Cẩn thận khi đặt mua bánh Trung thu qua mạng

13/09/2021 - 15:11

PNO - Trung thu đang tới gần nhưng nhiều nhà sản xuất bánh Trung thu cho biết họ không kịp chuẩn bị nguyên liệu, nhân lực để tham gia thị trường. Trong khi nguồn bánh trôi nổi, không đảm bảo chất lượng đang được rao bán qua mạng khá nhiều.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bánh Trung thu (BTT) áp dụng phương thức bán trực tuyến qua website, số điện thoại, ứng dụng (app) mua hàng, sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Nhân viên kinh doanh BTT hiệu Givral cho biết hệ thống cửa hàng chưa mở cửa lại, chỉ nhận đơn đặt hàng qua số điện thoại của công ty hay số hotline ở mỗi cửa hàng, qua website chính thức của công ty. Các đơn hàng từ ba hộp BTT (bốn cái/hộp) trở lên được giao hàng miễn phí; mua ít hơn số lượng này khách phải đặt shipper nhận hàng, trả phí ship. Hiện Givral chỉ nhận đơn hàng BTT, chưa nhận đặt hàng bánh kem, bánh ngọt. Đối tượng khách hàng ở thời điểm này chỉ còn những khách lẻ, không có nhiều khách hàng DN đặt mua số lượng nhiều như mọi năm. 

Hiệu bánh Như Lan đã mở lại các cửa hàng. Một nhân viên cửa hàng Như Lan (Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM) cho biết khách có thể đặt mua qua số điện thoại, các ứng dụng và shipper đến lấy hàng giao tận nơi. Năm nay, hãng này chỉ sản xuất hai cỡ BTT loại 300g và 400g/cái, giá dao động từ 75.000 - 265.000 đồng/bánh. 

Cửa hàng Như Lan (Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM) mở cửa bán, một số khách đến mua bánh Trung thu
Cửa hàng Như Lan (Hàm Nghi, Q.1, TPHCM) mở cửa bán, một số khách đến mua bánh Trung thu

Như Lan và một số thương hiệu BTT truyền thống tại TPHCM mọi năm thường tập trung vào các điểm bán trực tiếp, năm nay cũng đã đẩy mạnh bán qua các sàn thương mại điện tử để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp địa bàn các quận huyện. Người tiêu dùng có thể thông qua các sàn như Shpee, Lazada... để mua các sản phẩm BTT của Kinh Đô, Bảo Ngọc, Đông Phương.... Ngoài ra, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Vinmart+ cũng bán BTT tại toàn bộ hệ thống và nhận đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng. Sản phẩm này của Vinmart cũng được bán qua một số sàn thương mại điện tử. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá các loại BTT tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân theo các DN do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng. Giá BTT Đại Phát dao động từ 108.000 - 1.980.000 đồng/hộp; Mondelez Kinh Đô Việt Nam bán hàng thông qua các sàn TMĐT, ứng dụng giao hàng với gần 80 loại BTT có giá dao động từ 68.000 - 167.000 đồng/bánh loại 230g. Riêng dòng BTT cao cấp có giá từ 500.000 - 4,5 triệu đồng/hộp (4 - 6 cái). Hãng này cũng đã tung ra 25.000 phiếu mua sắm trực tuyến ưu đãi để khuyến khích người tiêu dùng (NTD) đặt mua BTT qua các kênh trực tuyến.

Riêng hãng ABC Bakery năm nay không sản xuất BTT. Ông Kao Siêu Lực - Chủ thương hiệu ABC Bakery - cho biết hệ thống chưa mở cửa trở lại. Mọi năm công ty tung ra thị trường hơn hai triệu cái BTT nhưng năm nay không sản xuất vì thiếu nguồn nguyên liệu như: mứt bí, trứng muối…

“Tôi đã đặt nguyên liệu từ sớm và cũng nhận nhiều đơn hàng từ khách hàng DN đặt mua BTT nhưng nhà cung ứng không cung cấp đủ nguyên liệu nên không sản xuất được”, ông Kao Siêu Lực nói. Theo ông, sức mua BTT năm nay sẽ không cao vì người dân vẫn chưa được ra đường. 
Việc đặt mua BTT qua các ứng dụng, sàn TMĐT buộc NTD phải trả thêm phí giao hàng khá cao nên nhiều người hiện cũng chưa mặn mà đặt mua. Ngay cả giao hàng trong nội quận, khách phải trả phí ít nhất 30.000 đồng/lần. Đây cũng là nguyên nhân các loại BTT handmade (sản xuất thủ công tại nhà) năm nay không được chào bán nhiều.

Tuy nhiên, khi thử tìm mua BTT trên mạng, chúng tôi nhận thấy rất nhiều website rao bán BTT na ná nhau, NTD cần tìm hiểu kỹ, chỉ nên đặt mua trên website chính hãng hoặc chọn mua qua các ứng dụng, sàn TMĐT uy tín, phổ biến để tránh mua phải BTT kém chất lượng, giá đắt. 
Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội vừa phối hợp với Công an TP.Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 11.130 cái BTT sản xuất ở nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm bị thu giữ có bao bì ghi chữ Trung Quốc. Một số địa phương khác cũng liên tục phát hiện nguồn BTT nhập lậu với hình thức tương tự. Các loại bánh này chủ yếu bán qua mạng xã hội, sàn TMĐT…

Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cảnh báo nhiều đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh các loại BTT có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm… NTD nên cẩn trọng chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản…); sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI