Cần thần tốc hơn nữa trong cuộc đua với COVID-19

30/06/2021 - 06:37

PNO - Tại cuộc họp báo chiều 28/6 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận định, biến chủng Delta đợt dịch lần thứ tư có nhiều đặc tính khác những đợt trước, mức độ lây lan nhanh nên công tác chống dịch của thành phố với quy mô lớn đã gặp nhiều khó khăn…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM), nhận định, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua tại TPHCM có lúc vượt quá khả năng của lực lượng chuyên môn, như trong việc khoanh vùng truy vết, chọn làm xét nghiệm PCR gộp chưa đáp ứng kịp thời gian, chưa phân định rõ tình trạng của từng F0, F1, F2… khiến các biện pháp đưa ra chậm hơn mong muốn.

Đừng “chê” xét nghiệm nhanh

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nếu chiến lược xét nghiệm không đúng thì việc khoanh vùng sẽ kém hiệu quả. “Khi vây một khu vực cần phong tỏa, chúng ta chưa phân định được nhóm nào cần kết quả xét nghiệm nhanh, nhóm nào chưa. Với nhóm cần kết quả nhanh, phải test nhanh, nhóm chưa cần thì cứ cho “án binh bất động” và áp dụng xét nghiệm PCR gộp. Như vậy mới kịp với vi-rút. Như cách đây một tháng, chúng ta nên triển khai ngay test nhanh ở những vùng nguy cơ. Vì test nhanh có nhiều lợi thế, có thể giao cho những cơ sở nhỏ như bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân làm vì họ gần dân cư hơn. Hiện nay, những chỗ chưa phong tỏa lại dựa vô những bệnh viện lớn để làm xét nghiệm tầm soát thì sẽ trễ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích.

Theo ông, để giải quyết câu chuyện trên, cần phải áp dụng việc xét nghiệm nhanh dễ dàng hơn cho người dân để phát hiện sớm ca nhiễm. Bởi vì về mặt khoa học, khi F1 âm tính thì không bàn đến F2 nữa. “Chúng ta vẫn buộc F1 phải cho kết quả hai lần âm tính thì F2 mới được giải phóng. Chiến lược này chỉ đúng nếu F0 xuất hiện trong cộng đồng mà mình không biết rõ từ khi nào.

“Tôi lấy ví dụ, một F0 xuất hiện ở siêu thị chỉ vài giờ thì nếu F1 âm tính, không cần phải quản lý F2 ở đó làm gì nữa. Nếu F0 đó xuất hiện trong khu dân cư và bị phát hiện rất muộn thì lúc đó mới bàn chuyện tiếp tục theo dõi F2 nếu F1 âm tính. Việc chúng ta áp dụng luôn cả hai tình huống F0 như nhau sẽ mất rất nhiều sức, mất nhiều nhân lực cho việc xét nghiệm đi, xét nghiệm lại, quản lý người F2 tại nhà vô lý. Như vậy, ngay khi biết được F0, F1 thì phải phân tích rất kỹ để phân loại, xử lý một cách hợp lý chứ không phải cứ dồn tất cả vô”, bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích thêm.

Đừng quá lo lắng về các trường hợp “âm chuyển thành dương” (kết quả xét nghiệm âm tính nhưng sau đó xét nghiệm lại dương tính) mà phải hiểu rằng tỷ lệ đó rất thấp trong các xét nghiệm nhanh. Và nó cũng chỉ có hai khả năng xảy ra tình huống đó thôi: một là người đó bắt đầu bệnh, hai là sắp hết bệnh. Cho nên, với người bắt đầu bệnh, nếu đang ở trong khu cách ly thì xét nghiệm lại bằng PCR, nếu ở ngoài thì mình theo dõi sát và tuân thủ 5K.

Trường hợp sắp hết bệnh thì không bàn. Số còn lại đang trong giai đoạn bệnh hoặc “người lành mang trùng” có mức độ lây lan nhiều thì có thể dùng test nhanh được hết. Nguyên tắc test nhanh rất đơn giản. Nếu nồng độ vi-rút trong miệng cao thì test nhanh sẽ ra kết quả ngay. Nếu nồng độ vi-rút trong miệng thấp, chưa lây được thì có thể test nhanh cho kết quả âm tính nhưng test PCR dương tính. “Phải hiểu nguyên tắc đầy đủ như vậy mà ứng dụng chứ chỉ lấy duy nhất một câu “test nhanh âm thì vẫn có thể dương” để từ đó không dùng phương pháp này là phí”, bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích.

Theo ông, trong khi test nhanh trả kết quả trong 15-30 phút và ai cũng có thể làm được thì test PCR cần có phương tiện vận chuyển, mang đi mang về, làm nhiều công đoạn. Nguồn máy PCR ở TPHCM không thể thiết lập nhanh được và phải mất ít nhất 2 giờ mới cho kết quả, nhưng thường mất 4 giờ trong điều kiện ít mẫu, nhiều như hiện nay thì còn chậm nữa.

Thực hiện giãn cách phải nghiêm ngặt hơn

Về việc TPHCM có thể áp dụng việc cách ly tại chỗ đối với F0 như tỉnh Bắc Giang được không, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng không thể thực hiện, bởi TPHCM rất khác so với Bắc Giang đất rộng người thưa. Ở thành phố, vẫn nên cách ly tập trung F0. Vấn đề quan trọng là phải phân định ra nhóm F0 không triệu chứng, nhóm có triệu chứng, nhóm không triệu chứng nhưng có bệnh lý nền để có chế độ theo dõi khác nhau chứ không thể làm bệnh án cho tất cả như hiện tại.

Tương tự, trong vấn đề điều trị, chúng ta phải điều chỉnh nhân lực y tế bằng cách phân chia bệnh nhân ít nguy cơ, ai không triệu chứng, ai có nguy cơ chưa triệu chứng, ai có khả năng nặng để phân phối nguồn lực hợp lý.

Về một số ý kiến rằng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 không cao, đề nghị bỏ giãn cách xã hội, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, đây là ý kiến sai. Bởi vì chỉ có thể nói câu đó khi chúng ta đã bảo vệ được tất cả những người có yếu tố nguy cơ, nghĩa là phải “phủ trắng” vắc-xin xong, mới nói đến chuyện “chung sống” với vi-rút. Tỷ lệ tử vong có thấp tới cỡ nào đi nữa thì việc lây nhiễm cho 1 triệu người trong vòng 2 năm hoàn toàn khác với việc lây nhiễm cho 1 triệu người trong vòng 10 ngày. Khi đó, số người bệnh nặng rất khủng khiếp và hệ thống y tế không giải quyết được. Không thể lấy tỷ lệ tử vong thấp để nói “thôi, không làm gì nữa”. Hoàn toàn sai.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giãn cách xã hội là phải giãn cách thật. Chúng ta phải có người đi kiểm tra việc thực hiện giãn cách tại những khu phố, nhất là quan hệ hàng xóm, láng giềng với nhau, kiểm tra luôn việc thăm hỏi nhau. Hiện chỉ có một số đối tượng kinh doanh nhà hàng, quán ăn, rạp hát, khu vui chơi giải trí… thật sự tuân thủ các chỉ thị giãn cách. Còn ở khu xóm, người trong nhà, bà con họ hàng và tại các nơi làm việc, nhiều người vẫn chưa tuân thủ nên vẫn tìm ẩn nguy cơ cao, nhất là với biến thể Delta, việc ngăn chặn dịch sẽ càng khó khăn.

“Về tình hình xét nghiệm tại TPHCM, nơi nào có nguy cơ xuất hiện nhiều F0 thì phải trả lời kết quả dưới 1 giờ mới biết được tổng số bao nhiêu ca dương tính. Cần làm test nhanh. Các khu ít nguy cơ hơn có thể chờ được test PCR. Những nơi nào không làm được test PCR thì phải cho làm test nhanh cho tới khi nào không còn ổ dịch mới thì mới xét nghiệm vét bằng PCR”.

“Như đã nói, test nhanh có thể giao cho cơ sở tư nhân có nguy cơ cao tự mua, tự làm, phòng khám nào có thể làm được cho dân thì cho phép làm và thông báo cho dân biết dù test nhanh âm tính thì vẫn phải tuân thủ 5K. Quyết liệt như vậy thì mới hy vọng hai tuần nữa không còn ca mắc mới”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý thêm. 

Quốc Ngọc (ghi)

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Vinh (Trường đại học Y Dược TP.HCM): Singapore cũng áp dụng nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội

Tôi nghĩ, TP.HCM nên nghiên cứu cách làm của Singapore. Họ có khá nhiều tương đồng với TP.HCM về diện tích, dân số di dân và cũng vừa trải qua đỉnh dịch lần thứ tư. Từ tháng Năm đến nay, họ có trung bình khoảng 45 ca mắc mới/ngày với tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt 50% dân số. Nghiên cứu gần đây nhất đánh giá, các biện pháp “lockdown” của Singapore (giống như các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam) cần đến sáu tuần, mới đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, ngay sau phong tỏa, Singapore tiếp tục chiến lược GRES (gradual release exit strategy), tức nới lỏng giãn cách từ từ để kiểm soát được số ca. Từ ngày 16/5 đến 13/6, họ giảm bớt giãn cách theo GRES với các điều kiện tương tự Chỉ thị 10 của TP.HCM nhưng có nhiều điều đáng quan tâm hơn. Người dân không tụ tập trên hai người nơi công cộng, mỗi nhà chỉ đón tối đa hai khách đến thăm, taxi, ô tô chỉ chở tối đa hai khách, đóng cửa trường phổ thông, đại học, học sinh chọn lựa học luân phiên 50% ở lớp, 50% online. Điều này cũng áp dụng với công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp.

Từ kinh nghiệm của Singapore, ta rút ra rằng, muốn “sống chung với COVID-19”, cần đạt một số điều kiện: phải có vắc-xin (dự kiến ngày 9/8, họ sẽ tiêm chủng đủ cho 2/3 dân số, đạt mức tương đối của miễn dịch cộng đồng); vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K song song với giảm dần quy định giãn cách và luôn cập nhật ca nhiễm hằng ngày ở các nơi để có biện pháp phù hợp.

Nam Anh (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI