Cận tết, nhiều trẻ bị tai nạn do người lớn lơ là

26/01/2022 - 06:16

PNO - Những ngày giáp tết Nguyên đán, lượng trẻ em phải nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông tăng cao. Trong đó, có nhiều trẻ chấn thương nặng do không đội mũ bảo hiểm.

Bệnh viện nhi liên tục tiếp nhận trẻ bị tai nạn

Theo bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi, Quyền phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), gần đây có ngày cao điểm, đơn vị xử trí tới sáu ca trẻ em bị tai nạn giao thông. Đáng nói, đây mới chỉ là con số được ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, còn nhiều trẻ bị tai nạn giao thông sau khi tới khám đã được chuyển thẳng vào các chuyên khoa điều trị nội trú.

Trong số những ca nói trên, nghiêm trọng nhất là trường hợp của bé gái tên T.P.G.H., sinh năm 2019, ngụ tại H.Cần Giờ. Ngày 20/1, mẹ cho bé ngồi ngay sau tay lái xe máy, khi đang di chuyển trên đường thì người mẹ buồn ngủ đâm thẳng vào con lươn. Sau đó, bé đã được đưa tới trạm y tế gần địa phương sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trước khi nhập viện, bé H. đã ngưng tim. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi tử vong do sốc mất máu, chấn thương sọ não. 

Trước đó, đêm 4/1, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận bé trai năm tuổi tên H.H.H., ngụ tại tỉnh Tây Ninh. Cách lúc nhập viện bảy tiếng, bé được ba chở bằng xe máy tông vào gốc cây bên đường. Theo lời kể của gia đình, hai cha con đi ăn tiệc về thì xảy ra tai nạn. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ chẩn đoán H. bị chấn thương sọ não, gãy 1/3 xương đùi, đa chấn thương. Tình trạng lúc nhập viện của bệnh nhi lơ mơ, da niêm nhạt… Bé được đặt nội khí quản, truyền dịch và các chế phẩm của máu, chụp CT - scan sọ não không cản quang. Kết quả CT cho thấy H. bị xuất huyết dưới nhện, nứt sàn sọ. 

Ngày 8/1, Khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận nam bệnh nhi tên P.T.A., quê ở tỉnh Phú Yên bị vỡ bàng quang. A. đang cùng bạn đi xe đạp thì chẳng may đâm trúng thùng rác khiến bụng đập vào yên xe.

Số ca tai nạn giao thông ở trẻ vẫn liên tiếp xảy ra. Ngay trong sáng 24/1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa xử trí cho hai trẻ bị tai nạn giao thông vừa được đưa tới.

Bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi đang thăm khám bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2  ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi đang thăm khám bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Thanh Huyền

Nguy hiểm vì không đội nón bảo hiểm

Bác sĩ Minh Khôi cảnh báo, trong thời gian này, nhóm trẻ bị tai nạn giao thông chủ yếu tập trung ở hai độ tuổi: mầm non và cấp II. Các bé mầm non khi xảy ra tai nạn được ghi nhận không đội nón bảo hiểm, ngồi ngay phía sau tay lái nên khi xảy ra va chạm thường bị văng ra ngoài, va đập mạnh gây chấn thương nghiêm trọng. Nhóm thứ hai là các trẻ lớn, biết tự đi xe đạp. Một số bé tuy chưa đủ tuổi nhưng vẫn lấy xe máy của gia đình đi chơi cùng bạn bè.

Có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bé phải ở nhà lâu quá nên nay TPHCM là vùng xanh không bị hạn chế đi lại thì tâm lý như chim sổ lồng. Còn nhỏ tuổi nên trẻ chưa đủ kinh nghiệm xử lý các tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông, đôi khi các cháu còn nô đùa, phóng nhanh vượt ẩu nên nguy cơ xảy ra tai nạn đối với nhóm trẻ lớn rất cao.

Từ những trường hợp tai nạn giao thông thương tâm nêu trên, bác sĩ Minh Khôi khuyến cáo phụ huynh: chúng ta đã rất vất vả chiến đấu với dịch COVID-19,  bây giờ, nếu ai đang mạnh khỏe để chuẩn bị đón tết cổ truyền thì đó là điều hết sức may mắn, mọi người đừng vì một phút chủ quan lơ là mà đánh mất tất cả. Khi đi dự tiệc cuối năm, chúng ta cần cân nhắc thiệt hơn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Nếu phụ huynh đi dự tiệc mà có ý định uống bia, rượu thì không nên chở theo trẻ em, không tự điều khiển xe. Trong trường hợp chở con cái về quê, chúng ta nhất định phải đội nón bảo hiểm cho trẻ, đặt bé ngồi sau lưng người lớn và có đai ràng lại. 

Đối với những bé ở độ tuổi lớn hơn, cha mẹ cần để mắt trông chừng, không để con tự ý điều khiển xe tham gia giao thông, hạn chế tụ tập trong những ngày cuối năm đông đúc. Khi tai nạn xảy ra, người trong cuộc sẽ vô cùng luống cuống và hoảng loạn. Tuy nhiên, nếu trẻ được sơ cứu đúng cách thì sẽ hạn chế chảy máu và bị thêm tổn thương trên đường di chuyển tới cơ sở y tế. Chẳng hạn, nếu thấy trẻ bị gãy xương, trước khi đưa đi cấp cứu, mọi người nãy nẹp cố định lại. Hãy đưa bé tới đơn vị y tế gần nhất để được sơ cứu nhanh nhất, chứ đừng cố chạy đến bệnh viện ở cách đó quá xa mà làm chậm trễ cơ hội cứu sống trẻ. 

Tuyệt đối không cho trẻ ngồi phía trước xe máy

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết cách đây hai ngày vừa tiếp nhận một trường hợp tai nạn giao thông rất nghiêm trọng được chuyển tới từ tỉnh Long An. Nạn nhân là một bé trai bị va quẹt xe máy. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, gãy tay, chân, mất máu nhiều. Cứ gần tết là số ca trẻ em bị tai nạn giao thông gia tăng. Do đó, phụ huynh lưu ý tuyệt đối không cho trẻ ngồi phía trước khi chạy xe máy. Chỉ có nước ta mới chế đủ loại ghế cho trẻ ngồi đằng trước xe máy, gối đệm kê ở tay lái xe… Điều này rất nguy hiểm. Ở các nước phát triển, không chỉ xe máy mà đối với xe ô tô cũng nghiêm cấm trẻ ngồi ghế trước. Khi ngồi sau, đối với các bé nhỏ tuổi cần có thêm ghế chuyên dụng, thắt dây an toàn cẩn thận. 

Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định trẻ dưới sáu tuổi phải đội nón bảo hiểm. Vì nón bảo hiểm theo đúng quy chuẩn sẽ có độ nặng, sợ khi đội sẽ làm ảnh hưởng cột sống cổ của bé. Tuy vậy, trên thị trường có rất nhiều loại nón bảo hiểm nhẹ, làm bằng xốp… phụ huynh có thể lựa cho con một chiếc nón phù hợp để hạn chế bớt tổn thương phần đầu khi xảy ra va đập lúc tham gia giao thông.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI