Phóng viên: Xin ông cho biết nhận xét, suy nghĩ của mình về tình hình văn học nghệ thuật (VHNT) dành cho thiếu niên, nhi đồng ở nước ta hiện nay?
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: VHNT dành cho thiếu niên, nhi đồng ở nước ta hiện nay khá phức tạp, có những mảng sáng tối đan xen. Một số tác phẩm có chất lượng tốt, được đầu tư công phu về nội dung và hình thức. Ví dụ như với sự khuyến khích của giải Hiệp sĩ Dế Mèn, đã có nhiều nhà văn trẻ cho ra đời nhiều tác phẩm có chất lượng tốt. Hay nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn đều đặn xuất bản những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có nhiều bộ phim truyện, phim hoạt hình, bài hát dành cho thiếu nhi đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của các em. Tuy nhiên, chất lượng tổng thể vẫn chưa đồng đều, chưa có nhiều tác phẩm thực sự xuất sắc và chưa thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Số lượng tác phẩm vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu đa dạng của thiếu nhi.
* Ông nghĩ sao trước hiện tượng các sản phẩm ngoại nhập đang lấn át các sản phẩm trong nước ở các nhà sách, rạp phim, kênh truyền hình - Các sản phẩm VHNT nhập khẩu thường được thực hiện với kinh phí lớn, công nghệ tiên tiến, đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp nên có chất lượng cao, nội dung phong phú, dễ dàng thu hút sự quan tâm của thiếu niên, nhi đồng. Trong khi đó, ngành công nghiệp giải trí Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực. Dù đã có những cố gắng đáng kể nhưng so với sản phẩm ngoại quốc, sản phẩm nội địa vẫn còn khoảng cách về chất lượng và độ phủ sóng. Nhiều sản phẩm trong nước cũng thiếu sự mới mẻ và không bắt kịp xu hướng của giới trẻ, dẫn đến nhàm chán, kém hấp dẫn. Thêm vào đó, việc tiếp cận thông tin qua internet rất dễ dàng, giúp các sản phẩm ngoại quốc tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi đến đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Những xu hướng từ nước ngoài dễ dàng lan truyền và được đón nhận một cách nhanh chóng. Đây là điều đáng lo nhưng cũng là cơ hội để ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nhìn nhận và cải thiện. VHNT dành cho thiếu niên, nhi đồng không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho thế hệ trẻ mà còn là một cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Do đó, chúng ta cần có sự đầu tư tương xứng. |
Đã có những bước tiến nhất định trong việc sáng tạo các sản phẩm, một số tác phẩm đã khai thác tốt các yếu tố văn hóa truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại, như Kính vạn hoa, Trạng Tí, Dũng sĩ Hesman, Tí quậy, Thần đồng đất Việt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Tuy nhiên, nhìn chung, sự đổi mới trong cách tiếp cận và trình bày nội dung tác phẩm vẫn còn chậm, nhiều tác phẩm vẫn đi theo lối mòn, thiếu sự mới mẻ và chưa thật sự cuốn hút độc giả, khán giả nhỏ tuổi. Các sản phẩm vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng mục tiêu. Chúng ta cũng chưa có sự hỗ trợ mạnh mẽ, đúng như kỳ vọng từ các cơ quan chức năng, nhà xuất bản và các tổ chức văn hóa trong việc thúc đẩy sự phát triển của VHNT dành cho lứa tuổi này…
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của VHNT trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, tâm hồn, cảm xúc thẩm mỹ… cho thiếu niên, nhi đồng?
- Tôi tin rằng, VHNT không chỉ mang lại niềm vui, sự giải trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, xây dựng tâm hồn, nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho trẻ em. Vì vậy, việc đầu tư và khuyến khích trẻ tiếp xúc với VHNT từ sớm là cần thiết để giúp trẻ phát triển toàn diện và trở thành những công dân tốt trong tương lai.
VHNT truyền tải các giá trị sống, phẩm chất tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, tính trung thực, sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm… Thông qua các nhân vật và tình huống trong tác phẩm, trẻ em học được cách đối diện và giải quyết các vấn đề, từ đó hình thành tư duy và hành vi tích cực. VHNT giúp trẻ phát triển khả năng đồng cảm, từ đó biết xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Các tác phẩm cũng kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của trẻ, giúp trẻ phát triển trí tuệ và khả năng tư duy phong phú, giúp trẻ cảm nhận được cái đẹp trong cuộc sống.
VHNT cũng giúp trẻ em hiểu biết và yêu quý văn hóa dân tộc. Thông qua việc đọc sách, xem phim, nghe nhạc, trẻ em học được cách diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng, mạch lạc hơn. Các hoạt động nghệ thuật như kịch, múa, âm nhạc đòi hỏi sự hợp tác, làm việc nhóm, giúp trẻ phát triển kỹ năng làm việc cùng người khác một cách hiệu quả.
|
Shrek: On National Tour, vở nhạc kịch do các nghệ sĩ sân khấu Broadway (Mỹ) dàn dựng theo đúng tiêu chuẩn của bản gốc vừa ra mắt khán giả TPHCM tháng 7/2024 |
* Theo ông, làm sao để xây dựng được một nền VHNT phong phú, đa dạng dành cho thiếu niên, nhi đồng?
- Cần thực hiện một số biện pháp đồng bộ, từ việc đầu tư, hỗ trợ sáng tạo đến việc quảng bá và giáo dục VHNT. Đầu tiên, Nhà nước cần tăng cường đầu tư tài chính cho các dự án VHNT dành cho thiếu niên, nhi đồng; xây dựng cơ sở vật chất; cung cấp môi trường làm việc tốt cho các nhà sáng tạo; đào tạo và phát triển đội ngũ nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ chuyên nghiệp và có tâm huyết; khuyến khích các nghệ sĩ khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với yếu tố hiện đại để tạo ra những tác phẩm độc đáo, phù hợp với tâm lý và sở thích của trẻ.
Về phần mình, các văn nghệ sĩ cần sử dụng các phương pháp hiện đại để thu hút sự chú ý của các em, cải tiến cách trình bày và nội dung để phù hợp với xu hướng và sở thích của khán giả nhỏ tuổi. Các đơn vị làm văn hóa cần tận dụng các nền tảng số như YouTube, TikTok, Instagram và các ứng dụng đọc sách điện tử để quảng bá và phân phối các sản phẩm VHNT, tạo ra những nội dung số hấp dẫn và dễ tiếp cận, tổ chức các sự kiện để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT đến với thiếu niên, nhi đồng.
Ngành GD-ĐT cũng cần tăng cường giáo dục nghệ thuật trong trường học, đưa các môn học về VHNT vào chương trình giảng dạy từ sớm, giúp trẻ em hiểu và yêu quý các giá trị VHNT. Các trường nên tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa liên quan đến VHNT; khuyến khích trẻ em tham gia các hoạt động sáng tạo như viết văn, vẽ tranh, biểu diễn kịch, chơi nhạc cụ; tổ chức các khóa học giúp phát triển kỹ năng thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật cho trẻ em. Các đơn vị phát hành, tổ chức biểu diễn cần tạo cơ hội cho các nghệ sĩ giao lưu, tương tác với độc giả, khán giả thông qua các buổi gặp gỡ, trò chuyện, hoạt động ngoại khóa; khuyến khích trẻ em tham gia và chia sẻ những trải nghiệm, cảm nhận về các tác phẩm nghệ thuật…
* Xin cảm ơn ông.
Cần có những kế hoạch hợp tác với các tổ chức VHNT quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những phương pháp sáng tạo và công nghệ tiên tiến. Trên cơ sở đó, đầu tư cho những sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu thiếu nhi thời hội nhập. Các chương trình trao đổi VHNT với các nước dành riêng cho khán giả thiếu nhi cũng là việc làm cần thiết, giúp trẻ em Việt Nam có thêm kênh tiếp cận với văn hóa và nghệ thuật đa dạng, phong phú trên thế giới. Tôi tin rằng, để xây dựng một đời sống VNHT thiếu nhi phong phú, đa dạng, cần có sự đầu tư, hỗ trợ sáng tạo, quảng bá và giáo dục VHNT từ nhiều phía. Những đổi mới trong sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức, cùng với sự tương tác chặt chẽ giữa nghệ sĩ và khán giả nhỏ tuổi, sẽ giúp tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phù hợp với tâm lý và sự phát triển của các em. Từ đó cho ra đời những tác phẩm VHNT có đủ sức hấp dẫn, thu hút khán giả trong độ tuổi này. Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn |
Thảo Vân (thực hiện)