Cần rau quả gì ra ban công hái

02/05/2022 - 18:30

PNO - Sống trong chung cư cũ trên đường Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM), nhà tôi không rộng rãi và tiện nghi như những “căn nhà mơ ước” khác, nhưng may mắn có được khoảng ban công xinh xắn.

Vốn yêu cây cảnh nên trước đây gia đình chúng tôi làm xanh mát căn nhà bê tông của mình bằng cây cảnh. Nhưng do ít có thời gian chăm sóc nên ít lâu sau, chẳng còn cây nào sống được.

Nghe bạn bè tư vấn, tôi đổi “chiến thuật”, trồng trầu bà khắp ban công với giàn dây leo nhìn như những trái tim xanh lung linh trong gió. Trầu bà rất dễ trồng, quanh năm xanh tốt, tự sinh sôi nảy nở nên chúng tôi chẳng tốn công chăm sóc nhiều.

Trầu bà có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt do khả năng hấp thụ các sóng điện tử gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người như máy tính, sóng wifi, tia bức xạ từ lò vi sóng, bếp từ… giúp không khí sạch hơn.

Tôi trồng trầu bà khắp nơi trong nhà, từ phòng khách, góc cửa sổ, trong nhà vệ sinh, khu bếp, góc cầu thang… Đâu đâu trong từng ngóc ngách của căn nhà chúng tôi đều có sự hiện diện của trầu bà nhờ nó sinh trưởng rất nhanh. Tôi sử dụng lại chai lọ thủy tinh đựng đồ ăn trong tết, nào là lọ dưa món, lọ lỗ tai heo, lọ đựng các loại mứt… để đựng trầu bà và chỉ thay nước nửa tháng một lần. Dây nơ cũng dùng lại từ các gói quà trong tết, thắt lên các cổ chai thêm duyên dáng. 

Chị Ngọc Hân và vườn rau ngay ban công
Chị Ngọc Hân và vườn rau ngoài ban công

Đến khi dịch bệnh xảy ra, mọi người đều phải ở yên trong nhà, mua được bó rau cọng hành lúc ấy thật khó khăn nên mọi gia đình trong chung cư chúng tôi đều chuyển sang trồng rau tại nhà để có cái ăn. Tôi cũng thế, thu dẹp bớt khu vườn trầu bà và bắt đầu sự nghiệp làm nông ngay ban công. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, tôi cứ cắm rễ, quăng hạt của bất cứ loại rau củ nào có được trong nhà vào chậu đất, từ rau cải, mồng tơi, rau dền, hành lá rồi hạt cà chua, khổ qua… 

Thời điểm thành phố giãn cách, chưa ra đường mua phân bón được, tôi tranh thủ sử dụng lại các loại vỏ trái cây, vỏ trứng, vỏ rau củ… đem băm nhỏ để bón cây. Nước vo gạo, rửa rau tôi dùng để tưới cây. Sau hai tuần, những mầm non đầu tiên từ rau cải, mồng tơi, khổ qua… bắt đầu hé nở. Cả gia đình chúng tôi trầm trồ, vui sướng khi nhìn thấy thành quả của mình. 

Không chỉ mình tôi mà các con cũng bắt đầu yêu công việc trồng trọt này, dù thu hoạch chẳng là bao. Ba mẹ con chia nhau lịch tưới cây, bắt sâu, bón phân. Ngày phát hiện cây cà chua, khổ qua, bí đỏ, đu đủ đầu tiên trong mảnh vườn nhỏ bé nhà mình ra trái, ba mẹ con mừng muốn rơi nước mắt.

Thay vì lao vào các trang mạng đọc bài giải trí như trước đây, các con tôi đã lên mạng tìm hiểu nhiều về cách trồng và nuôi dưỡng các loại cây ăn quả. Con gái lớn của tôi đã trồng được những quả ổi đầu tiên trong đời cháu và rất quý trọng vườn cây nhỏ bé trước ban công.

Ngoài giờ làm việc, những lúc ở nhà mẹ con tôi hay ra ban công “nói chuyện” với cây cối, chăm sóc, tưới tắm cho các loại cây. Giờ muốn trồng gì thì cứ mua hạt giống, mua thêm một vài loại phân rồi về trồng.

“Vườn” nhà tôi tuy nhỏ nhưng có đủ hành, nghệ, ớt, rau thơm… là những loại gia vị thường dùng trong nhà. Giờ cần là ra vườn hái, chẳng phải mất công ra siêu thị. Trong thời buổi “gạo châu củi quế” như hiện nay, “vườn” nhà đã tiết kiệm được phần nào ngân sách gia đình, lại giúp các thành viên trong nhà gắn bó với nhau, sống có trách nhiệm và nhân ái hơn. Mỗi lần nấu trái của ai có công trồng thì người đó được ưu tiên ăn nhiều hơn. 

Nguyễn Thị Ngọc Hân kể 
(Xuân Hòa ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI