Căn phòng hạnh phúc cho nữ phạm nhân: Rủi ro nhưng được rất nhiều

03/11/2016 - 16:13

PNO - Trả lời câu hỏi có nên hay không "căn phòng hạnh phúc" cho nữ phạm nhân, ông Ngô Văn Xuân cho rằng: "Mọi quy định đều có phần rủi ro, nhưng cái được lại rất nhiều, vậy thiết nghĩ điều này là cần".

Mới đây, khi Bộ Công an công bố dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân… đã nhận được rất nhiều ý kiến của người dân, cơ quan ban ngành.

Cụ thể, trong phần quy định về thủ tục thăm gặp, dự thảo có nêu rõ trường hợp phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng. Theo dự thảo, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Tuy nhiên, phạm nhân phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Phạm nhân vẫn là những con người

Chia sẻ quan điểm với PV, ông Nguyễn Thanh Hùng (40 tuổi, trú tại Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, HN) thể hiện việc ủng hộ chính sách này. Theo ông, phòng hạnh phúc là một cách làm rất tình người, điểm mới này thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Can phong hanh phuc cho nu pham nhan: Rui ro nhung duoc rat nhieu
Cuộc gặp gỡ của một gia đình trong căn phòng hạnh phúc. Ảnh: Zing

Ông cho rằng, cũng có thể trong những lần gặp hiếm hoi giữa hai vợ chồng, họ trò chuyện với nhau, phạm nhân sẽ khao khát cuộc sống tự do, được về với gia đình sớm hơn mà cải tạo thật tốt.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng tỏ ra băn khoăn về việc sẽ sử dụng biện pháp gì tránh thai cho các phạm nhân để đảm bảo chắc chắn không xảy ra trường hợp này. Theo ông, cần nghiên cứu về điểm này trước khi dự thảo đi vào thực thi.

Đồng quan điểm với ông Thanh, ông Nguyễn Tuấn Đức (37 tuổi, Văn Phú, Hà Đông, HN) cũng cho rằng, không phải cứ khắt khe với tù nhân là họ không dám phạm tội. Việc tạo điều kiện cho vợ chồng gặp gỡ cũng là một trong những cách giáo dục rất tốt, có thể làm thay đổi suy nghĩ, kích thích tính hướng thiện của con người.

Hơn nữa trong dự thảo cũng nêu rõ, để được gặp chồng trong "buồng giam hạnh phúc" nữ phạm nhân sẽ phải cải tạo tốt hoặc lập được công, vì thế sẽ khuyến khích họ nỗ lực, chấp hành nội quy để được gặp chồng. Hơn thế nữa, nữ phạm nhân cân bằng được tâm lý.

"Phải vào trong môi trường đấy thì mọi người mới hiểu hết được. Khi mình rơi vào đáy của xã hội mà vẫn nhận được sự khoan hồng, quan tâm của Nhà nước, các cán bộ trại giáo thì sẽ rất cảm thấy biết ơn, đó cũng là động lực để mình thay đổi.

Hơn nữa, nhiều người phải đi tù nhiều năm. Người đi tù chỉ là một phần, còn vợ, chồng của họ ở nhà, họ cũng có nhu cầu sinh lý rất lớn. Nếu trong thời gian dài không được đáp ứng rất dễ dẫn đến việc ngoại tình, tan nát gia đình, phạm nhân sẽ cảm thấy mình như đã mất tất cả", ông T.V.B (Như Xuân, Thanh Hóa) - một người đã từng có thời gian dài cải tại chia sẻ.

Trước dự thảo này, ông Lê Đình Công Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng ý tưởng này rất tốt. Bởi phạm nhân phải đi tù do tội lỗi đã làm, nhưng thực ra họ vẫn là những con người.

Tính theo chiều ngược lại, ông Nguyên cũng tính đến khả năng phức tạp trong thực thi: "Nếu lỡ có thai thì sẽ giải quyết ra sao? Những phạm nhân đặc biệt có thai thì được ân xá không? Việc này phải cân nhắc, tính toán thật kỹ".

Mọi quy định đều rủi ro, nhưng được rất nhiều

Bày tỏ sự lạc quan, ông Ngô Văn Xuân (Mễ Trì Thượng, HN) cũng cho rằng: "Phạm nhân nam nên được gặp vợ, phạm nhân nữ nên được gặp chồng. Mọi quy định đều có phần rủi ro, nhưng cái được lại rất nhiều, vậy thiết nghĩ điều này là cần".

Nói về hướng giải pháp đảm bảo "an toàn", ông cho rằng nên áp dụng tránh thai sinh học cho nữ phạm nhân, chỉ có cách này là hữu hiệu nhất.

Xung quanh vấn đề này cũng có khá nhiều ý kiến trái ngược, phản bác lại dự thảo này, anh Nguyễn Trung Kiên (30 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh) cho rằng, mới nghe thì có vẻ nhân văn, nhưng thử nghĩ nếu chẳng may phạm nhân nữ có thai, sinh ra đứa bé ở trong tù, thiếu thốn, môi trường trong tù liệu có tốt cho một đứa trẻ?

Hơn thế nữa, sau này khi lớn lên liệu cháu bé có mặc cảm về tuổi thơ của mình không. Trước khi thực thi dự định này cần cân nhắc thật kỹ.

Cũng bày tỏ sự lo ngại, anh Dương Khắc Trung (32 tuổi, Hoàng Mai, HN) nhận định: Tội phạm tại nước ta vẫn ở mức cao, vì vậy càng không nên lý tưởng hóa trại giam vì trại giam vốn dĩ là nơi xám hối tội ác.

"Hơn nữa, để thực hiện dự thảo này cần thêm khoản chi phí lớn và các phát sinh, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện", ông Trung e ngại.

Đề cao trách nhiệm giám thị trại giam

Dưới góc nhìn của Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, Dự thảo mới của Bộ Công an được đưa ra trong bối cảnh nhiều trường hợp phạm nhân nữ lợi dụng việc mang thai để tránh án, điều này càng thể hiện những ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của pháp luật Việt Nam.

Luật sư Phạm Công Út nhìn nhận, hiện nay nhiều nước đã áp dụng việc nữ phạm nhân gặp gỡ chồng tại phòng riêng trong nhà giam. Tuy nhiên ở nước ngoài không xảy ra các vấn đề tiêu cực như ở Việt Nam.

Luật sư Út nhận định, cần phải đề cao vai trò và trách nhiệm của các giám thị trại giam trong vấn đề bình xét phạm nhân cũng như giám sát việc thực hiện các cam kết. Nếu để xảy ra những trường hợp mang thai ngoài cam kết ở trại thì cán bộ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đồng thời, cần lưu ý đến việc các biện pháp phòng chống mang thai đối với nữ phạm nhân.

"Đặc biệt, phải quy định rõ nếu như đã cam kết nhưng vẫn để xảy ra những tình trạng mang thai ngoài ý muốn thì nữ phạm nhân không được hưởng các chế độ khoan hồng của Đảng và nhà nước”, LS Út nhấn mạnh.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI