Nhiệt độ xuống thấp kèm theo bụi mù ô nhiễm
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trong ngày tại TPHCM tuần qua thấp nhất là 210C vào sáng sớm và đêm. Nhiệt độ xuống thấp là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp.
Chị T.T.T.X. (ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết đêm qua, con gái 4 tuổi của chị thở rít. Thấy lồng ngực con lồi lõm khi thở, chị X. vội vàng đưa bé đi cấp cứu. Con gái chị X. có tiền sử hen suyễn. Nhiều tháng nay, tình trạng của bé đang ổn định. Tuy nhiên, thời tiết gần đây vào sáng sớm và đêm khuya khá lạnh. Không những vậy, khi đưa con đến trường bằng xe máy, chị X. thấy trong không khí có rất nhiều bụi mù như hơi sương. Có lẽ những yếu tố này đã kích thích, làm con gái chị bị khởi phát cơn suyễn. Nửa đêm, nhà không có sẵn thuốc nên chị chỉ còn cách đưa con đến bệnh viện.
|
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là cách hữu hiệu để phòng ngừa bệnh đường hô hấp - Ảnh minh họa: Internet |
Anh P.B.A. (ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, cả gia đình anh mấy ngày nay, buổi sáng thức dậy đều bị chảy nước mũi và nghẹt mũi. Riêng con trai 8 tuổi của anh còn bị ho và sốt. Bé ho nhiều hơn khi nằm ngủ. Vợ chồng anh A. nghĩ con bị sổ mũi thông thường nên ra tiệm thuốc tây mua si rô ho cho con uống. Thế nhưng, tới ngày thứ tư thì con anh sốt cao 39,50C không hạ, thở rất khó nhọc. Anh A. đưa con tới bệnh viện khám, được bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tiểu phế quản gây bội nhiễm. Con anh phải dùng phối hợp thêm kháng sinh để điều trị. Không chỉ chị X. và anh A. mà bé P.Q.B. (học sinh lớp Năm tại quận 7, TPHCM) cũng bị sổ mũi, ho suốt 10 ngày nay. Bé B. kể rằng lớp bé có 40 bạn thì 10 bạn đang phải nghỉ bệnh bởi bị ho và sốt.
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - lưu ý trong 10 ngày qua, tại đơn vị mình, số bệnh nhi nhập viện liên quan đến bệnh đường hô hấp tăng so với các thời điểm khác trong năm. Trong số đó, có 1 trường hợp nặng nhất mới 7 tháng tuổi, ngụ tại TPHCM. Bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản nhưng gia đình không phát hiện sớm. Hiện nay, bệnh nhi có dấu hiệu suy hô hấp, bệnh tình diễn tiến phức tạp, phải thở ô xy. Các trường hợp viêm tiểu phế quản dễ trở nặng nhất là đối tượng trẻ dưới 12 tháng tuổi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi bị viêm tiểu phế quản đôi khi chỉ sốt nhẹ, ho, sổ mũi 1 ngày là đã tiến triển khó thở. Ngoài ra, nhiều bé có bệnh sử hen suyễn cũng bị khởi phát khó thở nên gia đình đưa đi cấp cứu và được cho nhập viện điều trị, theo dõi.
Khoa Nội 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang điều trị cho 10 bệnh nhi hen suyễn nội trú. Đa phần các bé này dưới 5 tuổi, đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, thở co lõm.
Phòng tránh và kịp thời phát hiện viêm tiểu phế quản, hen suyễn
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh khuyến cáo phụ huynh cần hiểu hơn về bệnh viêm tiểu phế quản và hen suyễn ở trẻ nhằm theo dõi, phát hiện để đưa con đi khám kịp thời, chăm sóc trẻ tốt hơn.
Tiểu phế quản là đường dẫn khí nhỏ ở phổi. Viêm tiểu phế quản là tình trạng tăng chất nhầy, viêm tắc đường dẫn khí nhỏ ở phổi. Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản thường do vi rút. Thời điểm trẻ dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản là lúc thời tiết trở lạnh. Các vi rút gây viêm tiểu phế quản rất dễ lây lan. Bệnh nhân truyền bệnh cho người khác thông qua giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi và dịch tiết dính trên đồ vật, đồ chơi. Những đối tượng dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản là trẻ sinh non, tiếp xúc với khói thuốc lá, mắc bệnh tim phổi bẩm sinh, ở trong môi trường đông người (lớp mầm non, không gian sống chật chội), trẻ không được bú mẹ trong 6 tháng đầu, có hệ miễn dịch suy giảm…
|
Phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ để phòng tránh các bệnh đường hô hấp - Ảnh minh họa: Internet |
Các dấu hiệu của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ là ho, sổ mũi, sốt (lúc sốt lúc không), thở như tiếng huýt sáo. Trẻ dưới 12 tuần tuổi nôn ói, thở lồi lõm, nhịp thở nhanh, bỏ bú, da và móng chuyển màu tím tái cần được đưa tới bệnh viện ngay. Trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản sẽ diễn tiến rất nhanh. Bé có nguy cơ phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm như ngưng tim, ngưng thở, suy hô hấp, mất nước nếu phát hiện và điều trị chậm trễ. Những trường hợp viêm tiểu phế quản bị biến chứng suy hô hấp nặng cần đặt nội khí quản trợ thở.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản thông qua khám lâm sàng. Nếu cần thiết, bệnh nhi sẽ được chỉ định chụp X-quang, làm xét nghiệm máu… Thông thường, trẻ bị viêm tiểu phế quản phải điều trị khoảng 2 tuần. Đa số bệnh nhi được theo dõi và điều trị ngoại trú. Chỉ khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng mới cần nhập viện để tiến hành các biện pháp can thiệp chuyên sâu hơn.
Để phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ, bác sĩ Nguyên Anh lưu ý phụ huynh cần giữ cho con đủ ấm vào buổi sáng và lúc đi ngủ. Ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, không nên mở điều hòa quá lạnh. Khi ra đường, phụ huynh hãy duy trì thói quen đeo khẩu trang cho trẻ. Việc đeo khẩu trang vừa bảo vệ trẻ khỏi khói bụi ô nhiễm vừa giúp giữ ấm không khí khi hít thở. Ngoài ra, do đây là bệnh lây qua giọt bắn, dịch tiết nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là cách hữu hiệu để phòng ngừa sự lây nhiễm. Tại trường mầm non, đồ chơi của trẻ phải được vệ sinh thường xuyên mỗi ngày để không chỉ giảm thiểu lây nhiễm bệnh viêm tiểu phế quản mà còn phòng ngừa nhiều bệnh đường hô hấp và tiêu hóa khác.
Bên cạnh bệnh viêm tiểu phế quản, bảo vệ trẻ khỏi các cơn hen suyễn khởi phát trong những ngày cuối năm là điều cha mẹ cần quan tâm. Hen suyễn là một bệnh viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, thời tiết lạnh, khói thuốc… phế quản sẽ bị kích thích gây co thắt, sinh ra các chất nhầy làm tắc nghẽn. Từ đó, bệnh nhân sẽ khò khè, khó thở.
Ở nước ta, tỉ lệ trẻ em bị hen suyễn cao gấp đôi người lớn. Đa phần trẻ mắc hen suyễn ở độ tuổi từ 13 đổ lại. Tuy hen suyễn khó điều trị khỏi hẳn nhưng bệnh sẽ được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ của bác sĩ. Do đó, nếu phụ huynh thấy con có các triệu chứng: hay bị ho tái đi tái lại (ho nhiều về đêm), ho và khò khè mỗi khi thay đổi thời tiết hay tiếp xúc với một dị nguyên nào đó (nước hoa, khói thuốc lá, phấn hoa, bụi…) thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để được tầm soát hen suyễn. Trẻ bị hen suyễn sẽ được điều trị dự phòng bằng thuốc dạng xông, xịt để hạn chế số lần khởi phát cơn hen.
Những bệnh nhi có tiền sử hen suyễn phải tái khám định kỳ từ 1-3 tháng/lần để được điều trị dự phòng và kiểm soát tốt bệnh tình. Nếu gia đình có trẻ bị hen suyễn, cần cho trẻ tránh xa vật nuôi, nước hoa xịt phòng và các yếu tố dị nguyên mà trẻ bị mẫn cảm. Bệnh hen suyễn nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm. Các biến chứng phải kể đến là xẹp phổi, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí màng phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Thanh Huyền