Cắn phải tay mình

08/09/2015 - 07:59

PNO - Rõ ràng, chẳng hay ho gì chuyện bới móc lẫn nhau khi tình cảm đã không còn mà nợ nần ân oán thì dai dẳng.

Can phai tay minh
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Thỉnh thoảng, đọc những mẩu tin về chuyện ngôi sao này, người mẫu nọ họp báo để công bố chuyện này, đính chính chuyện khác, thiên hạ mệt mỏi nghĩ rằng, họ đúng là những người đang lợi dụng sự nhàn rỗi của một bộ phận công chúng để khoa trương danh tiếng.

Nhưng, đến chuyện lôi mâu thuẫn gia đình ra để “họp báo”, dùng báo chí như một kênh thông tin nhằm đòi quyền nuôi con, thì đã là một chuyện khác rồi.

Như vụ một người mẫu mới họp báo tố chồng bạo hành, đòi được quyền nuôi con trai, không ngần ngại trưng ra những tấm hình chụp những vết thâm tím mình mẩy, dập môi tứa máu, bảo là hình ảnh mình bị bạo hành…

Có người nói, ly hôn rồi, hai người không còn quan hệ hôn nhân gì nữa, đừng nghĩ mình là người của công chúng thì có quyền tập hợp truyền thông để phát đi thông tin bất lợi về người khác.

Thực tế, những chuyện tương tự vẫn xảy ra và với tấm lòng bao dung, hay bênh vực phụ nữ, dư luận vẫn đồng cảm người phát ngôn kia. Chỉ có điều, khi tìm kiếm tên người, hàng loạt những thông tin không mấy hay ho khác cũng đồng thời hiển thị.

Người ta biết cô từng bị tố lừa cả trăm triệu đồng tiền đặt cọc mua xe hơi, phải bào chữa quanh co với đủ thứ bằng chứng. Người ta biết cô từng xung khắc với đàn em trong giới, lời lẽ cũng nặng nề với nhau.

Lại còn hàng loạt chuyện khác nữa, đủ để cái tình cảm dành cho một người mẹ “vì con”, một người vợ bị chồng bạo hành, giảm sút nhiều phần tin cậy. Những chuyện không mấy hay ho gì đã vô tình tố cáo mức độ trung thực trong hành xử, trong lời lẽ của cô.

Truyền thông không hề giấu cái khắc nghiệt của nó, nhưng phải chăng vẫn có những người ảo tưởng rằng mình sử dụng được truyền thông, điều khiển được nó?

Chuyện chắc sẽ còn dài. Có thể thấy từ đây một suy nghĩ đã hình thành dần trong một bộ phận xã hội, đó là việc lôi chuyện gia đình, chuyện chồng vợ ra để làm thành một chuyện ồn ào dư luận.

Ngày xưa khi chưa có internet, chưa có phây búc, vợ chồng cãi nhau lớn tiếng, hàng xóm bu lại xem, đám con nít chộn rộn hóng hớt đủ thứ, người quen kẻ lạ bình phẩm chán chê, nhưng không ai khen ngợi chuyện đó cả. Một cách bản chất thì chuyện bây giờ cũng vậy thôi.

Chuyện cãi nhau, đánh nhau ầm ĩ vốn chẳng hay ho gì, còn được ghi chép lại, được quay phim, ghi âm, chụp hình, bình luận và mãi mãi tồn tại đó, không bao giờ có thể xóa đi!

Một quy luật khá phổ biến là cặp đôi nào càng có thời yêu đương mặn nồng, càng gắn bó chia sẻ, thì đến lúc tố nhau càng điên giận, càng cay cú, càng hiểm độc. Thói đời “thương nhau lắm cắn nhau đau” là vậy.

Trong khi người vợ trình báo công an về chuyện mình bị chồng đánh đập, lên mạng tuyên bố ầm ĩ chuyện mình thương con, lo vì con nhỏ đang ở trong tay một người chồng tâm lý không bình thường; thì người chồng nói anh không bạo hành vợ, rằng vợ anh hoang tưởng, bỏ nhà đi hàng tháng trời và thiếu trách nhiệm với con.

Đúng sai không ai kiểm chứng, chỉ khổ đứa bé, chỉ khổ những bậc làm cha làm mẹ. Tình yêu là chuyện riêng giữa hai người, nhưng khi đã bước vào hôn nhân, thì không còn là chuyện riêng nữa, mà đã là chuyện giữa vợ chồng và con, vợ chồng và cha mẹ hai bên.

Nguyên tắc chung là chuyện tình yêu thì phải giải quyết giữa hai người, còn chuyện gia đình thì cần xem xét trên quyền và trách nhiệm của những thành viên khác trong gia đình.

Thói quen trình diễn đã đẩy tất cả về hai phía: diễn viên và khán giả, mang chuyện trong nhà đem ra giữa chợ, bất kể những người trong gia đình có thể bị tổn thương. Thói quen dùng mặt báo, dùng mạng xã hội để giải quyết vấn đề đã làm thui chột những kỹ năng, những quy tắc ứng xử thực tế trong gia đình.

Theo đó, một số giá trị gia đình cũng đã bị chà đạp: tình yêu thương con, sự tôn trọng tối thiểu đối với mỗi người và cha mẹ hai bên trong gia đình lớn…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI