Cận tết, liên tiếp phát hiện thực phẩm lậu

20/12/2024 - 18:31

PNO - Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm lậu, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Điển hình là ngày 19/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, phát hiện các vụ việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu.

Hàng hóa vi phạm bị thu giữ - Ảnh Cục QLTT Hà Nội
Hàng hóa vi phạm bị thu giữ - Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Trong đó, tại huyện Hoài Đức, lực lượng chức năng phát hiện 6 công nhận tại Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá là thực phẩm thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Gia Ly Food đang san chia, đóng gói các sản phẩm thực phẩm từ các túi nguyên liệu sang các túi sản phẩm có nhãn ghi “Hổ Ka Ka - Đậu nành hương vị thiên nhiên”. Tuy nhiên nhà sản xuất lại là Công ty TNHH Công nghiệp Xiyuan Chaoan có địa chỉ tại phía bắc Shangguo, khu công nghiệp Meixi ChaoAn (Quảng Đông - Trung Quốc).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 23.200 gói hàng hoá thành phẩm có nhãn “Hổ Ka Ka - đậu nành hương vị thiên nhiên”; 70kg sản phẩm thực phẩm đậu nành chiên tương được đựng trong 5 túi nilon trên bao bì không có căn cứ xác định được nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đại diện cơ sở này, số hàng trên được công ty mua nguyên liệu là đậu nành chiên tương, sau đó thuê nhân công san chia, đóng gói vào các túi nilon được in sẵn rồi dùng máy đóng gói để hàn miệng gói, đóng thành sản phẩm. Thậm chí, các túi nilon in sẵn các thông tin trên cũng được mua trôi nổi trên thị trường.

Cũng trong ngày 19/12, Đội QLTT số 24 phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra địa điểm kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ 171, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức (thuộc Hộ kinh doanh Vân Thanh). Qua kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh Vân Thanh có bày bán 35 thùng kẹo hình con cá, 15 thùng kẹo hình quả trứng, 4 thùng kẹo hình quả bầu dục. Toàn bộ đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ.

Trước đó, ngày 18/12/2024, Đội QLTT số 24 phối hợp Đội 6 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội kiểm tra địa điểm kinh doanh hàng hóa tại số 17 xóm chùa Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (do ông N. Đ. H là chủ kinh doanh). Thực tế kiểm tra phát hiện hộ này đang kinh doanh 30 thùng kẹo sáp, 15 thùng kẹo sữa cùng 15 thùng kẹo hình bắp ngô; 10 thùng kẹo dẻo là thực phẩm được đựng trong túi nilon trong thùng carton, trên bao bì hàng hoá không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Toàn bộ số hàng này cũng do nước ngoài sản xuất, trên nhãn có chữ bằng tiếng nước ngoài.

Không riêng Hà Nội, tại TPHCM, chỉ tính trong tháng 11/2024, Cục QLTT TPHCM cho biết đã phát hiện 3 cơ sở tại quận Bình Tân kinh doanh 1.209 sản phẩm là thực phẩm đóng gói sẵn là chân gà ngâm, thịt bò xé, cải cay, miến khoai lang, tàu hủ cá cay, sườn xé… không ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng như không có tài liệu về chất lượng kèm theo. Do hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, có thể gây hại đến sức khỏe của người sử dụng nên lực lượng chức năng đã buộc tiêu hủy toàn bộ theo quy định.

Theo lực lượng chức năng, thực phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe. Các sản phẩm này thường không qua kiểm định chất lượng và có thể chứa hóa chất độc hại như phẩm màu công nghiệp hoặc chất bảo quản vượt mức an toàn, gây ngộ độc thực phẩm cấp tính.

Nguy hiểm hơn, sự tích tụ các hóa chất này trong cơ thể theo thời gian có thể dẫn đến ung thư, tổn thương gan và thận. Ngoài ra, thực phẩm không rõ nguồn gốc còn dễ nhiễm khuẩn do không đảm bảo vệ sinh trong khâu sản xuất và bảo quản. Các vi khuẩn như Salmonella, E.coli... dễ dàng phát triển trong điều kiện môi trường không được kiểm soát, làm gia tăng các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm. Điều này đặt nhóm trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm với số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, trong đó nhiều vụ liên quan tới bếp ăn tập thể cho học sinh, sinh viên và công nhân. Mới đây nhất, vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở Nghệ An khiến 84 người mắc. Theo Bộ Y tế, “thủ phạm" của các vụ ngộ độc được tìm thấy chủ yếu là các vi khuẩn Salmonella, E.coli, chất histamin, vi sinh vật Bacillus cereus… tìm thấy trong thức ăn.

Một điểm đáng lưu ý, theo điều tra từ cơ quan chức năng với những cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm xảy ra ngộ độc, nhiều cơ sở sản xuất không thể cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều sản phẩm không nhãn mác hoặc giả mạo thương hiệu tràn lan trên thị trường.

Để bảo vệ sức khỏe và xây dựng cộng đồng bền vững, cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn sản phẩm minh bạch, ưu tiên sản phẩm được sản xuất, đóng gói trong nước, với thông tin rõ ràng trên bao bì và đạt chứng nhận uy tín. Sự tỉnh táo trong mua sắm không chỉ giúp người dùng bảo vệ sức khỏe bản thân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thực phẩm.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI