Cần sớm sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm

06/09/2019 - 12:00

PNO - Công tác phòng, chống mại dâm đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến khiêu dâm, kích dục, hoạt động mại dâm vẫn xảy ra và diễn biến hết sức phức tạp.

Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi vi phạm liên quan đến khiêu dâm, kích dục, hoạt động mại dâm vẫn còn xảy ra và diễn biến hết sức phức tạp trong các cơ sở xông hơi, xoa bóp, hớt tóc, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê giải khát, dịch vụ karaoke… Nguyên nhân là do các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phòng, chống mại dâm còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, chưa quy định chi tiết, khó áp dụng trong thực tiễn.

Từ thực tiễn nêu trên, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM đã tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trình UBND thành phố kiến nghị các bộ, ngành trung ương, Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu, sớm xem xét sửa đổi bổ sung các chính sách pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Cụ thể, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về mại dâm đồng tính và quy định cụ thể về “Tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh“, “sử dụng các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh” tại điều 25 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay các cơ sở kinh doanh dịch vụ thường đối phó với các cơ quan chức năng bằng cách tổ chức hoạt động khiêu dâm, kích dục và khi kiểm tra phát hiện thì các nhân viên khai báo tự cá nhân thực hiện hành vi thỏa thuận với khách hàng, chứ chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không có tổ chức hoặc cho phép nhân viên thực hiện hành vi vi phạm nêu trên, do đó cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

- Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm cơ sở kinh doanh dịch vụ về ký cam kết với UBND xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh về việc không để tệ nạn mại dâm xảy ra ở cơ sở do mình quản lý, nhưng không quy định biện pháp xử lý đối với cơ sở không thực hiện việc ký cam kết.

- Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay thông thoáng hơn; từ đó, một số chủ cơ sở khi bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, tệ nạn xã hội đã thay tên đổi chủ, để không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và né tránh tình tiết tăng nặng khi tái phạm. Điều này gây bức xúc đối với chính quyền địa phương và trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong thời gian qua.

- Nghị quyết số 24/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội khóa XIII về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: không áp dụng biện pháp “quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm”; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với người bán dâm nhưng không có biện pháp chế tài xử lý đối với các trường hợp thường xuyên tái phạm hành vi bán dâm từ hai lần trở lên.

- Cần có những chính sách hỗ trợ người mại dâm sớm hòa nhập với cộng đồng, tạo cơ hội cho họ thay đổi công việc góp phần giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng; đặc biệt là cơ chế phối hợp một cách đồng bộ của các cơ quan, đơn vị có liên quan để việc thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

 Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI