Cắn răng ly hôn thoát kiếp Ô-sin

30/06/2019 - 17:30

PNO - Ở độ tuổi gần bốn mươi, Ngà tay trắng rời khỏi cái nơi mình từng lầm lũi cơm nước, phục dịch, cay đắng với ý nghĩ, hóa ra bấy lâu họ đã sắm được một Ô-sin không công tận tụy.

Ngà lấy chồng khi tuổi không còn trẻ. Một người bạn làm chung giới thiệu Ngà với Phan. Phan cũng ở quê vào, mua được căn nhà trả góp, sống cùng với mẹ và cô em gái đã ly hôn, có đứa con trai nhỏ. Năm người túm tụm tại căn nhà bé tí trong hẻm cụt. Phan có bề ngoài sáng sủa, nên chẳng biết kén chọn gì mà ngoài ba mươi chưa lập gia đình.

Sau này, khi đã thành vợ chồng, Ngà mới biết, Phan rất nặng gánh gia đình. Cô em gái không có việc làm ổn định, bà mẹ lại hay đau ốm. Ngay cả Phan cũng bấp bênh. Thế nhưng, trước mặt Ngà, cả nhà chồng vẫn hay tỏ ý rằng, lấy được Phan là may mắn của Ngà.

Can rang ly hon thoat kiep O-sin
Ảnh minh họa

Đàn bà con gái muộn chồng bây giờ ê hề, chẳng phải ai cũng có thể kiếm được một anh trai tân, lại có nhà cửa ổn định ở thành phố như Phan.

Ngà đi làm về, ngày nào không tăng ca là tất tả nấu nướng, cơm nước dọn dẹp xong thì đấm lưng bóp chân cho mẹ chồng. Mẹ chồng Ngà bị thận, suốt ngày đeo túi nước tiểu bên mình. Lương công nhân của Ngà được bao nhiêu đều đổ vào chi tiêu trong nhà. Thu nhập của Phan để dành lo chuyện lớn. Thế nhưng, mỗi khi hàng xóm có ai hỏi tới, bà lại thở dài bảo, số thằng Phan nó khổ, đi làm vất vả để lo cho vợ con. Ngà chỉ biết cười buồn.

Rồi Phan bỏ việc, vay mượn đi xuất khẩu lao động. Ngà có ý cản, bảo hay Phan cứ ở nhà, vợ chồng chịu khó làm lụng, chừng nào ổn định thì sinh một đứa con hủ hỉ… Nhưng Phan gạt phăng, lấy lý do: ở nhà thì bao giờ mới khá nổi. Cô tưởng mình kiếm được nhiều tiền lắm hay sao mà ý kiến. Ngà cúi mặt, đành tiếp tục vai vợ chờ chồng, phục vụ mẹ chồng lẫn cháu chồng, thêm cô em chồng buồn vui thất thường.

Nhiều hôm đi làm về trễ, mệt bã người mà Phan vẫn muốn vợ thay quần áo, bày trò qua điện thoại để Phan xem. Ngà mãi vẫn không quen được với cảnh “yêu xa” kiểu ấy. Được ít tuần thì không thấy Phan đề cập gì nữa, cũng chẳng còn thường xuyên gọi về cho vợ…

Tình cờ có một người đồng hương quen biết nhắn Ngà phải giữ chồng. Phan đang tòm tem với một chị nọ, cũng xuất khẩu lao động. Ngà hỏi thẳng chồng. Phan không chối cũng chẳng nhận, chỉ bảo Ngà tập trung chăm sóc mẹ chồng đi. Lo chuyện quá tầm tay làm gì. Nước xa sao cứu được lửa gần mà bày đặt. Ngà khóc với mẹ chồng, nhận được một câu an ủi rằng: đàn ông mà, ráng nhịn để giữ chồng cho mình. Đàn bà mang tiếng một lần đò, khổ lắm.

Được hơn năm, Phan về thăm nhà, đối xử với vợ không vồ vập cũng chẳng hờ hững. Cứ lờ nhờ khách khí thế nào. Tiền bạc làm được, Phan đều đưa mẹ giữ giùm, Ngà chẳng biết nhiều ít bao nhiêu. Giữa đêm, Ngà giật mình nghe chồng nói chuyện điện thoại thì thầm ngoài sân. Hóa ra, người đàn bà kia cũng theo Phan về đợt này. Họ tận hưởng những ngày mật ngọt với nhau tại quê nhà, trước khi lại cùng chung vai sát cánh ở xứ người.

Ngà cắn răng đòi ly hôn. Phan không phản đối, mẹ chồng cũng chẳng giữ. Phan lu loa khắp nơi rằng, có khi vợ ở nhà ăn vụng liên miên mới đòi bỏ chồng. Ngà chẳng buồn thanh minh. Tính ra, sau cuộc hôn nhân gần 5 năm, Ngà chẳng thu hoạch được gì, ngay cả một đứa con cũng không có. Tiền bạc càng không. Ở độ tuổi gần bốn mươi, Ngà tay trắng rời khỏi cái nơi mình từng lầm lũi cơm nước, phục dịch, cay đắng với ý nghĩ, hóa ra bấy lâu họ đã sắm được một Ô-sin không công tận tụy.

Can rang ly hon thoat kiep O-sin
Ảnh minh họa

Nghe đâu, sau đợt đi làm ăn xa về, Phan lấy vợ, chính là người đàn bà đã cặp kè ở xứ người. Ngà cũng tạm ổn, nỗi uất ức đau đớn xưa cũng đã lùi lại. Có lần nghe tin mẹ chồng bệnh nặng, Ngà qua thăm. Lòng tự nhủ, dẫu sao cũng là cái nghĩa, chắc do Ngà đã hết duyên nên phải buông thôi. 

Trong gian phòng nhờ nhờ tối, mẹ Phan nằm quắt queo hôi hám ở góc nhà. Bà khổ sở kể, chúng cãi nhau mỗi ngày con ạ. Mà con đàn bà đó nó vừa lười vừa hỗn, chỉ muốn ăn sẵn, chả thèm động tay vào việc gì. Ông trời quả thật không có mắt. Số thằng Phan thật khổ, chẳng lẽ suốt đời cứ phải nai lưng ra nuôi hết vợ này tới vợ khác?

Ngà muốn bật cười thật to rồi buông một câu trả lời mẹ chồng cũ rằng, thật ra ông trời có mắt chứ. Nhưng thôi. Cay nghiệt không phải là bản tính của Ngà. Ngay cả khi Ngà chạm mặt chồng cũ ở ngay cửa nhà, bởi con hẻm cụt quá chật hẹp chẳng có chỗ nào mà tránh né, Phan cố giấu ánh nhìn thèm thuồng khi thấy vợ cũ qua biếu mẹ mình trái cam, hộp sữa.

Ngà giờ phổng phao, tươi tắn, nhẹ nhõm hơn hẳn cái thời còn là vợ Phan. Cô đã có tình yêu mới và luôn dặn mình đừng dại dột đi vào vết xe đổ mang tên “tận hiến” năm xưa nữa. 

Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI