Dịp tết, trên facebook cá nhân, cô giáo Uyên đăng dòng trạng thái “37 năm ăn tết ở nhà nội thân thương, chỉ có nơi đây, với mình mới thật sự là tết đoàn viên”. Kèm theo đó là những bức hình của chị với ông xã trước cửa một gian thờ nhìn rất xưa, cứ như ở một làng quê miền Tây nào đó.
Từ những bức hình và dòng trạng thái đó, tôi được nghe kể về một đại gia đình hàng trăm năm nay sống quần tụ, yêu thương, gắn bó và nương tựa nhau dưới mái nhà mà mọi người gọi thân thương là "nhà lớn" (183 Nguyễn Ðình Chiểu, Q.3), giữa trung tâm Sài Gòn.
Ngôi nhà của tình yêu thương
|
Các thành viên trong "nhà lớn" |
Ít có ngôi nhà nào ở Sài Gòn mà con cháu trong gia đình nhắc về nó với cả câu chuyện dài từ thuở mảnh đất này còn hoang vu, rậm rịt như ngôi "nhà lớn" của gia đình ông Nguyễn Văn Bé - nội của cô giáo Uyên. Cô kể rằng ngày xưa bà xơ (tức bà ngoại của ông Nguyễn Văn Bé) là một bà mụ nổi tiếng của đất Sài Gòn. Bà đã xây căn nhà này khi đường Nguyễn Đình Chiểu còn là đường mòn nhỏ xíu, cây cỏ rậm rịt. Hàng trăm năm trước, ngôi nhà là nơi chung sống của một đại gia đình với nhiều gia đình nhỏ. Trải qua bao thăng trầm, ngôi "nhà lớn" ấy nay vẫn là nơi cư ngụ hòa thuận của gần chục gia đình từ chú thím đến anh chị em, cháu chắt bốn thế hệ bên nhau.
Tuổi thơ của cô giáo Uyên cũng như hàng chục đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này là gắn bó với khoảnh sân nhỏ cùng ông nội. Hàng ngày khi những người cha, mẹ của bầy trẻ đi làm, ông nội tụ tập bọn trẻ lại bày trò chơi đá banh, chơi keo, chơi cờ tướng. Hết chơi thì chúng quây quần bên ông trên chiếc xích đu nghe kể chuyện những anh hùng nghĩa hiệp, sống trượng nghĩa.
Trong những trò chơi, ông dạy cho các cháu tinh thần chiến đấu, cạnh tranh, vươn lên và chiến thắng. Từng là một quân nhân, người ông đã mang đến cho bọn trẻ con trong nhà tình cảm yêu thương chăm sóc đi kèm sự uy nghiêm dạy dỗ tôn ti trật tự, trước sau đâu vào đó. Từ đó mà những thế hệ con cháu sống dưới một mái nhà chung rất hòa thuận.
Đất thì không nở, chỉ có người sinh sôi. Thế nhưng chẳng mấy ai muốn rời khỏi ngôi "nhà lớn" ấy mà ra đi. Làm ăn ngày càng phát đạt, điều kiện chẳng thiếu, nhưng nhiều người con vẫn cứ muốn sống trong căn nhà này, dù nó đã được nhiều lần ngăn thêm vách nhỏ, chia diện tích bé dần lại. Có những người sau một thời gian ra ngoài sống, gặp sự cố như người thân yêu mất, hay cha mẹ xuất cảnh, để lại những đứa con chưa kịp lập gia đình nhưng không thuộc diện bảo lãnh, thế là lại đùm túm quay trở về "nhà lớn", với nội.
Người trong nhà chẳng bao giờ phải bàn bạc, việc chia thêm những vách ngăn, là chuyện hiển nhiên. Những căn phòng thì bé lại, nhưng tình yêu thương của người trong gia đình ấy thì luôn luôn rộng ra thêm, để đùm bọc những người quay trở về, tìm hơi ấm, sự an toàn, chỗ dựa ở những người thân yêu.
Bên cạnh khoảnh sân, con cháu của gia đình ông nội Nguyễn Văn Bé còn dành tình cảm sâu sắc không kém với cái bếp rộng lớn. Gần chục gia đình sinh sống trong những căn phòng được ngăn chia nho nhỏ, nhưng nhà thờ, phòng khách, bếp là của chung. Cô Uyên kể, vui nhất là những chiều cô, thím, cháu, dâu… cùng vào bếp.
Mỗi nhà có một khoảnh của mình, xào nấu rôm rả, nhà này bày cho nhà kia món mới, xin nhau trái chanh, quả ớt. Có người là ruột thịt, có người “nhập cư” vào sau một đám cưới ấm áp, chẳng bao giờ trong căn bếp có tiếng cãi cọ, trách móc, nặng nhẹ. Ở nơi đó có hai bà mẹ chồng, hai bà nội luôn cai quản, chăm sóc, bảo ban việc nhà cho những người phụ nữ trong gia đình.
Linh hồn của đại gia đình
Khi tôi kể cho một người bạn nghe về "nhà lớn" của cô giáo Uyên, anh bảo: “Trong ngôi nhà ấy chắc chắn phải có một người đứng đầu rất có uy, mạnh mẽ, công bằng, chính trực, thông minh và đầy tình yêu thương”. Thật bất ngờ, nhận xét ấy của người bạn quá đúng. Người mà tất cả thành viên trong "nhà lớn" đều nhắc tới với lòng yêu thương và kính trọng chính là ông nội Nguyễn Văn Bé.
Ông Nguyễn Văn Bé có hai người vợ (điều được công nhận trong thời của ông) là hai chị em ruột. Trong nhà, ngay từ đầu, ông đã ra quy định: giữa các con không có sự phân biệt con dòng vợ lớn, vợ nhỏ. Cứ đứa nào sinh trước là anh, chị, sinh sau là em. Với sự công bằng và nghiêm minh, ông đã “điều hành” cả gia đình lớn với 12 đứa con và rất nhiều cháu một cách nghiêm khắc nhưng đầy bao dung.
Cũng nhờ nền nếp, quy định đó của ông mà cuộc sống của đại gia đình luôn hiền hòa, ấm áp. Trò chuyện với các cháu của ông, thường nghe nhắc đi nhắc lại rằng, nhờ có ngôi "nhà lớn" nên mọi người được sống gần nhau, mới thấy gắn kết và yêu thương nhau. Tất cả cháu con của đại gia đình đều cảm thấy tự hào, chia sẻ từng mét đất chẳng mấy rộng rãi và coi đó là việc hết sức bình thường, việc tất nhiên phải thế.
Trong gia đình, sau cái uy của ông nội, là cái uy của người lớn với người nhỏ, người trên với người dưới. Điều này thể hiện trong một lần người cô của cô giáo Uyên, khi dạy dỗ các cháu đã nhắc nhở: ngày xưa ông nội dạy trong nhà hễ anh nói thì em phải vòng tay đứng nghe. Tuy rằng việc vòng tay đứng nghe ấy nay không còn nữa, nhưng truyền thống “kính trên nhường dưới” của gia đình lớn này vẫn không thay đổi. Nếu không có sự kính nhường ấy, chỉ nội chuyện chỗ ở trong gia đình, ai được ở mặt tiền miếng đất trung tâm Sài Gòn, ai ở trong, do ông nội phân chia, có thể đã là chuyện không được tuân thủ và vui vẻ làm theo như thế suốt hàng chục năm qua.
Một điều đặc biệt trong ngôi "nhà lớn", là sự “phân biệt đối xử” rõ ràng của ông nội với các thành viên. Trong khi rất nghiêm khắc và giữ khoảng cách với cháu con ruột thịt thì ông lại cưng chiều dâu, rể, cháu dâu, cháu rể. Ông có thể la rầy các con, nhưng chẳng bao giờ la rầy dâu rể. Ông khiến những người lạ bước chân vào "nhà lớn" lập tức cảm thấy được yêu thương và được sống thoải mái như ở nhà mình, dù rằng ở đây, có những người thím, người cô phải về làm dâu của hai bà mẹ chồng, làm chị, làm em của nhiều em chồng, anh chồng, chị chồng…
Sự “phân biệt đối xử” còn rõ nét hơn khi các cháu trai dẫn bạn gái về nhà thì luôn được ông thoải mái, tươi cười vồn vã tiếp đón. Trong khi đó các cháu gái dẫn bạn trai về thì bị ông khó khăn truy hỏi, xét nét. Khi các cháu gái thắc mắc, ông Bé cười hiền hòa: “Ông nội giữ là giữ cho tụi con. Đàn ông con trai yêu đương không mất gì, chứ các con là con gái thường bị thiệt thòi”.
Khó khăn là thế, nền nếp quy củ là thế, nhưng người ông ấy cũng rất linh hoạt, biết lắng nghe, biết thay đổi. Cô giáo Uyên kể, khi cô đưa bạn trai vừa là người khác vùng miền, vừa khác quan điểm, chính kiến… về ra mắt đã bị ông nội phản ứng, thể hiện thái độ không thích. Cô về tâm sự với ba mình và ba cô nói chuyện với ông. Ngay sau đó, thấy ông nội thay đổi thái độ, cô giáo hỏi ba mình xem ba nói gì với ông, ba cô kể: “Ba nói ông rằng không quan trọng là ông nội thích hay không mà quan trọng là hạnh phúc của con, ông phải tác hợp cho cháu chứ”. Kể từ đó, mỗi lần cô giáo Uyên đưa người yêu về là ông mở cửa, đứng canh cho cháu rể de xe, chạy xe vào…
Những đứa trẻ lớn lên từ "nhà lớn" khó có thể kể lại hết những lời lẽ cụ thể nào mà ông nội mình đã dạy. Nhưng điều cô giáo Uyên và các con cháu trong nhà nhớ nhất là việc ông chẳng bao giờ ngăn cấm các cháu đùa chơi. Ông luôn kích thích các cháu hoạt động, la hét, và có tinh thần chiến thắng, luôn tìm cách giúp các cháu phát huy thế chủ động, chú trọng phát triển các tố chất, phong cách lãnh đạo trong từng đứa cháu của mình. Mọi thành viên trong gia đình đều được ông khuyến khích tranh luận, phát biểu, thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình. Tất cả những điều đó khiến cho không khí trong "nhà lớn" luôn hết sức cởi mở,
thân tình.
Cách đây tám năm, ông nội bệnh nặng. Mấy năm ông nằm một chỗ, đêm nào các chú các bác cũng phân công một người ngủ bên ông, trò chuyện và chăm sóc. Đến phiên người nào đêm ấy ngủ với ông thì từ chiều người vợ đã chuẩn bị chăn gối mùng mền, món ăn cho chồng mình thực hiện nhiệm vụ làm con, làm cháu.
Những ngày đó lại thêm lần nữa chứng tỏ cho các thành viên trong gia đình của "nhà lớn", rằng có con và nuôi dạy con nên người là cái phước của con người. Ông nội đã ra đi trong sự quan tâm, gần gũi, chăm sóc ấm áp của tất cả mọi thành viên trong nhà.
Nhắc về ông nội, cô giáo Uyên rưng rưng: “Khi ông mất đi, chúng tôi cảm thấy vô cùng đau đớn, bởi một phần linh hồn của "nhà lớn" đã ra đi cùng với ông. Nhưng những gì ông đã dạy chúng tôi, cái uy của ông và tình yêu thương của ông đã được gieo vào từng thành viên trong gia đình”.
Song Văn