Góp ý Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Cần quy định cụ thể về giám sát người có hành vi bạo lực gia đình

13/05/2022 - 06:29

PNO - Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhiều bạn đọc Báo Phụ Nữ TPHCM đã góp ý cho dự án luật này.

 

Việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), theo tôi, phải nhấn mạnh hơn nữa hai nguyên tắc: 

Tôn trọng quyền con người

Nói khác đi là phải lấy chủ thể bị bạo lực làm trung tâm. Điều này dựa trên thực tiễn, khi vụ việc xảy ra, công an xã sẽ gọi người bạo hành lên “làm việc”, sau đó tiến hành hòa giải (thường có mặt cả hai vợ chồng) theo cách thức: “đây là chuyện gia đình, thôi bỏ qua để gia đình yên ổn” và thường thì người vợ sẽ bỏ qua để được tiếng “vì gia đình”.

Trong khi đó, nếu tôn trọng quyền con người, cơ quan chức năng phải thận trọng trước khi tiến hành hòa giải. Chẳng hạn như cử người có kinh nghiệm tư vấn tâm lý, tìm hiểu tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người bị bạo hành, lấy ý kiến của họ làm trọng tâm hòa giải.

Nếu nguyên tắc “đề cao quyền con người” được xem xét, vận dụng thấu đáo thì có thể hạn chế thấp nhất tình trạng “tác dụng ngược” khi xây dựng từng điều luật.  Ví dụ, trong dự thảo, tại điều 3 “Giải thích từ ngữ”, có từ “cố ý” trong “hành vi cố ý”. Theo tôi, phải bỏ từ này.

Bởi lẽ, người gây BLGĐ thường đã có tâm lý coi thường phụ nữ, trẻ em, nên khi gây ra hành vi bạo lực thường hay ngụy biện là do “vô ý”, do “khách quan” (nóng tính, ghen tuông, vợ cãi, con không ngoan…), khiến việc xử lý khó khăn, thậm chí nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực có khi lại thuộc về nạn nhân. 

Ví dụ khác, tại khoản 6, điều 6 của dự thảo về những hành vi bị cấm như “trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị BLGĐ, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi BLGĐ”.

Giả sử, khi người con báo tin mẹ bị cha bạo hành. Người cha bị công an gọi lên “làm việc”. Trở về nhà, cha tịch thu điện thoại, cấm con không được tham gia mạng xã hội, giám sát các mối quan hệ của con với mục đích để che giấu hành vi bạo lực đã xảy ra (hoặc có thể vẫn tiếp tục xảy ra) không cho lộ ra ngoài. Vậy, đây có phải là hành vi “trả thù” không cũng cần được làm rõ.

Dự thảo quy định những biện pháp chấm dứt hành vi BLGĐ và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, trong đó có biện pháp “yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc BLGĐ” thường được sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi từ cơ quan công an trở về lại tiếp tục có hành vi sai trái, thậm chí hành vi sai trái có chiều hướng nặng nề hơn mà cơ quan chức năng không giám sát được. Phải chăng, đây là nguyên nhân chỉ có 4,8% nạn nhân BLGĐ tìm kiếm sự giúp đỡ của công an?

Do vậy, đứng trên lập trường “Lấy chủ thể bị bạo lực làm trung tâm”, cần có quy định cụ thể: sau khi người có hành vi BLGĐ đã được gọi đến công an lần thứ nhất thì người có hành vi BLGĐ phải tiếp tục đến công an mỗi tháng một lần, ít nhất trong ba tháng, để báo cáo về việc khắc phục hậu quả của mình; phải chịu trách nhiệm về chi phí để người bị bạo lực được tư vấn tâm lý (ngoại trừ điều trị đã được quy định sẵn).

Thực hiện đồng bộ và trách nhiệm rõ ràng 

Việc phối hợp giữa các ngành, các cấp cần đồng bộ và rõ ràng, cụ thể về quyền và trách nhiệm được giao. Tôi nhận thấy, việc thực hiện luật 2007 còn bất cập như không thực hiện được việc xây dựng nhà tạm lánh, tư vấn tâm lý, pháp lý chưa đến nơi đến chốn; báo cáo phòng, chống bạo lực là báo cáo thường xuyên, định kỳ nhưng nơi thực hiện nơi không; việc giám sát, có ý kiến đối với các vụ BLGĐ của cơ quan chức năng rất chậm… nhưng hầu như không cá nhân, tổ chức nào bị xử lý.

Từ việc đánh giá nguyên nhân BLGĐ do yếu tố văn hóa, đề nghị đưa nội dung giáo dục bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ vào chương trình giáo dục phổ thông cơ sở. Cũng nên thiết kế lại nội dung giám sát việc thực hiện luật của các ban, ngành theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức, nhất là người đứng đầu để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí… không thực hiện cũng không sao!

Việc phòng, chống BLGĐ có vai trò rất lớn của công an và Hội Phụ nữ, nhưng thời gian qua vai trò “giám sát, phản biện các vấn đề xã hội” và “đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em” chưa cao, chưa tương xứng với vai trò của Hội. Do vậy, cần nêu rõ trách nhiệm của Hội và cơ chế tạo điều kiện cho Hội thực hiện tốt nhiệm vụ này. 

Cuối cùng, cần có chế tài, hình phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe để người có hành vi BLGĐ “không dám”, “không thể” thực hiện hành vi sai trái. 

Lê Duy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI