Cần tăng cơ hội cho phụ nữ tham gia làm lãnh đạo

24/10/2020 - 06:00

PNO - Mặc dù Việt Nam đã có cơ chế và chủ trương cho sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan dân cử, thế nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp trong thực tế.

Năm 2021, Việt Nam sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với mục tiêu bầu chọn 30% ứng cử viên là nữ vào các vị trí đại biểu dân cử. 

Báo cáo Chỉ số PAPI 2019 đưa ra một số phát hiện thông qua khảo sát trên diện rộng cùng với những gợi ý nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ vào công tác lãnh đạo ở các cơ quan dân cử.

Cần phát huy quyền làm chủ của phụ nữ trong ứng cử, bầu cử (Ảnh minh họa)
Cần phát huy quyền làm chủ của phụ nữ trong ứng cử, bầu cử (Ảnh minh họa)

Tại sao cần phụ nữ làm lãnh đạo?

Theo Báo cáo Chỉ số PAPI 2019 thì phụ nữ tham gia làm lãnh đạo có thể mang lại nhiều ý nghĩa lớn.

Trước hết, bình đẳng giới trong chính trị là một phần quan trọng trong đảm bảo công lý. Có đại diện dân cử là nữ có nghĩa là có một hệ thống chính trị chính danh và là dẫn cứ quan trọng để đảm bảo sự ủng hộ của toàn dân đối với các quyết sách của Nhà nước.

Bên cạnh yếu tố công bằng thì khi phụ nữ làm lãnh đạo, các quyết sách đó dễ đi vào thực hiện hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới. Hơn nữa, lãnh đạo nữ có ảnh hưởng quan trọng tới sức huy động phụ nữ tham gia, tạo cơ hội tham gia các hoạt động chính trị và kinh tế cho phụ nữ.

Một số nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy, khi phụ nữ tham chính, họ tích cực hơn trong hoạt động lãnh đạo tổ chức, tham gia vào quy trình chính sách tích cực hơn và hướng tới đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ em gái tốt hơn.

Nữ giới làm lãnh đạo trên thực tế

Khi so sánh với nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã và đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc bảo đảm tỉ lệ phụ nữ tham chính ở cấp trung ương. Tuy nhiên, trong các cuộc bầu cử vừa qua, tỉ lệ nữ Đại biểu Quốc hội chưa đạt mục tiêu 30%. Kết quả bầu cử Quốc hội năm 2016 cho thấy tỉ lệ này mới đạt 27%.

Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam - Ảnh tư liệu
Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam - Ảnh tư liệu

Quốc hội phê chuẩn Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sửa đổi, trong đó đề ra chỉ tiêu bắt buộc phải đạt tỉ lệ phụ nữ làm Đại biểu Quốc hội là 35%. Thế nhưng trên thực tế, trong kỳ bầu cử năm 2016, mặc dù tỉ lệ nữ ứng cử viên đạt 38% trong tổng số ứng cử viên đại biểu Quốc hội, chỉ có 40% số ứng cử viên nữ trúng cử, thấp hơn so với tỉ lệ 60% nam ứng cử viên trúng cử. Có thể thấy, ứng cử viên nữ không đạt được số phiếu bầu cao hơn so với ứng cử viên nam.

Định kiến giới trong bầu cử và Việt Nam nên làm thế nào?

Những phát hiện của nghiên cứu đặt ra vấn đề về khả năng người dân có định kiến đối với các ứng cử viên nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo Nhà nước từ cấp trung ương đến cấp cơ sở, hoặc nếu vấn đề nằm ở chỗ số phụ nữ tham chính hoặc số phụ nữ được chọn từ các vòng hiệp thương không có đủ các phẩm chất cử tri trông đợi. Định kiến này càng thể hiện rõ đối với phụ nữ làm lãnh đạo ở các cơ quan dân cử và trưởng thôn/tổ trưởng dân phố cấp cơ sở, bởi đây là những vị trí do dân bầu ở Việt Nam.

Vì vậy, nên cân nhắc biện pháp tăng sự hiện diện của phụ nữ trong đội ngũ lãnh đạo cấp thôn/tổ dân phố bởi lẽ những vị trí lãnh đạo cấp cơ sở này là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và công dân.

Sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ là nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển - Ảnh: VGP
Sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ là nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển - Ảnh: VGP

Những người ở vị trí đứng đầu cấp thôn/tổ dân phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách của dân, do dân và vì dân. Do vậy, để giảm thiểu định kiến đối với phụ nữ làm đại diện dân cử, cần tập trung vận động xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ tham chính ở nơi có nhiều định kiến nhất, và trong trường hợp này là ở cấp thôn/tổ dân phố.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam với nội dung đánh giá việc xây dựng, thực thi và giám sát chính sách và cung ứng các dịch vụ công.

Các trục nội dung được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam ở cả tầm quốc gia và cấp địa phương với triết lý coi người dân như “người sử dụng" (hay “khách hàng”) của cơ quan công quyền (hay “bên cung ứng dịch vụ”), có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương.

Cho đến hết 2019, khảo sát PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 131.501 người dân.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI