Cẩn thận áp xe vùng hàm mặt vì mụn, nhọt

11/05/2022 - 06:29

PNO - Nguyên nhân gây ra các ổ mụn, nhọt thường là do vệ sinh kém, người có hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là trên người có nền bệnh đái tháo đường, viêm da, người mắc bệnh gan thận…

Thời gian gần đây, tôi xuất hiện rất nhiều mụn, nhọt nhỏ ở dưới cằm và hai bên hàm. Tôi đã dùng nhiều loại thuốc bôi, rửa mặt bằng một số loại lá nhưng không hề đỡ mà các nốt này còn có mủ trắng. Tôi có nên nặn mủ ra không và cần làm gì để khắc phục?

Hoàng Thị Hoa (TP.Hà Nội)

Điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trả lời: Thời gian qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp tình trạng mụn ở vùng hàm, cằm nhưng không được điều trị sớm dẫn đến áp xe vùng hàm mặt. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh ra bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông. Những người có vùng da hoại tử, da chết hoặc da tổn thương sẽ giúp vi khuẩn xâm nhập vào dễ dàng hơn, gây ra mụn nhọt lâu dài không được điều trị đúng cách gây ra nhiễm trùng, ổ mụn chứa đầy dịch mủ và mô chết.

Nguyên nhân gây ra các ổ mụn, nhọt này thường là do vệ sinh kém, người có hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là trên người có nền bệnh đái tháo đường, viêm da, người mắc bệnh gan thận… 

Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, chúng ta không được tự ý nặn, hoặc chườm nóng, lạnh sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu. Trong trường hợp nhẹ không có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể đợi vài ngày cho mụn “chín” tự vỡ. Có thể dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch lấy ra ngoài, sau đó rửa lại bằng betadin hoặc cồn IOD, tránh làm xước vùng vừa tháo mủ. Tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn để tránh nhiễm trùng sốc phản vệ.

Để phòng tránh mụn nhọt cần giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa lau dọn thường xuyên, phòng ngủ thoáng mát, chăn gối cần được giặt phơi nắng thường xuyên… Nếu bệnh tiến triển nặng, cần tới cơ sở y tế uy tín để khám, điều trị kịp thời.

H.ANH (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI