Cần sự phối hợp của phụ huynh để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường

28/02/2022 - 22:04

PNO - Số ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 trong trường học tăng gây nhiều khó khăn cho công tác dạy và học trực tiếp. Rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình - nhà trường nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường.

Tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội chiều 28/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, cho biết, các cơ sở giáo dục đang nỗ lực thích ứng với các quy định mới trong xử lý F0 trong trường học.

Cụ thể là theo văn bản số 548 /UBND-VX hướng dẫn kiểm soát dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, quy định ở cấp mầm non có trẻ F0 thì cả lớp nghỉ học; từ cấp tiểu học trở lên, chỉ những học sinh tiếp xúc gần được xác định là F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 5 ngày (đã tiêm ngừa) hoặc 7 ngày (chưa tiêm) sau đó quay lại học trực tiếp. Còn trường hợp có nhiều ca F0 trong ngày (2 ca F0/lớp/ngày hoặc 2 lớp có ca F0 trong ngày), nhà trường cần phối hợp y tế địa phương đánh giá yếu tố dịch tễ từ đó cân nhắc hình thức dạy học phù hợp.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, trước tình hình số F0, F1 không chỉ tăng trong học sinh mà còn cả giáo viên, nhân viên trường thì các cơ sở giáo dục cần chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức dạy học, đảm bảo hiệu quả song song cả hai hình thức dạy và học trực tiếp lẫn trực tuyến trong điều kiện cụ thể của từng trường.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường - cơ sở y tế (cả nơi trường trú đóng và nơi học sinh cư ngụ) - gia đình. Trong đó, đòi hỏi sự hợp tác của phụ huynh rất lớn, nhất là việc xác định học sinh là F0 khỏi bệnh trở lại trường.

Cần có sự phối hợp giữa nhà trường - cơ sở y tế - gia đình nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường - Ảnh: Phạm An.
Cần có sự phối hợp giữa nhà trường - cơ sở y tế - gia đình nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường - Ảnh: Phạm An.

“Thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện đưa con em đến cơ sở y tế để kiểm tra lấy giấy xác nhận âm tính. Vì vậy, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Y tế cũng đã thống nhất tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho phụ huynh có thể test cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải có điều kiện đảm bảo sự chính xác và cả trung thực khi thực hiện test cho trẻ. Nếu để sót các trường hợp nhiễm trở lại trường mà không tầm soát được thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ, tốt nhất vẫn là đưa các em đến kiểm tra ở các cơ sở y tế”, ông Trịnh Duy Trọng đề nghị.

Về việc tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, hiện TPHCM đang thực hiện các công tác chuẩn bị, như lấy thông tin các cơ sở giáo dục dự kiến làm điểm tiêm, lấy thông tin cần thiết của trẻ để có cơ sở dữ liệu đầy đủ, sẵn sàng triển khai thực hiện khi có kế hoạch cụ thể từ Bộ Y tế và UBND TPHCM.

Trong tuần qua, từ ngày 21 đến 25/2, TPHCM ghi nhận 1.083 ca nhiễm và nghi nhiễm là học sinh trong trường học (chưa tính giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục).

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI