Cận tết, nhiều tai nạn thương tâm do pháo tự chế

12/01/2020 - 07:00

PNO - Càng gần Tết Nguyên đán càng xuất hiện nhiều vụ bỏng thương tâm do pháo tự chế gây ra, trong đó có nhiều vụ để lại hậu quả rất nặng nề.

Tàn phế vì pháo

Đầu tháng 1/2020, Bệnh viện Bỏng quốc gia tiếp nhận một nam thanh niên 36 tuổi (trú tại tỉnh Quảng Ninh) bị bỏng toàn bộ phần chân và tay do chế pháo. Trước đó, bệnh nhân lên mạng mua hóa chất về tự chế pháo. Trong quá trình thực hiện, thuốc nổ bùng lên gây bỏng. Thanh niên này được chẩn đoán bỏng độ II - III. Tính đến ngày 5/1/2020, bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

Bác sĩ Lưu Đức Thọ - Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) - cho biết, bệnh viện này vừa thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ bàn tay và ghép da trên đùi cho một bệnh nhi 13 tuổi. Trước đó, vào chiều 30/12/2019, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận nam sinh Phạm Xuân L. (13 tuổi, ở xã Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay phải và tổn thương nặng phần mềm hai bên đùi, bỏng vùng ngực, hai bên mắt.

Tai nạn do pháo rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương, nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn
Tai nạn do pháo rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương, nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn

Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Bỏng quốc gia - thông tin, khoa từng tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì làm theo hướng dẫn tự chế pháo trên mạng. Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Văn P. (17 tuổi) nhập viện do bị bỏng lửa thuốc pháo. Theo gia đình, P. trộn bột lưu huỳnh và KClO3 rồi cho vào máy xay sinh tố để nghiền và trộn, thuốc nổ bùng lên gây bỏng 12% độ II, III mặt, hai tay.

Bệnh nhân Trịnh Minh H. (17 tuổi) cũng bị bỏng do pháo. Được biết sau khi trộn bột lưu huỳnh và KClO3, H. dùng muỗng để nghiền bột hóa chất, chất nổ bùng lên gây bỏng. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bỏng với chẩn đoán bỏng lửa thuốc pháo 50% (10%) độ II, III, IV mặt, cổ, hai tay, hai chân.

Còn bệnh nhân P.A.M. (17 tuổi) bỏng lửa cũng do pháo và do… thử sản phẩm sau khi chế tạo. Theo lời kể của M., sau khi trộn lưu huỳnh và KClO3 theo hướng dẫn trên mạng, M. dùng lửa để thử sản phẩm. Thuốc nổ bùng lên gây bỏng.

Xử trí khi bỏng pháo

Tai nạn do pháo rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây các vết thương, nó còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Hơn nữa, trong pháo có những hóa chất (phốt pho, lưu huỳnh…) và người đốt thường tiếp xúc rất gần, chịu tác động của sức công phá lớn nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay... mà muốn khắc phục rất khó. 

Bác sĩ Phan Trường Tuệ - điều dưỡng trưởng - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Bỏng quốc gia - cho biết, hằng năm có tới hàng chục ngàn trẻ em ở nước ta bị bỏng. Với trẻ em, bỏng là tai nạn thường gặp nhất. Trong đó, nước nóng và thức ăn nóng là tác nhân chiếm tới 60% các nguyên nhân gây bỏng ở trẻ. Tiếp sau là bỏng do lửa và do điện… 

Vài năm gần đây xuất hiện nhiều  bệnh nhân bỏng pháo ở lứa tuổi 15-17, chiếm tới 80-90% tổng số người bỏng pháo. Loại tai nạn do chế pháo thường xảy ra do ở lứa tuổi này, các em rất thích tìm hiểu, khám phá nhưng lại chưa ý thức được mối nguy hại khi pháo nổ, có thể bùng cháy và bỏng. Ngoài ra, các “thí nghiệm” này thường được làm lén lút tại nhà nên người lớn thường không có mặt để can thiệp kịp thời.

Tổn thương do bỏng thuốc pháo thường gặp bỏng ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp gây suy hô hấp nên sau khi sơ cứu, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý cấp cứu đúng.

Bỏng vùng mặt cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ và chức năng vận động, ảnh hưởng đến việc học tập và khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Bỏng ở tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.

Ngâm ngay vùng bị bỏng vào nước mát (15-20 độ C) sạch, dội nước hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch khoảng 20 phút. Nước mát giúp hạn chế bỏng sâu, giảm đau cho bệnh nhân và tránh được việc hình thành nốt bỏng. Không dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh để chườm lên vết bỏng. Vào mùa lạnh hoặc khi bỏng vùng mặt, có thể lấy khăn ướt đắp lên vết bỏng. Sau khi ngâm nước, dùng gạc sạch đắp lên vết bỏng và băng ép vùng bị bỏng vừa phải. 

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI