Tình cờ, chị Đ.T.D. (ngụ quận 7, TPHCM) biết được con mình là thành viên của hội “Ghét cha mẹ” trên mạng xã hội. Đọc những nội dung trong nhóm này, chị D. cảm thấy… lạnh sống lưng! Một thành viên tên Đ.L. viết rằng, mỗi buổi sáng thức dậy cô bé chỉ ước bố mình chết đi. Chỉ cần bố chết thì dù phải ăn đói, mặc rách, ngủ gầm cầu… cô bé cũng thấy cuộc sống tươi đẹp. Ở phần bình luận, nhiều thành viên khác cũng mong bố mình chết và có rất nhiều nội dung cực đoan về bố, kiểu như: Thà không có bố còn hơn! Ngày bố chết chính là ngày mình được sinh ra lần nữa. Các thành viên của nhóm cũng chia sẻ những bài viết về những vụ việc con cái giết hại cha mẹ.
Sự cổ xúy, kích động với một đứa trẻ đang có suy nghĩ tiêu cực là vô cùng nguy hiểm
Dù chưa tìm thấy bài viết nào của con gái mình, nhưng với những câu nói hỗn láo, tiêu cực, tục tằn, gọi cha mẹ bằng những danh xưng thiếu tôn trọng, chị D. cũng cảm thấy khó thở. “Bình thường, quan hệ giữa con gái với cha mẹ vẫn vui vẻ, ngoan ngoãn. Vậy, tại sao con lại là thành viên của hội “Ghét cha mẹ”, liệu cháu có ước cha mẹ chết hay không…” - chị D. hoang mang. Qua lời chị D., chúng tôi lập một nick ảo và xin tham gia hội “Ghét cha mẹ”. Và tôi thực sự bàng hoàng khi thấy thành viên của hội lên tới 2.000 người ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Có những đứa trẻ mới 12-13 tuổi, còn chưa hiểu hết sự đời, đã ước mẹ mình chết đi vì mẹ không cho tiền đi học thêm, vì bị ba mẹ bắt làm việc nhà, vì mẹ thương em hơn thương mình… Nhưng những bình luận có tính kích động, châm ngòi ở dưới những bài viết còn đáng sợ hơn. Dưới dòng trạng thái: “Mình ghét mẹ, ước mẹ chết đi vì mẹ hay lải nhải đạo lý” của bạn T.K.R., một bạn khác bình luận: “Đúng rồi, bà ý nên biến mất khỏi cuộc đời bạn”. Nếu có ai đó khuyên can thì lập tức bị đám đông vùi dập.
Giúp trẻ hình thành thói quen tích cực
Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội với những thông tin tiêu cực, thậm chí là độc hại, đã và đang ảnh hưởng sâu sắc tới việc hình thành và định hướng nhân cách của giới trẻ. Đã xảy ra nhiều vụ việc trẻ nghe theo lời chỉ dẫn, xúi giục từ mạng xã hội để rồi phải rước lấy những hậu quả bi thương.
Trong hội “Ghét cha mẹ” có những thành viên mới chỉ 12 tuổi nhưng đã buông những lời lẽ cực đoan về cha mẹ mình
Về hội “Ghét cha mẹ” nói trên, tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - nhận định, đây là một nhóm kín được lập ra để giải tỏa bức xúc. Các cháu nghĩ, có những điều không thể chia sẻ với ai thì vào hội để chia sẻ và sẽ nhận được sự thông cảm, thông tin cũng sẽ được bảo mật. Tuy nhiên, tác hại của những hội nhóm kiểu này vượt xa ngoài mục đích. Bởi khi chúng ta đang có khúc mắc trong lòng, nếu gặp những người có năng lượng tích cực thì suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề của ta cũng tích cực theo. Ngược lại, nếu gặp những kẻ chỉ thích “châm dầu vào lửa” thì suy nghĩ và hành động của ta sẽ càng thêm cực đoan, tiêu cực. Và chuyện trẻ nghe theo những lời kích động rồi có hành vi bạo lực với cha mẹ là không thể nói trước. Bởi thế, bác sĩ Đinh Thạc cho rằng, cần kiểm soát và dẹp bỏ những hội nhóm “độc hại” kiểu hội “Ghét cha mẹ” nói trên, vì chúng chẳng đem lại ích lợi gì mà còn tiềm tàng nguy hiểm.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (tỉnh Bạc Liêu) từng đề xuất các cơ quan quản lý thực hiện nghiêm túc và phối hợp các ngành liên quan quan tâm hơn nữa, có giải pháp tối ưu hạn chế những tác động tiêu cực từ mạng xã hội. Bà đề cao sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, nhà trường và gia đình trong giáo dục, định hướng cho giới trẻ biết cách khai thác thông tin thiết thực, có kỹ năng sử dụng mạng xã hội, biết chọn lọc các thông tin hữu ích, tránh xa tin độc hại, ứng xử văn minh… nhằm hình thành thói quen tích cực để ngăn chặn tiêu cực tham gia mạng xã hội.
Bác sĩ Đinh Thạc cũng cho rằng, không loại trừ khả năng một số thành viên trong hội “Ghét cha mẹ” có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như bị bạo hành. Nếu thế thì hãy chỉ cho các bé tìm tới một kênh trợ giúp chính thống như tổng đài bảo vệ trẻ em 111, chứ không nên tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội - nơi thật giả lẫn lộn, các em rất dễ trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Riêng về phía gia đình, bác sĩ Đinh Thạc khuyến cáo: “Người lớn không cấm nhưng phải giám sát để tránh trẻ bị tiêm nhiễm những thông tin xấu. Cha mẹ cần xem lại cách giao tiếp của mình với con xem đã ổn chưa. Cần chỉ cho con thứ con cần chứ không cho con thứ con muốn. Nếu quá khắt khe thì con sẽ sinh hận, còn quá chiều con thì lúc không được đáp ứng con sẽ mang thái độ thù hằn. Ngoài ra, cha mẹ cần tôn trọng con, nhất là quyền riêng tư của con. Cha mẹ đừng cư xử theo cách áp đặt mà hãy trao đổi và đồng hành cùng con”.
Về quyền và nghĩa vụ của con, điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Con được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình…”.
Như vậy, các hoạt động lập hội, nhóm “ghét cha mẹ”, dù riêng tư, kín đáo, bí mật và dù chỉ diễn ra trên nền tảng mạng xã hội thì cũng không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, quy định của pháp luật và hoàn toàn trái đạo đức xã hội và đạo lý, truyền thống tốt đẹp của các thế hệ gia đình Việt Nam. Cho nên, theo tôi cần chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp này. Ngay tên gọi đã thấy sự nguy hiểm và tác hại khôn lường cho giới trẻ, nhất là các thiếu niên và các “cậu ấm, cô chiêu” thời nay.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.