Chào mừng đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiếp tới Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026:

Cần quan tâm đến "chỉ số hài lòng” của hội viên

18/06/2021 - 12:03

PNO - Trước thềm đại hội, bao chỉ tiêu cho nhiệm kỳ mới được đưa ra, trong đó, chỉ tiêu phát triển hội viên luôn là bài toán khó. Thế nhưng, chúng ta vẫn có nhiều con số đẹp. Riêng chỉ số hài lòng của hội viên khi tham gia hoạt động Hội thì gần như bỏ ngỏ, chưa có con số hay tiêu chí rõ ràng.

Một ngày cuối tháng Năm, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một phụ nữ ở H.Đông Anh, Hà Nội gọi vào số Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TP.HCM (0913.159315). Chị muốn nhờ Hội Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em TP.HCM hỗ trợ, giúp em gái chị là một phụ nữ bị thiểu năng, được nhận trợ cấp xã hội vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Tôi hướng dẫn chị nên nhờ cơ quan bảo vệ quyền lợi phụ nữ gần nhất là Hội LHPN xã/phường nơi chị đang sinh sống, để được hỗ trợ dễ dàng hơn. Chị bảo, chị đã bị từ chối, vì em gái chị không phải là hội viên phụ nữ. “Một người ngay cả việc tự chăm sóc bản thân cũng chưa nhận thức được, thì các chị đòi phải tham gia hoạt động Hội Phụ nữ như thế nào?”, chị chua chát. 

Tôi bần thần nhớ đến câu chuyện mình biết trước đó vài ngày về chị Phạm Thùy Linh - chi hội trưởng chi hội khu phố 3, P.6, Q.8, TP.HCM.

Chị Thùy Linh kể, chị quê Đồng Tháp lên làm dâu ở TP.HCM, từng có thời điểm rơi vào ngõ cụt khi suốt ngày quẩn quanh với chuyện nội trợ. Rồi chị được chị chi hội trưởng khu phố rủ rê tham gia sinh hoạt. “Tham gia sinh hoạt, thấy chị em chia sẻ, bàn cách để mỗi phụ nữ phải có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, tôi tìm thấy điều mình cần ở đó”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Bà con nhân dân khu cách ly đến nhận rau củ quả. Hoạt động do tổ chức Hội tổ chức

Sau nhiều năm hăng hái với phong trào, chị Thùy Linh trở thành chi hội trưởng. “Tôi muốn tham gia để làm cầu nối giúp chị em phụ nữ”, có lẽ đây là lý do để lần nào gặp tôi cũng nhìn thấy ở chị sự say mê, hết lòng. Không ít lần, chị được chị em gõ cửa. Cách đây khoảng hai tháng, một phụ nữ (không phải là hội viên) tìm đến chị nhờ hỗ trợ. Chị này mắc bệnh ung thư, kinh tế gia đình đã cạn kiệt. Với nguồn kinh phí hạn hẹp của chi hội, không có khoản ưu tiên dành cho việc chăm lo những người ngoài Hội. “Nhưng là phụ nữ với nhau, trong lúc người ta cần giúp đỡ, lẽ nào mình phân biệt hội viên hay không hội viên”. Nghĩ vậy nên chị Thùy Linh đi gõ cửa các đoàn thể khu phố và ra sức vận động nhiều người cùng chung tay giúp đỡ. Bốn ngày sau, chị cùng đại diện khu phố đến trao cho chị phụ nữ kia 4 triệu đồng gom góp được.

Số tiền không nhiều, nhưng là cả sự chắt chiu mà chị đại diện tổ chức Hội, mang đến cho người cần. Sự ấm áp ấy sẽ được cảm nhận, để sau đó, bao người sẽ biết đến chi hội mà gắn bó. Trụ sở khu phố có diện tích khiêm tốn, chị nói rằng hạnh phúc nhất của chị trong vai trò chi hội trưởng, là nhìn thấy niềm vui thật sự của hội viên khi đến tham gia sinh hoạt, chứ không phải là số đông đến cho có lệ.

Trước thềm đại hội, bao chỉ tiêu cho nhiệm kỳ mới được đưa ra, trong đó, chỉ tiêu phát triển hội viên luôn là bài toán khó. Thế nhưng, chúng ta vẫn có nhiều con số đẹp. Riêng chỉ số hài lòng của hội viên khi tham gia hoạt động Hội thì gần như bỏ ngỏ, chưa có con số hay tiêu chí rõ ràng. Làm sao để mỗi hội viên đến với tổ chức Hội vì nhìn thấy sự thay đổi và phát triển, để chính họ là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới, chứ không phải đến để được chăm lo, hỗ trợ khi có việc cần. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI