc do vi rút Adeno sẽ lây lan rất nhanh và có nguy cơ lây lan nhanh thành dịch rất cao. Thông thường, chu kỳ của viêm kết mạc do vi rút là từ 2-3 năm. Trước đây, Việt Nam đã từng có dịch viêm kết mạc do vi rút Adeno.

“Theo chu kỳ, năm nay cũng là năm có thể thành dịch viêm kết mạc. Đáng nói, khi một người mắc bệnh này, thời gian ủ bệnh, điều trị và hồi phục lâu hơn viêm kết mạc do vi khuẩn. Tuy nhiên, theo thói quen, nhiều người cứ đau mắt, đỏ mắt sẽ tự ý nhỏ kháng sinh, chỉ khi chịu hết nổi mới đến bệnh viện. Điều nay gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị cũng như tầm soát trong công tác dịch tễ” - bác sĩ Nguyễn Thành Danh nói. Tuy số lượng trẻ bị biến chứng nặng phải nhập viện đang dưới 5% tổng số trẻ đến khám, nhưng vẫn có trẻ bị những biến chứng nặng phải bóc giả mạc, tổn thương giác mạc dạng chấm gây ảnh hưởng đến thị lực.

Thêm phần, rất khó để phân biệt trẻ bị viêm kết mạc do vi khuẩn hay vi rút mà phải dựa vào khám cận lâm sàng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đỏ mắt, đổ ghèn nhiều, cha mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ. Trường hợp mi mắt trẻ sưng phù, đau nhức mắt, sợ ánh sáng, nhắm chặt mắt không mở được, chảy nước mắt nhiều, người lớn phải đưa trẻ đi khám liền bởi có thể đã rơi vào giai đoạn nặng.

Viêm kết mạc do vi rút Adeno lây nhiều nhất qua dịch tiết của cơ thể nên khi người bệnh hắt hơi, khạc nhổ phải dùng khăn che kín mũi miệng, bỏ rác đúng nơi quy định. Trước khi chăm sóc trẻ, cha mẹ nên vệ sinh mũi, miệng, bàn tay thật sạch, tránh để trẻ tiếp xúc nước mắt của mình. Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập… của trẻ. 

Thời gian gây bệnh của vi rút Adeno khoảng từ 5-12 ngày. Trong thời gian này nên cho trẻ nghỉ học ở nhà đến khi hết hẳn các triệu chứng để tránh lây lan trong trường học. Đặc biệt, vi rút Adeno sống khá lâu trong nước hồ bơi (khoảng 5 ngày) nên nếu trẻ bị bệnh, người lớn không nên cho trẻ đi bơi để hạn chế lây nhiễm bệnh cho trẻ khác. 

Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng, nâng cao thể trạng của trẻ để phòng, chống bệnh. Nên cung cấp nhiều nước, đặc biệt là vitamin C để giúp ổn định kết mạc của trẻ. Hạn chế cho trẻ xem điện thoại, ti vi, máy tính bảng có thể không liên quan trực tiếp, nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến sự hồi phục bệnh của trẻ. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI