Cần tạo thuận lợi hơn cho người lớn tuổi tiêm vắc xin COVID-19

11/08/2021 - 06:55

PNO - Gọi đến đường dây khẩn Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Trịnh Ngọc Anh (70 tuổi, ngụ tổ 35, khu phố 7, P.An Khánh, TP.Thủ Đức) phản ánh bà rất lo lắng vì sự chậm trễ trong việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người lớn tuổi. Bà đã ra điểm tiêm do phường chỉ định, nhưng bị từ chối vì có bệnh lý hen suyễn, nên phải chờ chích ở bệnh viện cho bảo đảm.

Người già lại phải chờ lâu

Trao đổi với chúng tôi ngày 9/8, bà Ngọc Anh cho biết sau nhiều ngày vẫn chưa có hướng dẫn nào từ địa phương. Bà sốt ruột: “Phường đã gọi nhóm từ 18 đến 20 tuổi đi chích rồi mà tôi 70 tuổi vẫn chưa”. 

Con gái bà Phạm Kim Thoa (75 tuổi, ngụ P.1, Q.10, TPHCM) cho biết bà Thoa đăng ký tiêm phòng COVID-19 tại công ty của một người con. Tuy nhiên, khi UBND phường thông báo kế hoạch tiêm vắc xin cho người trên 65 tuổi, bà muốn đăng ký theo phường để được tiêm sớm, nhưng bị từ chối với lý do đã đăng ký ở nơi khác. Nếu muốn chích tại địa phương, bà phải làm thủ tục hủy đăng ký tại công ty trước đó. “Mẹ tôi lớn tuổi, suy thận mạn giai đoạn cuối cần ưu tiên chích ở đâu sớm nhất. Giờ phải lòng vòng liên hệ lại công ty, rồi công ty phải báo với ban quản lý khu công nghiệp, mà cũng không biết được không”, người con gái nói.

Khám sàng lọc và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong đợt 5 tại một điểm tiêm ở TP.Thủ Đức, nơi có tỷ lệ tiêm đạt 37,81% dân số - ẢNH: QUỐC NGỌC
Khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 5 tại một điểm tiêm ở TP.Thủ Đức, nơi có tỷ lệ tiêm đạt 37,81% dân số - Ảnh: Quốc Ngọc

Bà T.T.K.T. (65 tuổi) có hộ khẩu thường trú ở P.Bến Nghé (Q.1, TPHCM), đã dời về sống ở P.Tân Định (Q.1) bảy năm nay. Bà T. đã hai lần ra điểm tiêm Trường Trần Khánh Dư theo hướng dẫn. Lần thứ nhất, bà xếp hàng từ 7g đến 9g30. Khi khám sàng lọc, thấy huyết áp cao nên bác sĩ bảo bà về. Lần thứ hai, bà xếp hàng gần ba tiếng thì một lãnh đạo P.Tân Định bảo bà ở P.Bến Nghé thì về P.Bến Nghé mà tiêm. Bà giải thích thì được yêu cầu phải có xác nhận của công an khu vực, nhưng khi công an khu vực xác nhận, bà vẫn không được giải quyết. Cho đến khi phải xếp hàng lần thứ ba tại đội tiêm phòng lưu động, bà mới được tiêm.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Phạm Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND P.Tân Định - cho biết có tiếp nhận thông tin phản ánh từ gia đình bà T. Bà Phạm Thị Thu Hà nói do làm việc căng thẳng tại các điểm tiêm vắc xin, nên phường đã có thái độ chưa chuẩn với người dân. Chính quyền phường nhận thiếu sót và mong được thông cảm.

Nên giảm bớt thủ tục

Bác sĩ Đỗ Hoàng Dũng - công tác và nghỉ hưu tại Bệnh viện Bình Dân, người tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch sau lời kêu gọi của Bộ Y tế - đề nghị giảm bớt các thủ tục rườm rà trong tiêm chủng, nhằm tránh mệt mỏi cho lực lượng chống dịch, đạt hiệu quả cao hơn. Bác sĩ Đỗ Hoàng Dũng cho rằng chỉ cần một cá nhân đăng ký đi tiêm trực tuyến cho cả nhà. Sau khi tiêm, chỉ cần phát tờ rơi dặn dò các triệu chứng sau tiêm, số điện thoại cấp cứu, và bao lâu chích mũi thứ hai. Giấy chứng nhận tiêm chủng cũng nên tổ chức thông mã cấp qua Internet để người dân tự in ra…

Bác sĩ Đỗ Hoàng Dũng cũng cho hay hen suyễn là bệnh lý không nằm trong chỉ định chống tiêm chủng. Vấn đề huyết áp cũng vậy. Ông nói có người đã “sống chung” với huyết áp cao rất lâu rồi, và tiêm phòng COVID-19 là chọn lựa của họ. Hơn nữa, sốc do cao huyết áp là rất hiếm.

Ngày 10/8, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 3802/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, bãi bỏ các Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6 và Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 15/7 trước đây về vấn đề này. 

Bác sĩ Đỗ Hoàng Dũng cho rằng mục đích của khám sàng lọc là phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, để đảm bảo an toàn. Hướng dẫn của bộ đã có những căn cứ rõ ràng và mở rộng đối tượng để đẩy nhanh tốc độ tiêm và tầm bao phủ. Trong đó, người ta chỉ cần chú ý đến hai đối tượng:

Một là, các đối tượng phải trì hoãn tiêm chủng bao gồm người có tiền sử đã mắc COVID-19 trong vòng sáu tháng, người đang mắc các bệnh cấp tính (nóng sốt…), và phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. Hai là, đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin COVID-19 là những người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại trong lần tiêm chủng trước đó. Ngoài ra, ai có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất vắc xin thì đương nhiên không thể tiêm.

Theo công bố của Sở Y tế TPHCM, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến hết ngày 8/8 là 2.306.859 mũi (trong đó có 352.110 mũi cho người trên 65 tuổi, bệnh lý nền).

Hiện có bốn quận đã đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 50% dân số là Q.Phú Nhuận đạt 69,34%, H.Cần Giờ (65,63%), Q.5 (62,66%) và Q.11 (56,9%). Hai địa phương có tỷ lệ tiêm thấp dưới 15% dân số là H.Hóc Môn (13,79%) và H.Nhà Bè (14,87%). 

Chú ý thời gian giữa hai mũi tiêm

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Vinh (Trường đại học Y Dược TPHCM) cho biết, theo lý thuyết là các mũi cách nhau tối thiểu ba tuần và tối đa 12 tuần. Sau khi chích mũi thứ nhất, một tháng sau đã có 30% miễn dịch. Một tháng sau mũi thứ hai, hiệu giá kháng thể đủ cao và kéo dài khoảng 4-6 tháng tùy vào loại vắc xin sẽ đạt miễn dịch từ 67% đến 95%. Do đó, thời gian giữa hai mũi tiêm càng xa thì càng bảo vệ được lâu dài. Nhưng khi dịch đang tăng như hiện tại, nguy cơ lây nhiễm quá cao thì nên rút ngắn khoảng cách xuống khoảng bốn tuần thay vì 8-12 tuần để đạt bảo vệ nhanh hơn. Như vậy, cũng có nghĩa phải chấp nhận hiệu giá kháng thể không cao tối ưu và thời gian bảo vệ ngắn hơn.

Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI