Cần quy định chặt chẽ để cảnh sát cơ động không lạm quyền

26/05/2022 - 12:11

PNO - ĐBQH lo nếu không quy định trường hợp cụ thể cảnh sát cơ động có thể huy động phương tiện, tài sản của người dân thì có thể dẫn tới lạm quyền.

 

 

Cảnh sát cơ động tham gia giữ gìn trật tự giao thông
Cảnh sát cơ động tham gia giữ gìn trật tự giao thông

Sáng 26/5, tiếp tục chương trình nghị sự, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn cho biết, qua thảo luận về quy định huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16), một số ý kiến đề nghị không quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị của lực lượng Quân đội nhân dân, nhất là ở trên biển, trên không, khu vực biên giới.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý tên điều và nội dung điều luật theo hướng chỉ huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng vũ trang nói chung, cảnh sát cơ động cần được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong một số trường hợp đặc biệt để bảo đảm khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đây là các tình huống phát sinh ngoài dự kiến, rất đa dạng khó lường.

Qua rà soát hệ thống pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng hiện một số luật trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong đó có Luật Công an nhân dân cũng quy định về quyền này trong “trường hợp cấp bách” hoặc “trường hợp khẩn cấp” nhưng đều không giải thích cụ thể “trường hợp cấp bách” hoặc “trường hợp khẩn cấp” mà gắn với mục đích, yêu cầu cụ thể.

Đồng tình với sự cần thiết quy định có thể huy động người, phương tiện, thiết bị trong một số trường hợp đặc biệt, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) chỉ ra, điều này đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn, cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên. Bởi trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) lo tình trạng lạm quyền nếu không quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt cảnh sát cơ động có thể huy động phương tiện, tài sản của người dân

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) lo tình trạng lạm quyền nếu không quy định cụ thể các trường hợp đặc biệt cảnh sát cơ động có thể huy động phương tiện, tài sản của người dân

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách nào được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật.

Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản, do đó, có quy định chặt chẽ nội dung. Hoặc nếu không đưa ra cụ thể tại luật thì sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh tình trạng người thi hành công vụ lạm quyền, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

M.Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI