Cẩn thận với COVID-19 khi trẻ tựu trường

22/08/2022 - 06:33

PNO - Hôm nay (22/8), học sinh các cấp tại TPHCM sẽ tựu trường, cuối tháng 8 sẽ đến học sinh mầm non. Sau đó, các bậc học sẽ đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9. Từ đây cũng dấy lên nỗi lo khi trẻ mắc COVID-19 đang tăng, trong khi nhiều phụ huynh vẫn còn chần chừ chưa cho con đi tiêm chủng.

Số trẻ dương tính với SARS-CoV-2 đang tăng 

Những ngày qua, thay vì phải chuẩn bị cho đứa con lớn đến trường, chị Vũ Thị Thanh Hoa (ở quận 12, TPHCM) phải cùng con trai nhỏ (18 tháng tuổi) cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM do mắc COVID-19. Ngồi ở phòng bệnh, chị Hoa bồn chồn lo lắng mỗi khi con trai nóng sốt. Trước đó, chị và con trai bị đau họng, sốt. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, cả hai mẹ con đều dương tính nên cách ly, theo dõi tại nhà. Vài ngày sau, em bé cứ sốt tăng dần rồi co giật nên hai mẹ con cùng nhập viện.

Hai mẹ con  một bệnh nhi trong khu vực cách ly  điều trị COVID-19  ở Bệnh viện  Nhi Đồng 2 TP.HCM ảnh: P.A.
Hai mẹ con một bệnh nhi trong khu vực cách ly điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - Ảnh: P.A

Đến nay, tuy các cơn co giật đã dứt, nhưng bé vẫn còn sốt nhẹ. Để đảm bảo sức khỏe cho bé, bác sĩ khuyên chị Hoa đừng nôn nóng, nên ở lại bệnh viện để bé được điều trị kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường. Chị Hoa nói: “Tôi đã tiêm bốn mũi vắc xin ngừa COVID-19, và đây là lần thứ hai mắc bệnh. Đợt này, tôi không mệt mỏi, chỉ giống như bệnh cảm. Tuy nhiên, tôi hơi lo lắng về hậu COVID-19. Bé lớn nhà tôi đã tiêm được hai mũi vắc xin, bé không bị lây bệnh. Tuy nhiên, sắp tới bé đi học, cả nhà cũng không yên tâm. Tôi vẫn biết tiêm đủ liều vắc xin rất cần thiết để ngừa bệnh và giảm được triệu chứng nặng, nhưng tôi vẫn chưa cho bé tiêm mũi 3 vì lo ngại tác dụng phụ”.

Theo bác sĩ Võ Thành Luân - Phó khoa Hồi sức COVID-19 - Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - gần đây, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho khoảng 30 bé mắc COVID-19 tiến triển. Khoảng hai tháng nay, số trẻ dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện tại khoa khám bệnh đang tăng lên. Số trẻ bị COVID-19 cần phải nhập viện theo dõi cũng tăng với 5-8 ca/ngày. 

Đa số trẻ F0 tại đây bị viêm đường hô hấp trên, có bệnh nền, phát hiện từ khoa khám bệnh và những khoa khác chuyển đến. Số ít ca bị viêm phổi nhưng chỉ ở mức thở ô-xy, không có trẻ thở máy, chạy ECMO. Những trẻ không hoặc triệu chứng nhẹ, bệnh viện sẽ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe của trẻ đồng thời thông báo với y tế địa phương để quản lý bệnh.

1/5 trẻ nhập viện chưa tiêm vắc xin  

Bác sĩ Luân cho biết: “Cứ 5 trẻ nhập viện vì COVID-19 thì có 1 trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng ngừa. Hầu hết các bà mẹ lo lắng về tính an toàn của trẻ sau tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, sắp tới ngày tựu trường, không chỉ riêng COVID-19, trẻ còn đối mặt với sốt xuất huyết, tay chân miệng nên ngành y tế dự báo các bệnh này sẽ tăng khi trẻ đến trường. Nếu như trẻ vừa mắc COVID-19 vừa mắc sốt xuất huyết hay tay chân miệng thì diễn tiến bệnh sẽ phức tạp hơn. Vì vậy, cha mẹ đừng chần chừ trong việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ”.

Theo bác sĩ Luân, COVID-19 cũng giống như các bệnh cúm khác, chắc chắn không thể xử lý triệt để được, mà chúng ta phải thích ứng linh hoạt, sống chung lâu dài với dịch. “Khi đại dịch xảy ra ào ạt, nhờ có vắc xin ngừa COVID-19 mà dịch bệnh được kiểm soát. Số lượng trẻ, nhất là trẻ 10 tuổi mắc COVID-19 trở nặng rất nhiều, có trẻ rơi vào nguy hiểm phải điều trị suốt thời gian dài. Khi được tiêm vắc xin, gần như không có trẻ nào trên 10 tuổi diễn tiến phức tạp. Đây là hiệu quả rất rõ rệt của vắc xin ngừa COVID-19. Do đó, cha mẹ phải tranh thủ đưa con đến các địa điểm tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Tiêm vắc xin rất cần thiết để chuẩn bị cho trẻ đến trường”, bác sĩ Luân nói.

Khẩn trương cho trẻ đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 

Sau hai tuần phát động tiêm chủng, trong tháng 8, toàn thành phố có hơn 165.000 trẻ tiêm vắc xin. Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: “Thành phố chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em. Trong đó, tập trung tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Phòng, chống COVID-19 hiện nay vẫn là tiêm ngừa, nhất là các đối tượng nguy cơ và mong phụ huynh có sự đồng thuận, đưa các cháu đi tiêm để kịp mùa tựu trường sắp tới”.

Đến nay, nhà trường có gửi tin nhắn thông báo lịch tiêm và các điểm tiêm cho trẻ đạt 90,2%. Số phụ huynh có nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường về nhắc trẻ đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt 91,8%.

Hiện nay, nhiều phụ huynh vì sợ tác dụng phụ của thuốc, hoặc chủ quan cho rằng con mình đã tiêm ngừa 1 - 2 mũi rồi, cũng đã trở thành “cựu F0” nên không cần phải tiêm ngừa thêm. Bác sĩ Luân chỉ rõ cũng như các loại cúm khác, chúng ta thấy rằng kháng thể tạo được sau khi tiêm vắc xin, hay sau khi khỏi bệnh là kháng thể không bền vững.

“Với COVID-19, sau khoảng sáu tháng, kháng thể trong cơ thể giảm đi rất thấp, vì vậy sau khoảng thời gian này trẻ có thể tái nhiễm nhiều lần. Sự tái nhiễm này cũng sẽ lây lan cho nhiều trẻ khác, như vậy việc tiêm vắc xin định kỳ rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho bé cũng như tạo ra được miễn dịch cộng đồng bảo vệ những trẻ khác. Chính vì sự quan trọng này, TPHCM cũng đã đẩy mạnh việc tiêm chủng để trẻ đi học thuận lợi và bảo đảm sức khỏe”, bác sĩ Luân nhấn mạnh.

Ngoài tiêm vắc xin cho trẻ, trong quá trình đi học, nên cho trẻ đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân khi đến trường. Trường hợp phát hiện trẻ dương tính với SARS-CoV-2, phụ huynh cần báo ngay cho nhà trường, trạm y tế địa phương để được hướng vẫn cách chăm sóc cũng như cách ly theo dõi trẻ. 

Vắc xin đảm bảo chất lượng và an toàn 

Nhận được tin nhắn từ y tế địa phương vận động đưa con đi tiêm ngừa, chị Trần Thị Thu Hồng (ở quận Tân Phú) nửa muốn cho con tiêm, nửa lại chần chừ. Theo chị Hồng, con gái chị 13 tuổi, đã tiêm 1 mũi vắc xin, đã mắc và khỏi COVID-19 cách đây chín tháng. Nhà trường nhiều lần thuyết phục chị nên đồng ý cho bé tiêm mũi 2 để được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, khi chị biết vắc xin ngừa bệnh mới được gia hạn, chị rất ái ngại. “Đợt trước, bé tiêm vắc xin xong thì sốt và nôn ói khá nhiều. Tôi có hỏi chồng về tiêm mũi 2 cho con, nhưng chồng tôi không muốn, bởi lần này ngành y tế gia hạn ngày sử dụng của vắc xin, nếu vậy liệu vắc xin có được đảm bảo không và có bị phản ứng, tác dụng phụ hay không”, chị Hồng băn khoăn.

Gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã khảo sát nhanh ý kiến phụ huynh về các lo ngại tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi. Kết quả cho thấy còn hơn 30% cha mẹ và người bảo hộ chưa đồng ý cho con, em tiêm vắc xin. “Đa số ý kiến e ngại về tác dụng phụ cũng như vắc xin ngừa COVID-19 hết hạn”, đại diện trung tâm cho biết. Khi được hỏi lý do, phụ huynh cho biết trẻ đang mắc các bệnh cấp tính, trẻ đang nghỉ hè nên không có mặt tại TP.HCM, trẻ đã mắc COVID-19, và vẫn còn phụ huynh lo ngại vắc xin gia hạn và sợ trẻ bị tác dụng phụ từ vắc xin. 

Về vấn đề này, Sở Y tế TPHCM thông tin, những phản ứng phụ khi tiêm vắc xin COVID-19 hoàn toàn có thể xảy ra, hầu hết là triệu chứng nhẹ, điều quan trọng là ngành y tế cùng với nhà trường luôn chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng phát hiện, xử trí kịp thời. Cho đến nay, qua hàng trăm ngàn lượt tiêm trên địa bàn thành phố, tất cả đều được đảm bảo an toàn khi tiêm. 

Sở cũng khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 không có hạn sử dụng cố định. Do vắc xin được sử dụng khẩn cấp nên nhà sản xuất sẽ lựa chọn hạn dùng mà trong khoảng thời gian nghiên cứu đó họ có dữ liệu chứng minh vắc xin vẫn giữ được tính ổn định trong điều kiện bảo quản đúng theo hướng dẫn. Khi có thêm thời gian và dữ liệu về tính ổn định của vắc xin, nhà sản xuất sẽ trình các cấp có thẩm quyền để được phép gia hạn sử dụng. Điều này sẽ giúp tránh việc phải tiêu hủy vắc xin trong khi chất lượng vẫn được duy trì. Những lô vắc xin khi được phép gia hạn sử dụng đã được thẩm định vẫn đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới.

Vì vậy, phụ huynh hãy an tâm về chất lượng của vắc-xin, về sự an toàn cho trẻ khi tiêm chủng vì đây là những tiêu chí bắt buộc, ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm của ngành y tế.

Phạm An
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI