PNO - Nhiều người khởi phát viêm tai giữa sau khi mắc COVID-19. Nếu không phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời bệnh viêm tai giữa có thể diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Nửa đêm con khóc thét, đi cấp cứu mới biết bị viêm tai giữa
Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Mỹ Hiền, Phòng khám Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết hiện nay lượng bệnh nhân tới khám các bệnh lý liên quan đến tai thì tới 80% là viêm tai giữa. Trong đợt dịch COVID-19 này, tỷ lệ trẻ khám viêm tai giữa tăng hơn bình thường khoảng 10%. Nhiều bệnh nhi sau khi mắc COVID-19 bỗng bị đau tai, có bé tai chảy dịch, chảy mủ. Những bé lớn thì biết kêu đau, còn các bé nhỏ hơn chưa biết nói thì nửa đêm đang ngủ bỗng quấy khóc. Nhiều trường hợp được phụ huynh đưa đi cấp cứu giữa đêm vì các bé bỗng dưng tỉnh giấc ôm tai khóc thét.
Chị N.N.T., phụ huynh của bé Đ.N.K.A. (bốn tuổi, ngụ P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM), chia sẻ con gái mình mới khỏi COVID-19 khoảng một tuần nay. Hai ngày qua, chị tắm cho con thì thấy tai của bé chảy nước, nhưng nghĩ rằng tai con bị nước vào lúc gội đầu. Khi kiểm tra, chị thấy dịch tai của bé A. có màu vàng kèm mùi hôi. Nghĩ con bị nước vào gây thối tai (theo cách gọi dân gian), chị T. lấy cồn thấm vào tăm bông lau sát khuẩn tai cho con thì bé A. co rúm người lại. Đêm hôm đó đang ngủ, con gái chị bỗng khóc váng lên, ôm tai. Cả nhà phát hoảng, tưởng bị kiến chui vào tai, vội vàng đưa bé đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi bác sĩ soi tai đã không phát hiện côn trùng mà cho biết bệnh nhi bị viêm tai giữa cấp tính, trong tai xung huyết, nhiều dịch. Rất may mắn, dịch tai ứ đọng chưa gây thủng màng nhĩ. Bé A. đã được hút dịch giảm áp lực tai, kèm thuốc điều trị theo đường uống.
Bác sĩ Huỳnh Thị Mỹ Hiền giải thích, không chỉ riêng bệnh nhi mắc COVID-19 mới có nguy cơ bị viêm tai giữa mà khi trẻ bị các bệnh lý viêm hô hấp trên nếu không được điều trị dứt điểm đều có thể dẫn tới viêm tai giữa do tai mũi họng thông nhau, ống vòi nhĩ lại gần tai. Nhất là ống vòi nhĩ của trẻ nằm ngang chưa phát triển hoàn thiện như người lớn nên nguy cơ bị viêm tai giữa sau đợt viêm hô hấp trên của trẻ cũng vì thế mà cao hơn.
Bác sĩ Văn Thị Hải Hà đang khám cho một trường hợp bị viêm tai giữa sau khi mắc COVID-19
Viêm tai giữa - gợi ý bệnh nhân đang mắc COVID-19
Không riêng trẻ em mà viêm tai giữa còn là vấn đề của người lớn trong bối cảnh nhiều ca mắc COVID-19 như hiện nay. Theo thạc sĩ - bác sĩ Văn Thị Hải Hà, Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, viêm tai giữa không chỉ xảy ra sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) mà còn là dấu chứng để gợi ý bệnh nhân có thể đang mắc COVID-19, thường là giai đoạn 3 - 4 ngày kể từ khi mắc COVID-19. Một số bệnh nhân không hề biết mình mắc COVID-19, khi đến khám chỉ với triệu chứng đau tai. Lúc lấy dịch ở tai đi xét nghiệm thì dương tính với vi-rút SARS-CoV-2.
Điều này không hề lạ, trên thế giới cũng có những công bố kết quả tử thiết trên bệnh nhân qua đời vì COVID-19 khi được làm xét nghiệm PCR dịch tai giữa và xương chũm thấy có sự hiện diện của vi-rút SARS-CoV-2. Như vậy, vi-rút gây bệnh COVID-19 xâm nhập làm viêm cấp tính đường hô hấp trên. Từ đó sẽ theo đường thông từ mũi vào làm viêm vòi nhĩ và xâm nhập vào tai giữa. Mắc COVID-19 chẳng những khiến ta có nguy cơ bị viêm tai giữa cấp tính mà còn làm tái phát và thêm trầm trọng với những người đã điều trị viêm tai giữa trước đó. Ngoài ra, vì lý do e ngại dịch bệnh, nhiều trường hợp bị viêm tai giữa không tái khám, điều trị dứt điểm nên đã góp phần đẩy bệnh diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, bác sĩ Văn Thị Hải Hà đã phẫu thuật cho một trường hợp bị viêm tai giữa bị biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân là bà P.T.D., 50 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu. Trước đó, bà D. đã điều trị viêm tai giữa ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không tái khám định kỳ. Bệnh nhân bị tái phát nặng trở lại sau một đợt viêm mũi - họng cấp. Khi tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì tình trạng của bà đã rất nặng nề, biến chứng liệt mặt (dây thần kinh số 7 bị tổn thương), viêm gây hủy xương chũm, dịch mủ tai còn ăn lên gây viêm màng não, cơ thái dương của bệnh nhân cũng bị hủy. Viêm tai giữa tái đi tái lại đã gây thủng màng nhĩ của bệnh nhân. Các biểu bì ở bờ rìa lỗ thủng của màng nhĩ thay vì hướng ra bên ngoài thì lại phát triển ngược vào trong. Chính điều này đã khiến cho ráy tai của người bệnh không tự đẩy ra ngoài mà lại đủn ngược khiến tình trạng ứ dịch, bít tắc thêm trầm trọng.
Với trường hợp này, các bác sĩ phải mổ hở, mở rộng vị trí tổn thương thì mới có thể làm sạch được hết các mô hoại tử. Sau ca mổ, bệnh nhân hết đau đầu, đau tai, được dùng kháng sinh phổ rộng trong hai tuần. Tuy nhiên, với những ca viêm tai giữa bị biến chứng nặng như trên sẽ phải tuân thủ tái khám định kỳ và cần được hướng dẫn theo dõi cũng như chăm sóc đặc biệt.
Các dấu hiệu nhận biết bị viêm tai giữa
Hiện nay, mỗi ngày Phòng khám Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám từ 300 - 400 ca. Trong số các bệnh nhân bị viêm tai giữa tới khám thì 10% bị biến chứng xơ xẹp nhĩ, thanh dịch, thủng màng nhĩ và viêm xương chũm. Bác sĩ Văn Thị Hải Hà cảnh báo các đối tượng dễ bị viêm tai giữa trở nặng gây biến chứng là người già, bệnh nhân đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch. Viêm tai giữa nếu phát hiện sớm chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc nhưng khi chậm trễ sẽ phải chụp MRI tai - sọ - não để đánh giá mức độ tổn thương và can thiệp bằng phẫu thuật. Các dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa là đau tai, ù tai, tai chảy dịch.