Cẩn thận với chấn thương đầu ở trẻ

14/07/2016 - 14:58

PNO - Chấn thương đầu là một mối quan tâm lớn tại Mỹ vì chi phí chăm sóc y tế gián tiếp và trực tiếp lên đến một tỷ USD mỗi năm.

Tệ hơn, chấn thương đầu còn gây ra những vấn đề sức khỏe dài hạn, đặc biệt là ở trẻ em, làm sa sút khả năng học tập, đau đầu và rối loạn hành vi.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, chỉ có 80% số ca chấn thương đầu tại Mỹ được điều trị bởi một bác sĩ nhi khoa hoặc cơ sở y tế chuyên ngành. Điều này có nghĩa là hàng chục ngàn trẻ, và có thể nhiều hơn, đã không nhận được sự điều trị phù hợp. Ước tính tại Mỹ, có khoảng 1,9 triệu chấn thương xảy ra ở trẻ em mỗi năm, lớn hơn nhiều so với báo cáo từ các khoa cấp cứu (hồ sơ bệnh án chỉ ghi nhận khoảng từ 115.000 đến 167.000 ca); gần một nửa xảy ra khi trẻ chơi thể thao.

Chữa trị và phòng tránh

Trong vài năm qua, nhận thức cộng đồng về những ảnh hưởng lâu dài của chấn thương đầu đã được cải thiện, đặc biệt là khi chơi các môn thể thao chuyên nghiệp. Trẻ em, phụ huynh và các huấn luyện viên dần nắm rõ những dấu hiệu của chấn động và nhận biết nguyên nhân.

Quan trọng nhất là quá trình điều trị vì trong một số trường hợp, tác động từ chấn thương không được chữa trị có thể tồn tại nhiều năm, làm trục trặc hoạt động não, bao gồm sự thiếu tập trung, học tập kém, đau đầu, chóng mặt và cảm giác mất tự chủ. Ngoài ra, nguy cơ về các vấn đề dài hạn sẽ càng tăng nếu đứa trẻ tiếp tục bị chấn thương lần hai; thời gian hồi phục cũng kéo dài hơn. Vì vậy, huấn luyện viên luôn tránh việc cho một đứa trẻ quay lại sân đấu hoặc tiếp tục chơi nếu đã xảy ra chấn thương đầu.

Can than voi chan thuong dau o tre
Ảnh mang tính minh họa

Nguyên nhân

Chấn thương đầu là một loại chấn thương sọ não (TBI) xảy ra khi có lực tác động mạnh vào đầu, khiến não bộ và hộp sọ xô đẩy, phá vỡ chức năng bình thường. Ngoài ra, chấn động cũng có thể là kết quả của một lực đánh mạnh vào cơ thể, vô tình ảnh hưởng đến đầu. Dù bóng bầu dục là môn thể thao có tỷ lệ tai nạn chấn thương đầu nhiều nhất (chiếm gần 2/3 tất cả các chấn thương đầu liên quan đến thể thao ở trẻ em), nhưng các nghiên cứu còn ghi nhận chấn động dễ xảy ra sau khi té ngã, hoặc từ một cuộc tấn công, chẳng hạn như khi trẻ đánh nhau (chiếm khoảng 1/2 số ca chấn thương đầu ở trẻ em dưới 18 tuổi). Khoảng 0,7% dân số Mỹ được cấp cứu mỗi năm vì chấn thương đầu (trong đó bao gồm chấn động, chấn thương sọ não và các chấn thương nhỏ); khoảng 15% số ca cần nhập viện, gần 1/4 trong đó là trẻ từ 11 tuổi trở xuống.

Dấu hiện nhận biết

Khoảng 90% số chấn động chỉ là thoáng qua, có thể tự hồi phục trong vòng bảy ngày. Tuy nhiên, ở một số ít bệnh nhân có triệu chứng kéo dài đến vài tháng sau chấn thương, gọi là “hội chứng hậu chấn động”. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ đã phát triển một chương trình hữu ích cho trẻ em, phụ huynh và các huấn luyện viên gọi là “Heads-Up”, cung cấp một danh sách các dấu hiệu cần theo dõi trong trường hợp một đứa trẻ bị chấn thương đầu; kèm theo là mô tả từ chính các bé, vì việc chẩn đoán phụ thuộc phần lớn vào các triệu chứng tự báo cáo.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, cha mẹ nên gọi cứu thương, hay đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu trẻ có một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu:

- Một tròng mắt lớn hơn bên còn lại.

- Buồn ngủ triền miên hoặc không có khả năng thức dậy.

- Cơn đau đầu ngày càng trở nên tồi tệ và không có dấu hiệu thuyên giảm.

- Nói lắp, yếu, tê hoặc giảm khả năng phối hợp vận động.

- Nôn hoặc buồn nôn nhiều lần; co giật, hoặc lên cơn động kinh.

- Hành vi bất thường, tăng sự nhầm lẫn, bồn chồn hoặc bối rối.

- Mất ý thức (ngất xỉu, bất tỉnh).

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, trẻ em trở lại trường học sau một chấn động có thể cần nghỉ giải lao giữa tiết nhiều hơn, dành ít thời gian ở trường, cần thêm thời gian để hoàn thành bài kiểm tra hoặc làm bài tập đầy đủ, cũng như cần sự giúp đỡ trong việc học, giảm thời gian đọc, viết hoặc ngồi trước máy tính.

Ngọc Hạ (Theo DailyMail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI