Cần quản lý việc nuôi chó một cách triệt để

03/04/2024 - 06:11

PNO - Một thành phố văn minh, hiện đại, đáng sống không thể chấp nhận hành vi như để chó không rọ mõm chạy rông ngoài đường, phóng uế và cắn người bừa bãi.

Thông tin về việc chó tấn công người, gây thương tích trầm trọng dường như không xa lạ với mọi người bởi hầu như năm nào cũng xảy ra những trường hợp như thế ở nước ta. Nó cũng không xa lạ bởi hễ bước ra đường, người ta lại dễ dàng thấy cảnh chó thả rông, không rọ mõm, từ trung tâm thành phố đến ngoại thành, từ những nơi công cộng cho đến hang cùng ngõ hẻm.

Trên đường Hoàng Sa, quận 3, TPHCM, nhiều người thả chó chạy rông, đe dọa sự an toàn của người khác Ảnh: Tú Ngân
Trên đường Hoàng Sa, quận 3, TPHCM, nhiều người thả chó chạy rông, đe dọa sự an toàn của người khác Ảnh: Tú Ngân

Nhà tôi ở quận Phú Nhuận, TPHCM, cách kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chừng 500m. Dọc bờ kênh, sáng, chiều thường có nhiều người đến hóng mát hoặc tập thể dục. Nhưng đây cũng là nơi người ta mang chó đến, tháo xích ra để chúng chạy nhảy và vô tư phóng uế. Những ai qua lại nơi đây cũng phải cẩn thận vì sợ bị chó tấn công hoặc đạp phải phân chó.

Thật ra, nuôi chó là quyền cá nhân của mỗi người và tình yêu của con người dành cho động vật là điều đáng quý. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, người nuôi thú cưng nhận được nhiều lợi ích cho sức khỏe, như giảm huyết áp và mỡ máu; giảm cảm giác cô đơn, lo lắng và những triệu chứng của rối loạn stress sau chấn thương (PTSD); gia tăng cơ hội hoạt động và tập luyện ngoài trời; gia tăng chức năng nhận thức, nhất là với người lớn tuổi. Nhưng, nuôi chó mà gây ra những hệ lụy cho cộng đồng lại là chuyện khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, Việt Nam có hơn 70 trường hợp tử vong do bệnh dại, hầu hết số ca nhiễm bệnh dại là do chó dại gây ra. Cần biết là WHO xếp bệnh dại vào nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên (neglected tropical diseases - NTD) khi phần lớn nạn nhân là người dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người già yếu, tàn tật), người nghèo và người sống bên lề xã hội.

Quản lý việc nuôi chó để không gây ảnh hưởng đến cộng đồng là điều cấp thiết. Việt Nam đã có nghị định về việc này, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì không mấy hiệu quả do không dễ xác nhận chủ của chó thả rông. Do đó, nhiều người rất đồng tình với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM: chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp phường, xã và khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử trên vật nuôi để quản lý thông tin. Giải pháp này được áp dụng từ lâu ở nhiều nước trên thế giới nhằm xác định trách nhiệm chủ chó để tránh việc thả rông chó.

Song song với việc xác định chủ chó thả rông, có lẽ cũng cần nâng cao mức xử phạt. Mức phạt hiện nay (từ 300.000-500.000 đồng) đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng là chưa đủ tính răn đe. Năm ngoái, chính quyền một địa phương của nước Anh đã nâng mức phạt lên 100 bảng (khoảng 3 triệu đồng) đối với chủ chó không hốt phân và dọn dẹp sạch khi để chó phóng uế ngoài đường hoặc để chó chạy vào những khu vực công cộng cấm chó vào.

Cùng với xử phạt, có lẽ cũng cần có những chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về nuôi chó. Phần đông dân chúng đã không dám lái xe sau khi đã uống rượu bia là nhờ vào việc xử phạt nghiêm minh và tuyên truyền rộng rãi.

Một buổi sáng đầu tháng Tư, tôi thả bộ ra hồ Con Rùa ở trung tâm TPHCM. Đập vào mắt tôi là cảnh 1 con chó lớn không rọ mõm chạy lòng vòng. Cách đó không xa, một người nước ngoài nhìn theo lắc đầu, ra chiều ngán ngẩm.

TPHCM được định hướng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, đáng sống. Một thành phố như thế thì không thể chấp nhận những hành vi làm mất mỹ quan đô thị, mất an toàn kiểu như để chó không rọ mõm chạy rông ngoài đường, phóng uế và cắn người bừa bãi.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI