“Cần phải có ai đó tình nguyện thử nghiệm trong cuộc chiến này”

19/08/2020 - 05:29

PNO - Khi cuộc chạy đua phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 dần bước sang giai đoạn gấp rút mới, vai trò của lực lượng tình nguyện viên thử nghiệm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

 

Tại Mỹ, nhiều tiến trình thử nghiệm lâm sàng đang thu hút đội ngũ tình nguyện viên đa dạng màu da, sắc tộc, độ tuổi. Trong ảnh, Nsama Chipalo, một nhà lập trình phần mềm 28 tuổi người Mỹ gốc Phi sống tại Rochester, New York, đang được tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 giai đoạn 3  Ảnh: Democrat & Chronicle
Tại Mỹ, nhiều tiến trình thử nghiệm lâm sàng đang thu hút đội ngũ tình nguyện viên đa dạng màu da, sắc tộc, độ tuổi. Trong ảnh, Nsama Chipalo, một nhà lập trình phần mềm 28 tuổi người Mỹ gốc Phi sống tại Rochester, New York, đang được tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 giai đoạn 3 Ảnh: Democrat & Chronicle

Tựa đoàn người “cầm đuốc” tiên phong tiến vào đêm tối, họ sẵn lòng đối diện nhiều mối nguy khó lường để thay chúng ta tìm kiếm tia hy vọng chấm dứt cơn ác mộng đại dịch đã cướp đi hơn 700.000 sinh mạng trên toàn cầu.   

Bất kể những hiểu biết trước nay về y học, sinh viên ngành y 31 tuổi Sean Doyle, người đang chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ, không thật chắc chắn về hàng loạt nguy cơ anh có thể phải đối mặt với mũi tiêm nhận được bên vai trái tại Bệnh viện Đại học Emory (Atlanta, Georgia, Mỹ) cuối tháng Tư năm nay. Dẫu đã biết đến một số phản ứng phụ bất lợi như đau nhức cơ, sốt... bạn không thể tránh khỏi hồi hộp khi là một trong những người đầu tiên trên thế giới tiêm vắc-xin thử nghiệm. 

Câu trả lời thật sự trước nhiều mối quan ngại đơn giản là “chúng tôi không rõ”. Thế nhưng, chính những băn khoăn ở Doyle lại có thể giúp chúng ta đi tìm đáp án dứt khoát cho một câu hỏi lớn hơn. 

Doyle đang hỗ trợ nhóm chuyên gia nghiên cứu tìm ra đề cử vắc-xin an toàn nhất, bằng cách tình nguyện tham gia thử nghiệm. Những tình nguyện viên như anh chính là nhân tố thiết yếu góp phần làm tăng tốc cuộc chạy đua phát triển vắc-xin ngừa COVID-19. 

Chỉ sau vài tháng, vi-rút gây viêm phổi cấp COVID-19 đã càn quét qua gần như mọi châu lục, cướp đi mạng sống của lượng người nhiều hơn cả một số cuộc chiến tranh và thảm họa thiên nhiên đương thời cộng lại. Không có sự đảm bảo miễn dịch, với lịch sử hình thành mới mẻ, tốc độ lây lan nghiêm trọng cùng con số tử vong báo động, COVID-19 đang tạo ra thách thức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nghiên cứu y khoa - khi việc phát triển vắc-xin ngừa bệnh được thúc ép để rút ngắn xuống còn 12-18 tháng.

Điểm mấu chốt, tuy nhiên, là phải chắc rằng chúng ta không bị ngã giữa lúc hãy còn miệt mài chạy đua với thời gian. 

Lợi ích cộng đồng đặt trên mọi nỗi lo 

Là sinh viên ngành y, Doyle không quá xa lạ với sự cố đau lòng về vắc-xin ngừa cúm lợn (H1N1) vào năm 1976, trước cả khi anh ra đời. Tháng Một năm đó, một dịch bệnh lạ lẫm bất ngờ lan tràn tại khu vực phía nam bang New Jersey. Lo ngại đại dịch bùng phát, chính phủ Mỹ đốc thúc hoạt động bào chế vắc-xin. Trong vòng một năm tiếp theo, gần 25% dân số Hoa Kỳ, tức khoảng 45 triệu người, được tiêm ngừa. Không đủ thời gian xây dựng tiến trình thử nghiệm an toàn tuyệt đối, vắc-xin cúm lợn đã gây nên hệ quả tồi tệ như hội chứng Guillain-Barre (liệt tứ chi), thậm chí dẫn đến một ca tử vong. 

Vụ việc vắc-xin cúm lợn năm xưa khiến Doyle quan ngại ít nhiều đến tình hình hiện tại. “Đúng là luôn lẩn khuất những lo ngại rằng, chúng ta có thể tạo ra một thảm họa Guillain-Barre thứ hai. Luôn có nguy cơ xảy ra điều đó”, Doyle 
nhấn mạnh. 

“Với loại vắc-xin đặc biệt này, không ai đủ khả năng mường tượng trước mọi tình huống. Nhưng nguy cơ rủi ro, tôi nghĩ, vẫn nhỏ hơn tiềm năng lợi ích hứa hẹn ở vắc-xin. Bởi ngay lúc này, không có phương án nào khác giúp khống chế hiệu quả COVID-19”, Doyle nói.

Ở thành phố Syracuse, New York, nữ luật sư 40 tuổi Colleen M. Gibbons, một tình nguyện viên thâm niên từng tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa bệnh dại và sốt Dengue, có chung niềm mong mỏi góp sức vì lợi ích cộng đồng như Doyle. Gibbons - người phải chứng kiến một số bạn bè, đồng nghiệp ra đi vì COVID-19 - đang tham gia dự án thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 được triển khai bởi Đại học Y Upstate, tọa lạc tại Syracuse.  

“Tôi chỉ muốn góp ít công sức để chúng ta sớm thoát khỏi thảm họa này. Vắc-xin là thứ duy nhất có thể giúp chiến thắng đại dịch. Tôi rất vui vì mình được góp vai trò dù là nhỏ bé cho nỗ lực chung”, cô chia sẻ. 

Gibbons nói: “Tôi từng tham gia thử nghiệm vắc-xin trước đây. Thật lòng tôi không quá sợ hãi. Đang có nhiều cá nhân tận tâm dùng hết sức lực, khối óc cho mục tiêu phát triển vắc-xin. Mọi người đều muốn tìm ra giải pháp chấm dứt dịch bệnh”.

ChAdOx1 nCoV-19 hiện là một trong những “ứng viên” sáng giá nhất dẫn đầu cuộc đua bào chế vắc-xin ngừa Covid-19 - Ảnh: BBC
ChAdOx1 nCoV-19 hiện là một trong những “ứng viên” sáng giá nhất dẫn đầu cuộc đua bào chế vắc-xin ngừa COVID-19 - Ảnh: BBC

“Sớm hơn một ngày” để cứu thêm nhiều người

Nếu việc tiêm thử nghiệm vắc-xin theo cách truyền thống đã làm dấy lên quan ngại nhất định, đang có hàng ngàn người khác tình nguyện bị lây nhiễm vi-rút corona với hy vọng sẽ giúp rút ngắn quá trình phát triển vắc-xin. 

Abie Rohrig, một thanh niên 20 tuổi tại New York, đăng ký tham gia chương trình tình nguyện như thế, bất chấp sự lo âu từ gia đình. Cậu sinh viên gan dạ nằm trong số 16.000 thành viên - phần lớn là người trẻ tuổi - thuộc chiến dịch thực nghiệm vắc-xin có tên “1 Day Sooner” (“Sớm hơn một ngày”). Chương trình được xây dựng bởi một tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ, với mục tiêu duy nhất: hỗ trợ cung ứng “đối tượng lây nhiễm” phù hợp nhằm đẩy nhanh công tác bào chế vắc-xin ngừa COVID-19.  

“1 Day Sooner” là hình thái thực nghiệm thử thách trên người - hay nghiên cứu có kiểm soát cách thức lây nhiễm vi-rút trên người. Nó được chứng minh có thể giúp cắt ngắn đến vài tháng nghiên cứu đối với những quy trình phát triển vắc-xin thông thường. 

Lý do khá đơn giản: thay vì phải đợi hàng tháng để tập hợp đủ lượng người tình nguyện trước khi tiến hành thực nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 (giai đoạn thử nghiệm cuối trong tiến trình phát triển vắc-xin, khi nó được tiêm cho một lượng lớn người được cho lây nhiễm vi-rút một cách có kiểm soát trước đó), với phương án thực nghiệm thử thách, giới nghiên cứu có sẵn một nhóm tình nguyện viên hội đủ yếu tố sức khỏe cho mục đích này.

Đầy tiềm năng, thế nhưng thực nghiệm thử thách cũng ẩn hiện nguy cơ rủi ro không nhỏ. Vì dù COVID-19 không thật nguy hiểm trên đối tượng thanh thiếu niên, độc lực của vi-rút vẫn khó lường. Đã có vài trường hợp bệnh nhân trẻ đột quỵ trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó còn xuất hiện những tranh cãi liên quan đến yếu tố đạo đức và an toàn tính mạng của tình nguyện viên. 

“Tôi biết sẽ có rủi ro. Và nếu có gì không may xảy ra, thậm chí tôi phải mất mạng, hẳn gia đình tôi sẽ rất buồn”, Rohrig nói. “Nhưng cần phải có ai đó tình nguyện thử nghiệm trong cuộc chiến này. Tôi nghĩ đây là điều nên làm”. 

Cụ ông Ray Grosswirth, 71 tuổi, với thể trạng khỏe mạnh, quyết định tham gia chiến dịch nghiên cứu phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 tại Rochester, New York - Ảnh: Democrat & Chronicle
Cụ ông Ray Grosswirth, 71 tuổi, với thể trạng khỏe mạnh, quyết định tham gia chiến dịch nghiên cứu phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 tại Rochester, New York - Ảnh: Democrat & Chronicle
Bất chấp nguy cơ bệnh tật, phản ứng phụ tiềm ẩn, kể cả ám ảnh trước cái chết, tại Bắc Mỹ và Anh quốc - khu vực tập trung những trụ sở nghiên cứu y khoa hiện đại nhất thế giới, đến nay đã có gần 150.000 tình nguyện viên tham gia hàng loạt dự án thử nghiệm lâm sàng để bào chế vắc-xin ngừa COVID-19. 
 
Dẫu khác biệt về xuất thân, sắc tộc đến tuổi tác, họ cùng chia sẻ mong mỏi được đóng góp vì cộng đồng và cả sự kiên định, bền bỉ để vượt qua vô số thách thức, trở ngại. Hôm nay, những cố gắng âm thầm, không vụ lợi của lực lượng tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin chính là “bước đệm” then chốt giúp bảo vệ chúng ta lẫn thế hệ mai sau.
 
 
 Như Ý (tổng hợp)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI