Cẩn thận với hít sặc ở người cao tuổi

26/04/2020 - 11:56

PNO - Không chỉ trẻ mới bị hóc dị vật, hít sặc mà nhiều người cao tuổi phải đối diện với nguy cơ đe dọa đến tính mạng khi dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn, đặc biệt là khi ăn uống.

Thời gian qua, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đã cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân từ 82 đến 88 tuổi nguy kịch do hít sặc cơm, cháo, trứng, chả lụa… vào phổi. 

Đang ăn bỗng ho sặc sụa, thở nghe tiếng gió rít

Nếu người bị sặc không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi hít sặc, tai biến mạch máu não, suy hô hấp... nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong
Nếu người bị sặc không được cấp cứu kịp thời có thể gây ra biến chứng viêm phổi hít sặc, tai biến mạch máu não, suy hô hấp... nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong

Như trường hợp của bà T.T.N. (82 tuổi, ở TP.HCM) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng tím tái, mệt mỏi, thở hắt, lịm dần. Sau khi khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận thấy bà bị viêm phổi do hít sặc, nội soi đường thở nhận thấy dị vật là cháo và xúp. Bác sĩ đã xử lý lấy ra ngoài một lượng cháo, xúp khoảng 20ml, phục hồi đường thở cho bà N.

Theo người nhà của bà N., hai năm trước, bà bị tai biến mạch máu não, dù được cứu chữa kịp thời nhưng bà bị di chứng rối loạn nuốt. Bà ăn uống rất khó khăn, nên thực đơn hầu hết là cháo hoặc xúp. Khi bà N. ăn, thường sẽ có một người thân trong gia đình ngồi bên cạnh để hỗ trợ bà.

Hôm xảy ra tai nạn hít sặc, bà chỉ ăn cháo loãng. Khi ăn được khoảng 10 phút, bỗng nhiên bà trợn mắt, rồi bật ra phía sau, dù cháu gái đã vỗ lưng nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được. Cháu gái bà cho rằng có thể bà bị hít sặc trước đó hai ngày nhưng xúp khá loãng nên không gây tắc đường thở, vì vậy không ai biết.

Không may mắn như bà N., ông N.V.P. (85 tuổi) không chỉ bị sặc cơm vào phổi, mà còn ngộ độc thuốc điều trị. Theo người nhà của ông P., chiều 19/3, khi đang ăn cơm, ông P. bị ho sặc sụa, mặt đỏ ửng. Con trai ông biết cha bị sặc, chạy đến vỗ lưng cho ông; khoảng 5 phút sau, ông P. thở lại bình thường nhưng than tức ngực, khó thở. Nghĩ cha lo lắng nên tăng huyết áp, con ông đưa thuốc huyết áp cho ông uống.

Ông P. thấy đỡ hơn nên không đến bệnh viện kiểm tra. Hai ngày sau, ông P. than khó thở, thấy tay chân bủn rủn, ho khan và trong phổi như có… gió rít. Mỗi lần như vậy, ông P. lại tự uống thuốc huyết áp. Tối 21/3, ông đang ngồi bỗng lịm dần, cả nhà tá hỏa đưa ông vào bệnh viện mới biết ông bị ngộ độc thuốc, suy hô hấp. Ngay lập tức, bác sĩ cho ông P. thở máy, kiểm tra thấy có dịch dạ dày lợn cợn, nhiều hạt cơm bên trong nên xử lý lấy ra ngoài 
cho ông.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc huyết áp cùng các loại thuốc khác quá liều khiến ông P. bị ngộ độc, tiên lượng nặng, thời gian tới có thể phải lọc máu điều trị.

Còn ông N.V.T. (88 tuổi) cũng không khá hơn. Ông nhập viện trong tình trạng rất nặng, người tím tái, biến chứng tai biến mạch máu não, hôn mê, suy hô hấp. Bác sĩ phải đặt nội khí quản, hồi sức tim, phổi tích cực. Qua kết quả X-quang, CT Scan nhận thấy ông T. bị viêm phổi hít sặc, phổi tổn thương nặng, nội soi có dịch lợn cợn, nhiều dị vật to khoảng 2cm gây tắc nghẽn đường thở. Mặc dù bác sĩ đã nội soi, gắp dị vật ra ngoài nhưng do ông được đưa đến bệnh viện quá trễ nên bị biến chứng đột quỵ não, tiên lượng rất nặng.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, không chỉ với trẻ em, hóc dị vật, hít sặc còn xảy ra đối với bất kỳ ai, đặc biệt là người cao tuổi, người bị rối loạn nuốt, tai biến gây giảm chức năng vận động. Hít sặc là một tình huống khẩn cấp, do dị vật rơi vào đường thở, gây tắc nghẽn hô hấp. Nhiều trường hợp, nếu người bị sặc không được cấp cứu kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi hít sặc, tai biến mạch máu não, suy hô hấp… nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.

Nên kiên nhẫn, tập ăn cho người cao tuổi

Bác sĩ Ngọc Ánh cho biết: “Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị hít sặc. Điển hình chỉ trong một tháng, khoa có đến 4 bệnh nhân gồm 3 nam, 1 nữ đều trên 80 tuổi. Trong đó, có đến 3 người bị di chứng tai biến mạch máu não do hít sặc. Hầu hết bệnh nhân đều có chung tình trạng suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở máy, nội soi xử lý, phổi không chỉ có thức ăn, mà còn nhận thấy dịch dạ dày lợn cợn. Phần lớn người cao tuổi thường hít sặc sữa, cháo, cơm… thậm chí có cả chả và trứng. 

Với người được phát hiện sớm, đưa vào bệnh viện kịp thời có thể cứu kịp, nhưng do bệnh nhân đã lớn tuổi nên gặp nhiều biến chứng phải điều trị kéo dài, tốn kém. Bên cạnh đó, có trường hợp bệnh nhân được phát hiện trễ, sử dụng nhiều loại thuốc trước đó gây tổn hại phổi, gan, thận rất lớn, phải xin về”.

Bác sĩ Ngọc Ánh nói thêm, có khoảng 10-15% người mắc viêm phổi là do hít sặc. Hít sặc gây viêm phổi cũng là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân mắc rối loạn nuốt, khó nuốt hay những bệnh nhân nặng, biến chứng được chăm sóc tại nhà, thậm chí tại bệnh viện. Ở người lớn tuổi, nguy cơ viêm phổi do hít sặc nhiều hơn so với những lứa tuổi khác, nhất là với người từng đột quỵ não, đột quỵ cấp, tai biến mạch máu não... 

Triệu chứng của hít sặc là ho, khò khè, khó thở… Các triệu chứng này dễ bị lầm tưởng với các bệnh khác ở người cao tuổi nên thường bị bỏ qua do ít ai nghĩ đến nếu như người mắc phải không bị triệu chứng tức thì và trở nặng như ngất lịm, ho sặc sụa, thở hơi lên, thậm chí tím tái, tử vong.

Để hạn chế, đề phòng nguy cơ hít sặc, hay quan sát kỹ, nếu một người thường xuyên bị chảy nước bọt, nhiều đàm không rõ nguyên nhân, thức ăn, nước uống thường rơi ra ngoài trong khi ăn, khó khăn lúc nhai, cắn, ho từng cơn, sặc khi nuốt hay đang nhai, thay đổi giọng nói và tốc độ nói sau bữa ăn… có thể người này đang gặp phải rối loạn nuốt, cần được đến bệnh viện kiểm tra, điều trị.

Trong lúc ăn, người bệnh bỗng nhiên ho sặc sụa, thở hổn hển, rồi qua cơn, sau đó bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, khi thở có tiếng rít như gió thì rất có thể đã bị dị vật đường thở hoặc viêm phổi hít sặc.

Bác sĩ Ánh khuyến cáo, khi chăm sóc người sau bệnh, nhất là người cao tuổi, người thân nên cho bệnh nhân ăn thức ăn mềm, tránh thức ăn xơ dính, xay nhỏ lợn cợn. Đến bữa ăn, đặc biệt lưu ý thái độ, cử chỉ của người bệnh. Bệnh nhân phải tỉnh táo, tư thế ngồi hoặc có thể tựa lưng nghiêng về phía sau, hạn chế cho người bệnh nằm ăn. 

Trong lúc cho người già ăn uống, người nhà nên cho các cụ ngồi hoặc ở tư thế nửa ngồi, kiên nhẫn, giúp các cụ ăn thật chậm. Trong khi ăn, người nhà có thể hỗ trợ mở miệng cho cụ, nhắc nhở nhai khi thấy cha, mẹ mình ngậm thức ăn lâu. Sau khi ăn, tập cho các cụ thói quen đứng lên, đi lại quãng đường ngắn, rồi mới giúp họ vệ sinh răng miệng.

Trường hợp đang ăn, nếu đột ngột các cụ bị ho, nôn ói hoặc có hiện tượng ráng nuốt, khó thở, hay nắm chặt tay, gồng nuốt… lập tức cho các cụ ngưng lại ngay. Kiểm tra xem cha, mẹ của mình có các triệu chứng của hít sặc không, nếu cần có thể hỏi để tìm ra nguyên nhân và mau chóng đưa người thân đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tránh để lâu sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. 

Điều trị và phòng ngừa viêm phổi do rối loạn nuốt

Điều trị viêm phổi do rối loạn nuốt trước hết là điều trị các viêm nhiễm ở phổi như dùng kháng sinh, thuốc long đờm, chống viêm, bồi phụ đầy đủ nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và đảm bảo một chế độ dinh dưỡng tốt. Tiếp theo là khắc phục tình trạng sặc do rối loạn nuốt như tìm dạng thức ăn thích hợp, chẳng hạn bệnh nhân khó nuốt thức ăn cứng thì chuyển chế độ thức ăn mềm hơn, bệnh nhân hay sặc chất lỏng thì chuyển chế độ ăn đặc...

Điều trị phục hồi chức năng nuốt bằng “liệu pháp nuốt” gồm ba phương pháp: hỗ trợ bù khi nuốt, luyện tập tăng cường chức năng các cơ nhai - nuốt và luyện tập khi đang trong quá trình nuốt. Liệu pháp này nhằm làm giảm khả năng sặc thức ăn vào phổi và tránh ứ đọng thức ăn trong miệng. Phẫu thuật cắt cơ nhẫn - hầu để làm thông thoáng đường thức ăn xuống thực quản cũng có thể được áp dụng…

Người bị rối loạn nuốt cũng nên chú ý: nghỉ ngơi trước khi ăn 30 phút; ngồi khi ăn; ăn miếng nhỏ, thức ăn mềm thích hợp; không nói chuyện, xem ti vi, đọc báo... làm mất tập trung khi đang ăn. Tránh dùng thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định. Làm rỗng dạ dày bằng các thuốc như erythromycin, motilium... Vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh hít phải gây viêm phổi và nếu bệnh nhân bị sặc phải biết cách cấp cứu như một hội chứng dị vật thâm nhập đường thở.

 BS Vũ Đức Anh

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI