Cận Tết: Uốn ván gia tăng, viêm não rình rập

21/01/2014 - 20:14

PNO - PN - Số bệnh nhân uốn ván nhập viện bắt đầu tăng trong những ngày qua. Các bác sĩ (BS) cũng khuyến cáo: gần Tết là thời điểm dễ mắc bệnh não mô cầu nhất. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nhiều trẻ mắc bệnh này có thể tử vong rất...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chủ quan với xóc dằm, đứt tay

Đã mười ngày nhập viện nhưng bệnh nhân N.V.M. (50 tuổi, ngụ tỉnh Kon Tum) vẫn nằm mê man trên giường bệnh. Trước đó, ông M. dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới thì bị xóc dằm vào ngón cái chân trái. Sau khi dùng kim khâu lấy dằm ra vài ngày thì ông thấy vết thương mưng mủ. Hai tuần sau, ông M. có biểu hiện mỏi hàm, nhai đau, nuốt khó, gồng giật. Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bệnh nhân được chẩn đoán là uốn ván. Bệnh nhân M. chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng co giật, sặc đàm liên tục, khó thở.

Ông D.V.T. (63 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) nhập viện ngày 3/1/2014 cũng nhiễm bệnh uốn ván trong lúc sửa nhà đón Tết. Người nhà bệnh nhân kể, trong lúc bưng bê, dọn dẹp, quét vôi, ông T. bị một ly thủy tinh rớt xuống trúng ngón tay thứ tư và thứ năm của bàn tay trái khiến vị trí va chạm bị mưng mủ. Vài ngày sau, ông T. được người nhà đưa thẳng lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vì gồng giật liên tục. Hiện hai bệnh nhân này đang có dấu hiệu hồi phục nhưng theo các BS, bệnh uốn ván diễn tiến phức tạp. Bệnh nhân có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng do nằm lâu, rối loạn thần kinh thực vật gây sốt cao liên tục, mạch và huyết áp lúc cao, lúc thấp dễ gây ra tình trạng ngưng tim đột ngột...

BS Dương Bích Thủy, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, số bệnh nhân bị uốn ván do dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa đón Tết bắt đầu tăng lên. Hiện khoa có đến chín bệnh nhân nằm điều trị, viện phí mỗi ca từ 20 - 100 triệu đồng. Theo BS Thủy, phần lớn bệnh nhân là nam giới và không có bảo hiểm y tế, thường tiếp xúc với các công việc nặng nhọc, dễ chấn thương nhưng lại chủ quan không chích ngừa. Cũng có thể do kinh tế khó khăn nên người bệnh không sớm đến các cơ sở y tế.

Can Tet: Uon van gia tang, viem nao rinh rap

Bệnh nhân uốn ván đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Thận trọng với sốt cao, buồn nôn

TS-BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Bộ môn Nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cảnh báo: Gần Tết cũng là thời điểm dễ xuất hiện bệnh não mô cầu. Đây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn có 13 type, trong đó các type thường gây dịch gồm: A, B, C, W-135, X và Y. Vi khuẩn gây nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống các màng bao quanh não và tủy sống nên thường được gọi là bệnh viêm màng não mủ. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể bị nhiễm trùng máu, gây choáng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Bệnh não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng có chứa vi khuẩn não mô cầu. Nguy hiểm hơn, ngoài người bệnh còn có người lành mang mầm bệnh, chiếm từ 10-20% dân số. Thời gian ủ bệnh từ một-mười ngày với biểu hiện đột ngột sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, sợ ánh sáng, cứng cổ, khó thở. Các dấu hiệu đi kèm thường là: li bì, mê sảng, hôn mê, co giật, phát ban xuất huyết, chân tay lạnh. BS Nghĩa cho biết, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới năm tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, những người sống trong khu tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư, doanh trại...) và người có cơ địa suy giảm miễn dịch.

Chích vắc-xin ngừa bệnh

Theo BS Nghĩa, cách phòng bệnh viêm não hiện nay, bên cạnh việc vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường, nơi làm việc thông thoáng, thì cần chích vắc-xin ngừa bệnh. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có vắc-xin ngừa não mô cầu type A + C.

Đối với bệnh uốn ván, nên tiêm ngừa cho trẻ ba mũi vào lúc hai, ba, bốn tháng tuổi. Đến khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ chích nhắc lại và đến lứa tuổi đi học (khoảng năm-sáu tuổi) chích thêm lần nữa. Hiệu quả của năm mũi vắc-xin này sẽ đảm bảo ngừa bệnh trong năm-mười năm, sau đó cần chích nhắc lại. Cũng theo BS Thủy, với những bệnh nhân khi bị xóc dằm, đạp đinh, xương cá... cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chích ngừa hoặc huyết thanh kháng độc tố để hạn chế nguy cơ bị uốn ván. Mặt khác, hiện nay các bệnh viện có trang bị đầy đủ các loại thuốc, máy thở, máy lọc máu hiện đại... nên nhiều bệnh nhân được cứu sống. Nếu như trước đây, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do uốn ván khoảng 20% thì hiện chỉ còn 2-3%.

 Văn Thanh 

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nặng, do độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Nha bào uốn ván có trong nước, đất, đặc biệt là đất canh tác, bụi, không khí, phân súc vật… Nha bào uốn ván có sức kháng cao với chất tẩy rửa nhà cửa, chất kháng khuẩn, có thể tồn tại vài giờ trong nước sôi, chịu đựng được 15-20 phút trong lò hấp tiệt trùng 120oC.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI