Lắng nghe dân và hành động:

Cần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa phát triển nhân lực và văn hóa

08/07/2020 - 07:26

PNO - Ở bất kỳ lĩnh vực nào, dưới bất cứ một mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình hay quyết nghị nào thì con người là nguồn nhân lực chính yếu để thúc đẩy, vận hành và hoàn thành sứ mệnh - thông qua các đầu việc, đề án, kế hoạch.

Nếu so với 7 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, trong cả 7 chương trình đều tuyệt nhiên không có danh mục cho văn hóa; thì với 4 chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 trong dự thảo (lần 2) báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, văn hóa đã được đặt cạnh chiến lược phát triển nhân lực. 

Dù nội hàm và các vấn đề văn hóa có hiện diện ở 1 trong 7 chương trình đột phá nói trên - Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020, nhưng rõ ràng, chỉ khi được đặt để tên gọi thì tính chất, điều kiện, mức độ nhận diện vấn đề sẽ buộc phải mang lại một kết quả tương xứng hơn, như trong mục tiêu phát triển tổng quát đã nêu: đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội..., cũng như xác định nhiệm vụ: phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. 

 phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.
Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ sẽ làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững

Lấy văn hóa làm chủ đề năm (2020), gắn liền với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đặt văn hóa vào chiến lược phát triển nhân lực, đó là cách thức tiếp cận nền tảng, hài hòa, cho thấy tính mục tiêu và động lực của chính văn hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội. 

Tuy nhiên, để đạt được kết quả một cách thực chất, ngoài việc xác định các nhiệm vụ như “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”, “tổ chức các hoạt động văn hóa“, “tập trung đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu”, “tiếp tục hoàn thiện, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở” thì “tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ...” lại chỉ vẻn vẹn đôi ba dòng. Trong khi, để phục vụ và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, thúc đẩy và tạo thành những tác phẩm văn hóa, chính là đội ngũ hoạt động văn hóa. 

Đi vào nội dung cụ thể của chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM, có hẳn một đề án: Chiến lược phát triển ngành văn hóa TPHCM đến năm 2035. Tôi chưa được tiếp cận bản đề cương của đề án này. Nhưng các thao tác, công đoạn khảo sát, đánh giá, phác thảo các “chiến thuật hóa” chiến lược phát triển ngành văn hóa đã và đang được tiến hành như thế nào? Người dân thành phố - một trong những chủ thể của hoạt động văn hóa - dự phần như thế nào, giới hoạt động văn hóa tham gia ở mức độ ra sao? Những chiến lược gia của chiến lược nói trên đã “diễn dịch” đề án và định dạng các giải pháp ở cấp độ nào?

Tôi nghĩ, để sáng rõ hơn những chủ trương, quyết sách của Đảng - thông qua văn kiện chính trị trước đại hội, rất cần cụ thể và công khai hóa các đề án, cũng là cách huy động trí tuệ nhân dân, trách nhiệm xã hội với chính các đầu việc mà mục tiêu của nó không ngoài phục vụ nhân dân, phụng sự xã hội. 

Trong dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020, ở lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, có những con số rất đáng lưu ý: chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ (trong nước) ở các ngành lịch sử, bảo tồn, bảo tàng, văn hóa học, sử học và sân khấu, đạt vượt tới mức 200% (đạt 6 tiến sĩ so với kế hoạch đề ra là 3); trong khi chỉ tiêu duy trì 20 lớp truyền nghề cho diễn viên thuộc nhà hát nghệ thuật hát bội, cải lương, múa rối nước chỉ đạt 4 lớp, tỷ lệ 20%. Thậm chí chỉ tiêu mở 38 đại học chuyên ngành nhạc, đạo diễn điện ảnh, quay phim… là con số 0, ở mức trung cấp chuyên ngành diễn viên xiếc, múa ba lê cũng zero nốt. 

chỉ tiêu duy trì 20 lớp truyền nghề cho diễn viên thuộc nhà hát nghệ thuật hát bội, cải lương, múa rối nước chỉ đạt 4 lớp, tỷ lệ 20%
Trong dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 chỉ tiêu duy trì 20 lớp truyền nghề cho diễn viên thuộc nhà hát nghệ thuật hát bội, cải lương, múa rối nước chỉ đạt 4 lớp, tỷ lệ 20% - Ảnh minh họa

Xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vượt kế hoạch đào tạo các chuyên gia đào tạo văn hóa… nhưng nghệ sĩ biểu diễn văn hóa lại thiếu hụt nghiêm trọng, vừa lãng phí bảo tồn “báu vật sống” vừa bỏ quên các truyền nhân kế thừa, vậy lấy đâu ra lực lượng sáng tạo - biểu diễn mà hình thành tác phẩm phục vụ công chúng?

Điều đó cho thấy, từ việc xác định mục tiêu đúng đắn, nhiệm vụ cụ thể đến quá trình tổ chức thực hiện và con số kết quả là một sự… lệch pha. 

Trong sự liên kết giữa yếu tố phát triển nhân lực và văn hóa, mở rộng ra ở lĩnh vực giáo dục, cũng trong dự thảo báo cáo nêu trên, ở chương trình cán bộ trẻ tuổi, cả 4 chỉ tiêu đào tạo đều không đạt, từ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi không đạt, nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân có tỷ lệ 0%. 

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, dưới bất cứ một mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình hay quyết nghị nào thì con người là nguồn nhân lực chính yếu để thúc đẩy, vận hành và hoàn thành sứ mệnh - thông qua các đầu việc, đề án, kế hoạch. Mà trước mắt, để tập hợp trí tuệ nhân dân, để hiệu triệu lòng dân, rất cần nguồn nhân lực - con người có khả năng trình bày, có kỹ năng tiếp nhận đi cùng đôi tai biết lắng nghe để đối thoại và phản biện một cách chân thành, xây dựng những quyết sách của Đảng, Nhà nước từ tiếng nói của dân. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI