Cẩn thận với sốt xuất huyết trong mùa dịch

01/09/2021 - 08:17

PNO - Bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa, các chuyên gia y tế lưu ý người dân cẩn thận, vì một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ.

Gần mười ngày qua, chị T.D. (ở chung cư quận 12, TPHCM) luôn lo lắng cho tình trạng bệnh của bà giúp việc nhà chị. Thấy bà sốt liên tục hai ngày không giảm, chị D. đã gọi dịch vụ xét nghiệm tận nhà để làm xét nghiệm cho bà. Kết quả cho thấy bà bị sốt xuất huyết (SXH).

Sợ bệnh diễn biến nặng, chị D. đã ra sức thuyết phục bà đi bệnh viện. Nhưng do tâm lý sợ đi bệnh viện trong mùa dịch nên bà đã từ chối và ở nhà theo dõi, uống thuốc hạ sốt. Trong những ngày đó, chị D. nhờ bác sĩ tư vấn từ xa để theo dõi sức khỏe của bà. May mắn, sau mười ngày bà đã khỏe hơn. 

Sốt cao, đau đầu, anh T. (37 tuổi, Hà Nội) tưởng mình bị phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19. Đến bệnh viện, anh được phát hiện mắc sốt xuất huyết.
Sốt cao, đau đầu, anh T. (37 tuổi, Hà Nội) tưởng mình bị phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19. Đến bệnh viện, anh được phát hiện mắc sốt xuất huyết.

Chị D. cho biết chung cư nơi chị ở “đã có 15 ca SXH”. Ban quản lý chung cư đã có biện pháp phun xịt muỗi. Chị D. có con nhỏ nên cũng đã xông tinh dầu và sử dụng mùng treo cho con khi ngủ cùng các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng khác. “Không biết tại sao trong nhà có muỗi nhiều. Có thể mấy đợt mưa vừa qua làm cho nước đọng trên sân thượng và tầng hầm của chung cư, sinh ra muỗi. Ngoài ra, gần chung cư có con kênh nhỏ. Chắc muỗi từ đó bay vào chung cư” - chị D. chia sẻ. 

Các chuyên gia y tế cho biết, bất kể nơi nào có đọng nước trong nhà đều có thể là nơi muỗi đẻ trứng như: lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước của tủ lạnh, và điều hòa nhiệt độ. Vì vậy, muỗi vẫn phát triển ở các tòa nhà, chung cư cao tầng nếu người dân và cộng đồng dân cư không thường xuyên vệ sinh nhà cửa, thu dọn những vật dụng đọng nước và thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng. Muỗi vẫn có thể trú ngụ trong thang máy và theo đường này để bay lên các tầng cao. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), giai đoạn cao điểm của bệnh SXH ở TPHCM thường từ cuối tháng Bảy đến hết tháng Một năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Chuyên gia các bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân nên lưu ý các biện pháp phòng ngừa bệnh SXH và lưu ý các triệu chứng chẳng hạn như nếu sốt liên tục 72 giờ thì hãy xem chừng bị SXH. 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phụ huynh lưu ý khi thấy trẻ sốt trên hai ngày, đặc biệt nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu răng… nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện.

Trong tháng Bảy, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã cấp cứu nhiều trẻ bị sốt cao liên tục bốn ngày kèm ho, ói, tiêu lỏng, đau đầu và tay chân lạnh. Những trẻ này đều được chẩn đoán bị SXH nặng. Trong đó, có trẻ được điều trị tích cực với truyền dịch chống sốc, hỗ trợ thở oxy, thở áp lực dương liên tục, truyền máu.     

Trạm Y tế phường 9, quận Tân Bình cho hay, đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng bảy ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích huyết tương. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. 

Gia Nhi

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI