Cần tận dụng bất cứ loại vắc xin nào cho đến giọt cuối cùng

17/08/2021 - 06:13

PNO - Đó là lời kêu gọi của nhiều nhà khoa học trên thế giới nhằm giúp bảo vệ mạng sống của người dân các nước, nhất là các nước nghèo, trước hậu quả thảm khốc do COVID-19. Cho đến nay, vắc xin vẫn là cách duy nhất giúp hạn chế khả năng nhập viện và tử vong do dịch bệnh.

Giúp mọi người dân có thể tiếp cận vắc xin

Sau Israel, Pháp, Đức thì Mỹ cũng bắt đầu phê duyệt cho tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba tăng cường đối với người có hệ miễn dịch kém. Theo quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), những người đặc biệt dễ bị tổn thương vì cấy ghép nội tạng, một số bệnh nhân ung thư hoặc mắc các rối loạn khác sẽ được tiêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường.  Một số quốc gia khác cũng đưa ra khuyến nghị tương tự.

 

Các nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân bên trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Missouri, Mỹ
Các nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân bên trong phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Missouri, Mỹ

Thế nhưng, quyết định trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cho rằng nếu nước giàu nhường lại mũi tiêm tăng cường thì sẽ cứu sống nhiều người, nhất là ở những nước nghèo, chưa có vắc xin. Giáo sư Andrew Pollard - lãnh đạo nhóm nghiên cứu vắc xin Oxford (Anh) - và Seth Berkley - Giám đốc điều hành Liên minh vắc xin Gavi - cho biết: “Nếu các nước bắt đầu tập trung cho liều tiêm bổ sung cũng đồng nghĩa là họ đã giành đi một mũi tiêm quan trọng của người chưa có. Vì thế, sẽ có thêm nhiều người chết nữa”.

Trong khi đó, nhiều tháng qua WHO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng ngày càng rõ rệt trong việc cung cấp vắc xin chống lại dịch bệnh đã giết chết hơn 4,3 triệu người trên toàn thế giới. “Tôi hiểu mối quan tâm của các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của mình khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hết nguồn vắc xin toàn cầu” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, ở nước giàu, hiện đã có 101 liều/100 người được tiêm. Trong khi đó, ở các nước có thu nhập thấp chỉ là 1,7 liều/100 người. Vì thế, WHO mong muốn mọi quốc gia phải tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng Chín tới đây, 40% vào cuối năm này và 70% vào giữa năm 2022. WHO đồng thời kêu gọi mọi người hãy nhanh chóng tiêm chủng nếu có thể, càng sớm càng tốt và nhất là không nên lựa chọn vắc xin. “Mục đích của chúng ta là thúc đẩy mọi người trên thế giới tiếp cận được nhiều mũi tiêm càng tốt. vắc xin sẽ giúp ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong”, hai nhà khoa học Andrew Pollard và Seth Berkley cùng quan điểm.

Tận dụng những liều vắc xin có được

Cho đến giờ, duy nhất vắc xin mới có thể bảo vệ mọi người tránh nhiễm COVID-19 cũng như hạn chế ca tử vong ở mức thấp nhất. Chính vì thế, các nhà khoa học trên thế giới đã kêu gọi tận dụng mọi loại vắc xin có được đến những giọt cuối cùng để bảo vệ mạng sống của người dân. Do nguồn cung có thể gián đoạn hoặc không đủ, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và khuyến cáo trộn vắc xin như là một cách chấp nhận được. Hiện đã có nhiều nước tiêm trộn các loại vắc xin như AstraZeneca với Pfizer hoặc Moderna, Sinovac với Pfizer hoặc Moderna. Riêng với những ai đã tiêm vắc xin một mũi của Johnson & Johnson thì vẫn có thể bổ sung vắc xin Pfizer hoặc Moderna.

Về cách thức tiêm trộn vắc xin thì mỗi nước có giải pháp khác nhau tùy từng loại vắc xin đang có. Ví dụ như Thái Lan đã thông qua kế hoạch trộn vắc xin Sinovac với AstraZeneca hoặc Pfizer. Theo chính phủ Thái Lan, người dân có thể tiêm các loại vắc xin này theo bất kỳ thứ tự nào, nhưng chính phủ khuyến cáo nên tiêm liều đầu tiên của Sinovac, sau đó từ ba đến bốn tuần tiếp tục tiêm liều thứ hai AstraZeneca hoặc Pfizer.

Đối với những người đã tiêm hai liều Sinovac thì Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc khuyến cáo nên tiêm mũi nhắc lại thứ ba của AstraZeneca hoặc Pfizer. 

Một nghiên cứu mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ trên hơn 30 triệu công dân đã được tiêm vắc xin Sinovac cho thấy mức độ bảo vệ ở những người được tiêm ba liều vắc xin bất hoạt cao hơn những người nhận được hai liều vắc xin bất hoạt và một mũi tiêm mRNA tăng cường. 

Lệ Chi (theo The Guardian, AP, Asia Nikkei

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI