Cẩn thận với “đặc sản” thịt chuột: Món ngon lạ miệng nhưng chết người như chơi!

26/10/2016 - 06:30

PNO - Thịt chuột là đặc sản của nhiều địa phương, nhưng việc chế biến không đảm bảo có thể mang theo bệnh dịch.

Rùng mình với đặc sản thịt chuột bẩn

Từ lâu nay, thịt chuột được xem là đặc sản không chỉ của nhiều địa phương nước ta mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Người dân sử dụng những cách dân dã để chế biến chuột như nướng, chiên giòn...

Một số địa phương lại có phương pháp chế biến chuột thành “đặc sản” như chuột giả cầy, chuột xào chua ngọt, chuột rán, chuột sốt cà chua, chuột nhúng giấm… Mâm cỗ của một số địa phương như Từ Sơn (Bắc Ninh), Thạch Thất (Hà Nội)… không thể thiếu món thịt chuột. Tuy nhiên, món ăn này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nếu không được chế biến đảm bảo.

Can than voi “dac san” thit chuot: Mon ngon la mieng nhung chet nguoi nhu choi!
Chuột được chế biến thành "đặc sản"

Mới đây, trên báo điện tử VTV đã ghi lại quy trình chế biến thịt chuột, nhiều người đã hoảng hốt khi chứng kiến “công nghệ” chế biến thịt chuột. Được biết sau khi sơ chế, những con chuột này sẽ được bày bán tại các chợ, thậm chí ngay ngoài lề đường rất mất vệ sinh.

Vô tư ăn thịt chuột

Bỏ qua các căn bệnh từ chuột như dịch hạch, hanta,… người dân một số nơi trên địa bàn Hà Nội vẫn vô tư ăn thịt chuột.

Đóng vai là người mua hàng, PV báo Phụ nữ TP.HCM có liên hệ với chị Hoàng Thị M. (Thạch Thất, Hà Nội), chuyên cung cấp thịt chuột đồng thì được chị M. cho biết: “Nhà tôi mấy năm nay đều bắt và làm thịt chuột, gia đình tôi cũng ăn thường xuyên nên cứ yên tâm, đảm bảo chất lượng tuyệt đối. Nhiều người ở xa cũng tìm đến mua ầm ầm nhất là vào dịp cuối tuần, có khi còn không có hàng để bán, mà toàn là chuột đồng thơm và ngon lắm”.

Can than voi “dac san” thit chuot: Mon ngon la mieng nhung chet nguoi nhu choi!
Nhiều người vẫn vô tư ăn thịt chuột

Anh Nguyễn Văn Đức (39 tuổi, Phan Bá Vành, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi thấy thịt chuột cũng khá ngon, chứ độc hại hay không cũng chẳng biết, trước kia ông cha khi nghèo đói cũng ăn đầy ra đó có sao đâu. Hiện nay, nhiều nhà hàng còn lấy món thịt chuột là món đặc sản bán khá đắt”.

Chị Trần Thị Diễn Hoa (Cầu Diễn, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Trước kia mình cũng có ăn thịt chuột, thấy nhiều vùng quê họ bán nhiều, thậm chí còn nhập lên trên thành phố để cung cấp cho các nhà hàng. Nhưng ăn cũng thấy sợ, vì chuột thường sống ở những nơi mất vệ sinh, trên người mang nhiều bệnh, đặc biệt nếu chế biến không cẩn thận thì có mà rước cả tá bệnh vào người”.

Can than voi “dac san” thit chuot: Mon ngon la mieng nhung chet nguoi nhu choi!
Thậm chí nhiều nhà hàng còn đưa thịt chuột vào dach sách đặc sản

Đa số những người đam mê món đặc sản chuột đồng đều tin rằng chuột đồng chỉ ăn lúa, không gây nguy hiểm. Điều tệ hại là trong số họ chẳng ai là người “tài thánh” để giám sát được mỗi con chuột đã ăn những gì và tệ hại hơn, họ không phải lúc nào cũng phân biệt chính xác đâu là thịt chuột đồng, đâu là thịt của những con chuột sống nơi bãi rác, cống ngầm!.

“Đặc sản” thịt chuột - món ngon lạ miệng nhưng chết người như chơi!

Trong con chuột, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác của chúng chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm như dịch hạch, phó thương hàn, viêm cầu khuẩn, lao... Trong đó, nguy hiểm nhất là virus dịch hạch.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi, đờm loãng, bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn thịt chuột có thể bị nhiễm dịch hạch. Tuy nhiên nếu chuột mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, người làm thịt có thể bị lây nhiễm qua vết thương trên da trong quá trình tiếp xúc, làm thịt chuột. Do đó, chúng ta không nên chủ quan, xem thường.

Ngoài ra, môi trường sinh sống của chuột thời gian gần đây cũng bị ô nhiễm nặng. Những con chuột có thể bị đánh bả , nhiễm hoá chất. Do chuột đồng thường sinh sống và kiếm ăn tại những cánh đồng lúa, hoa màu nên loại chuột này còn có nguy cơ cao nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chất độc sẽ tích tụ dần trong cơ thể của những người sử dụng, làm gia tăng khả năng mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh về gan, thận, ung thư.

Hiện nay, chuột đồng càng trở nên khan hiếm do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên không ít người vì lợi nhuận đã trà trộn chuột cống loại nhỏ vào những thau chuột đồng làm sẵn rồi đem bán. Bản thân những con chuột cống thường sống ở nơi mất vệ sinh và chứa nhiều mầm bệnh hơn chuột đồng. Nếu người tiêu dùng mua nhầm chuột cống để chế biến thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn”.

Can than voi “dac san” thit chuot: Mon ngon la mieng nhung chet nguoi nhu choi!

Th.s Nguyễn Hồng Hà (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TW) cũng cho biết, vi rút có hại cho sức khỏe có thể lây từ chuột cống sang chuột đồng và ngược lại. Chuột vốn là loài trung gian truyền bệnh, con người không chỉ mắc bệnh khi bị chuột cắn mà ngay cả khi tiếp xúc với phân, nước tiểu của chúng cũng có thể lây bệnh.

Đặc biệt, khi chế biến, với những con chuột thui cả con, thì nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhất là bệnh xoắn khuẩn; khi giết mổ, tay chân tiếp xúc với ruột gan và nước tiểu của chuột cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nếu ăn phải chuột bị dính bả hay thuốc chuột thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính.

Trước đây, báo chí đã thông tin rằng có bệnh nhân bị nhiễm vi-rút Hanta từ chuột gây suy thận, suy gan. Các trường hợp này chủ yếu do bị chuột cắn. Một thử nghiệm của viện Pasteur TP.HCM bắt khoảng 30 con chuột thì có tới 3 con nhiễm vi - rút Hanta gây suy thận cấp.

 Mai Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI