Trở lại trường học sau một tuần, bé gái N.T.A. (5 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) đã phải vào bệnh viện nhiều lần vì tiêu chảy cấp. Theo người nhà, đầu tháng 9, bé A. bị tiêu chảy, chán ăn, mệt mỏi. Nghĩ bé bị rối loạn tiêu hóa nên gia đình đưa bé đến bác sĩ tư thăm khám và mua thuốc uống. Đến ngày 5/9, bệnh của bé A. nặng hơn với tần suất tiêu chảy và ói hơn 15 lần/ngày. Mẹ của bé đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM khám bệnh. Lúc này, bé đã rơi vào tình trạng tiếp xúc kém, phản xạ chậm…
Bác sĩ Hà Văn Thiệu thăm khám lại cho bé A. - Ảnh: P.A.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp nghi do virus Rota gây ra, bệnh vào giai đoạn nặng. Bé không thể ăn uống được, suy dinh dưỡng, sốc mất nước nặng, sốc nhiễm trùng. Các bác sĩ đã lập tức cho bù dịch, bổ sung kẽm, dùng thuốc chống ói cho bé. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến quá nhanh, bé A. trở nặng, suy hô hấp, tổn thương thận cấp, không tiếp xúc, không có tri giác, tiên lượng nặng. Bác sĩ phải đặt nội khí quản, truyền thuốc đặc trị và chuyển bé đến Khoa Hồi sức tích cực. Sau bảy ngày được điều trị tích cực, tình trạng bé ổn định trở lại, hiện vẫn đang được truyền kháng sinh, bù kẽm, bù nước.
Bé T.M.H. (3 tuổi, ở TPHCM) bị tiêu chảy hơn 20 lần/ngày, nhất là vào ban đêm. Nằm viện hơn mười ngày, bé mới thoát khỏi nguy hiểm, nhưng vẫn đang được các bác sĩ theo dõi sát. Chị Nguyễn Thị Thanh (mẹ của bé H.) cho biết, trước khi nhập viện 3 ngày, bé H. thường xuyên đau bụng, quấy khóc, tần suất tiêu chảy ngày một nhiều, sốt cao về chiều. Chị đã cho bé uống hạ sốt, nước pha Oresol bù điện giải. Hai ngày sau, bé bớt sốt, tần suất tiêu chảy ít hơn. Không ngờ, đến ngày thứ ba, bé H. li bì, mệt mỏi, ói, không đi tiểu được, người nhà vội vã ôm bé đi bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tiêu chảy cấp do virus Rota, phải truyền kháng sinh, bù dịch, bù nước liên tục bé mới qua nguy hiểm.
Tiến sĩ - bác sĩ Hà Văn Thiệu - quyền điều hành Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - thông tin trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận, điều trị cho từ 20-30 trẻ nhập viện do các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó có đến khoảng 80-90% trẻ bị tiêu chảy. Nhìn chung, tiêu chảy cấp đang có sự gia tăng, đặc biệt ở trẻ độ tuổi mầm non.
Ngừa bệnh bằng vắc xin, giữ gìn vệ sinh
Bác sĩ Hà Văn Thiệu cho biết thêm, hiện nay thời tiết tại TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển, đặc biệt là virus Rota - nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ. Thời gian qua, hầu như bệnh này xảy ra quanh năm. Hiện tại, bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh này nhập viện trong giai đoạn trễ, gây sốc mất nước, sốc nhiễm trùng, tổn thương thận.
“Mặc dù tiêu chảy cấp hiếm khi nghiêm trọng nhưng hằng năm vẫn còn trẻ tử vong do mất nước do bị tiêu chảy cấp. Nhất là trẻ từ 6-24 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng) rất khó để phát hiện trẻ bị mất nước. Vì vậy, người lớn đừng bao giờ lơ là khi trẻ bị bệnh”, bác sĩ Hà Văn Thiệu nói thêm. Cha mẹ và người chăm sóc nên chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng vắc xin Rota uống theo chương trình tiêm chủng. Liệu trình hai liều, liều 2 cách liều 1 một tháng và kết thúc trước sáu tháng tuổi.
Ngoài ra, người lớn có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh sạch sẽ, thức ăn phải rõ nguồn gốc, xanh tươi, dụng cụ chế biến sạch sẽ. Quan trọng, trước khi chế biến phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Trường hợp thức ăn còn dư, nên bảo quản trong tủ lạnh, không để kéo dài.
Các thành viên trong gia đình phải ăn chín, uống sôi, đặc biệt không cho trẻ uống nước có gas. Đặc biệt, phòng bệnh tiêu chảy cấp phải có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình đến trường học bởi bệnh rất dễ lây lan. Cha mẹ, người chăm trẻ, hoặc cô giáo phải lau dọn dụng cụ học tập, đồ dùng cá nhân, sàn nhà, lớp học vì đây là nơi thuận lợi để vi-rút, vi khuẩn gây bệnh trú ẩn, sinh sôi.
Trường hợp khi phát hiện trẻ bị tiêu chảy, người lớn cần bình tĩnh bởi bệnh này có thể chăm sóc tại nhà bằng cách hạ sốt, cho trẻ uống nước pha Oresol để bù điện giải. Với trẻ dưới hai tuổi, nên cho trẻ uống từ 50-100ml sau mỗi lần trẻ đi tiêu chảy, còn với trẻ lớn sẽ bù từ 100-200ml nước, nếu không nhớ, hãy cho trẻ uống theo nhu cầu. “Khi pha gói Oresol, cha mẹ nên pha cẩn trọng, mức nước đúng theo hướng dẫn trên bao bì, phải pha hết một gói, nếu không uống hết trong 24 tiếng phải đổ bỏ và pha gói mới. Không pha Oresol với mức nước thấp hơn hướng dẫn, để tránh ngộ độc kali ở trẻ. Thực tế đã có bé co giật, tử vong vì tăng kali do người lớn pha Oresol với lượng nước quá ít”, bác sĩ Hà Văn Thiệu nói.
Nếu trẻ bị tiêu chảy liên tục trong hai ngày, điều trị không thuyên giảm, hay tần suất đi ngoài trên 10 lần/ngày, sụt ký nhanh, ói, không uống nước được, môi khô, vật vã, co giật, không đi tiểu được, quấy khóc, khóc không có nước mắt… thì nguy cơ mất nước cao, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị đúng cách. n
Nhiều quan niệm cho rằng trong giai đoạn bệnh tiêu chảy, trẻ chỉ được ăn cháo trắng, hay chỉ uống sữa là sai lầm. Ngoài bù nước, bổ sung điện giải, cha mẹ hãy tiếp tục cho trẻ ăn thịt, cá thậm chí là tôm, cua… để đảm bảo trẻ có đủ chất dinh dưỡng, năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể, phục hồi niêm mạc ruột cho trẻ.